Ám ảnh chó thả rông
Theo số liệu của UBND TP Hà Nội, hiện tổng đàn chó, mèo của thành phố là khoảng 460 nghìn con, đứng thứ hai cả nước sau Nghệ An. Từ năm 2019 đến nay, Hà Nội ghi nhận nhiều trường hợp tử vong vì bệnh dại và bị chó cắn.
Nhằm mục tiêu hướng tới thủ đô không còn bệnh dại trong giai đoạn 2022-2030, mới đây UBND Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 105/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2030, trong đó sẽ thành lập gần 600 đội bắt chó thả rông tại 30 quận, huyện, thị xã đế tiến hành bắt cho thả rông trên địa bàn.
Theo ghi nhận của VietNamnet tại các khu vực công viên như Thống Nhất, Cầu Giấy cho thấy, tình trạng chó thả rông không đeo rọ mõm vẫn còn nhiều.
Đáng chú ý, là sự xuất hiện của nhiều giống chó cỡ lớn mà không hề có rọ mõm hay quản lý của chủ. “Các công viên vốn là nơi tập trung đông người với nhiều hoạt động nên dễ xảy ra va chạm và bị chó tấn công. Tôi thấy rất nhiều giống chó lớn trên vài chục kg, nếu chúng bất ngờ tấn công thì thực sự nguy hiểm cho con người”, ông Đặng Thành Nhân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay.
Bên cạnh các công viên, ghi nhận tại nhiều khu vực sân chơi trên địa bàn phường Xuân Canh, Phương Canh (quận Nam Từ Liêm) hay Tây Tựu, Phú Diễn… (quận Bắc Từ Liêm) cũng xuất hiện tình trạng chó thả rông.
Bà Nguyễn Thu Huyền (phường Tây Tựu) phản ánh: “Thường ngày tôi vẫn đưa cháu nội ra các khu sân chơi, thấy chó thả rông không đeo rọ mõm tôi rất lo lắng. Chúng có thể bất ngờ tấn công con người, nếu chúng bị nhiễm bệnh dại sẽ nguy hiểm.
Chó cảnh thường được tiêm vắc-xin phòng dại, nhưng với nhiều dòng chó cỏ tôi thấy họ sẽ ít tiêm”, bà Huyền nói và cho biết, những ngày gần đây chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền trên loa phát thanh để người dân nâng cao ý thức.
Đang đẩy mạnh tuyên truyền
Theo phản ánh của nhiều người dân, trước kia tình trạng chó thả rông không đeo rọ mõm rất phổ biến nhưng hiện nay cơ bản người dân đã dần có ý thức hơn.
Chị Đỗ Thị Trang (phường Dương Nội) nhìn nhận: “Trước kia tại khu vực sân chơi, ven hồ chó thả rông phóng uế gây mất vệ sinh và ảnh hưởng đến không gian sinh hoạt công cộng. Dù tôi chưa thấy trên địa bàn xảy ra việc chúng tấn công con người nhưng tôi cũng rất sợ, đặc biệt là mỗi lần đưa các cháu nhỏ xuống chơi”.
“Những người nuôi thú cưng nói chung hay chó nói riêng, họ sẽ coi chúng như người bạn, thậm chí như thành viên trong gia đình. Nhưng việc nuôi để không ảnh hưởng đến người khác mới là quan trọng. Mỗi người cần tự giác tuân thủ để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc, đặc biệt với các giống chó lớn”, chị Trang bày tỏ.
Thông tin với VietNamnet, lãnh đạo UBND phường Phú Diễn (Bắc Từ Liêm) cho biết, địa phương đã nắm được chủ trương của UBND thành phố. Hiện tại phường đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân.
Bên cạnh đó, cũng đã cho triển khai thành lập tổ công tác để thực hiện khi UBND quận có hướng dẫn cụ thể. Tương tự, lãnh đạo UBND phường Tây Tựu (cũng đã tổ chức họp để thành lập tổ công tác.
“Ngay trước mắt công tác tuyên tuyền đến người dân sẽ được đẩy mạnh, tiếp đó, chúng tôi sẽ đưa tổ công tác vào thực hiện việc bắt nhốt, xử lý tình trạng chó thả rông”, vị lãnh đạo cho hay.
Nhị Tiến