Trong nước thừa cung vẫn ồ ạt nhập khẩu
Tại hội nghị Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới sáng 27/4, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho hay, Việt Nam là một trong những quốc gia có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới, riêng đàn thuỷ cầm lớn thứ hai thế giới. Giai đoạn 2018-2022, đàn gia cầm tăng nhanh từ 435,9 triệu con lên 557,3 triệu con. Trong đó, chủ yếu là chăn nuôi gà thịt, chiếm 81% tổng đàn gia cầm ở nước ta.
Tốc độ tăng trưởng thịt gia cầm bình quân giai đoạn này đạt 17,3%, riêng thịt gà tăng 18,52%.
Theo ông Chinh, trong một năm, gia cầm có nhiều vòng quay (lứa). Ví như gà lông trắng có thể xoay nuôi được 5 vòng, gà lông màu được 3 vòng nên sản lượng trứng và thịt tăng rất cao. Năm 2022, tổng số lượng trứng đạt trên 18 tỷ quả.
Trong quý I/2023, đàn gia cầm ước đạt khoảng 551,4 triệu con, tăng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 563,2 nghìn tấn, tăng 4,2%; trứng đạt 4,7 tỷ quả, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022. Giá bình quân gia cầm từ đầu năm 2023 đến nay là 25.600 đồng/kg; giá trứng gà dao động từ 1.750-2.200 đồng/quả, trứng vịt 2.200-2.400 đồng/quả.
Ngoài nguồn cung trong nước tăng mạnh, Việt Nam còn chi lượng tiền khủng để nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, thậm chí nhập cả gà sống về giết mổ.
Thống kê cho thấy, tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2022 đạt 3,32 tỷ USD. Ngoài nhập khẩu con giống, trong năm 2022, gà sống nhập khẩu vào Việt Nam dùng để giết mổ là 6.603 tấn thịt, tăng 100,8%; thịt gia cầm qua giết mổ nhập khẩu 246.575 tấn, tăng 9,6% so với năm 2021.
Trong quý I/2023, chỉ riêng lượng gà để làm thịt nhập về Việt Nam 3 tháng đầu năm đạt 1.120 tấn; lượng thịt gia cầm đã qua giết đạt 47.817 tấn.
Trong khi đó, sức sản xuất của bà con nông dân, của các doanh nghiệp rất lớn. Nếu chỉ phục vụ thị trường nội địa 100 triệu dân và khoảng 17 triệu khách quốc tế đến Việt Nam thì sẽ dư thừa. Bởi vậy, cần thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm gia cầm hiện nay, ông Chinh nhấn mạnh.
Nhưng năm 2022, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 409 triệu USD, giảm 7,1%. Còn ngành chăn nuôi Việt Nam nhập siêu 2,92 tỷ USD, tăng 1,3%.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA), nguồn cung trong nước đã dư thừa nhưng đáng buồn là lượng nhập khẩu các sản phẩm gia cầm vẫn tăng mạnh. Ví dụ, năm 2021 nhập 225.000 tấn, năm 2022 nhập 246.000 tấn, 3 tháng đầu năm nay gần 51.000 tấn.
“Chúng ta quá dễ dãi khi cho nhập các sản phẩm gia cầm về Việt Nam. Gà sống thải loại từ Thái Lan ‘đi bộ’ về nước ta, gà dai Hàn Quốc cũng về rất nhiều. Có những quý nhập cả da gà, cổ, cánh, chân gà”, ông nói. Trong khi, thị trường nội địa tiêu thụ bấp bênh, chưa bao giờ vòng đời con gà từ chỗ 45-70 ngày nay phải nuôi tới cả trăm ngày vì không tiêu thụ được.
Thua lỗ nặng, chăn nuôi nông hộ dần bị ra khỏi cuộc chơi
Ông Sơn chỉ rõ, tỷ suất lợi nhuận của chăn nuôi gia cầm ngày càng giảm, thậm chí, hai năm vừa qua còn âm. Suốt từ năm 2022 đến nay, người chăn nuôi phải bán gà thịt dưới giá thành, chịu lỗ 6.000-8.000 đồng/kg, gà công nghiệp lông trắng lỗ 5.000-6.000 đồng/kg.
Không chỉ chăn nuôi nông hộ mà ngay cả doanh nghiệp FDI cũng thua lỗ. Đây là điều báo động với ngành chăn nuôi gia cầm.
“Tổng cầu không tăng nhưng tổng cung lại tăng mạnh từ nguồn nội địa và nhập khẩu. Rất lo lắng cho thị trường tiêu thụ trong nước”, ông nhấn mạnh. Hiện, các doanh nghiệp nội bị yếu thế so với doanh nghiệp FDI, người nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ bị loại dần ra khỏi cuộc chơi. Nguy cơ đang bị thôn tính dần.
Cụ thể, theo số liệu năm 2022, ở mảng chăn nuôi gà công nghiệp lông trắng, doanh nghiệp nội chỉ chiếm 10%, doanh nghiệp FDI chiếm 90% thị phần. Với gà lông màu, doanh nghiệp FDI chiếm 55%, doanh nghiệp nội chiếm 45% thị phần. Con số này năm 2021 lần lượt là 40% và 60%.
Ông Tống Xuân Chinh cho rằng, đó là do giá thành thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, thị trường tiêu thụ thịt gia cầm chững lại nên người nuôi phải bán gà dưới giá thành, lỗ khá nặng.
Đặc biệt, trong chuỗi sản xuất gia cầm, sự phân chia lợi nhuận không đều. Tỷ lệ lợi nhuận đang tập trung ở khâu giết mổ và phân phối, người nông dân chịu rủi ro nhiều nhất nhưng nhận về mức lợi nhuận thấp, thậm chí như hiện nay là âm.
Ông Sơn kiến nghị cần xét điều chỉnh một số chính sách, như: tín dụng ưu đãi, giảm thuế thu nhập cho DN chăn nuôi, đơn giản hoá thủ tục để tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ;... đồng thời, cần có chính sách mới đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp nội và người chăn nuôi trong nước đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI.
Ngoài ra, rà soát lại chiến lược phát triển chăn nuôi. Theo ông, lâu nay chúng ta vẫn mải mê tăng sản lượng khiến cung vượt cầu, giá bán thấp. Bây giờ phải xem xét nâng cao giá trị, sản phẩm gia tăng, mở rộng thị trường xuất khẩu.
"Cuối cùng, cần kiểm soát chặt việc nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi. Ngay cả các doanh nghiệp lớn như CP, De Heus cũng rất mệt mỏi vì phải cạnh tranh với sản phẩm đông lạnh nhập khẩu", ông Sơn nói.