Thị trường chứng khoán Việt Nam chịu áp lực bán ra mạnh sau khi chứng khoán Mỹ đêm qua (giờ Việt Nam) giảm 700 điểm và chỉ số công nghệ Dow Jones mất mốc 30.000 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq thậm chí mất 4%.
Giới đầu tư lo ngại nền kinh tế Mỹ sẽ khó tránh suy thoái sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất ở mức mạnh nhất trong gần 3 thập kỷ. Fed tăng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm lên 1,5-1,75%, nâng tổng 3 lần tăng lên thêm 150 điểm.
Hầu hết các cổ phiếu trên 3 sàn chứng khoán của Việt Nam tiếp tục giảm giá với tổng cộng khoảng khoảng 800 mã đi xuống, trong đó có khoảng 180 mã giảm sàn.
Nhóm 30 cổ phiếu trụ cột thuộc nhóm VN30 giảm khá mạnh. PNJ giảm 4.100 đồng xuống 117.700 đồng/cp; Sabeco giảm 3.300 đồng xuống 153.100 đồng/cp… Chứng khoán SSI có lúc giảm sàn.
Chỉ số VN-Index lúc 10h35 giảm hơn 40 điểm về ngưỡng 1.190 điểm.
Tâm lý trên thị trường khá xấu. Nhiều nhà đầu tư có dấu hiệu rút tiền ra khỏi thị trường và chấp nhận thua lỗ khi mà thị trường tiềm ẩn quá nhiều sự bất định đến từ thế giới, bất chấp nền kinh tế trong nước vẫn được đánh giá tích cực.
Ngay sau khi Fed tăng lãi suất với bước nhảy kỷ lục trong 28 năm, hàng hàng tổ chức dự báo kinh tế Mỹ suy thoái.
Ngân hàng Wells Fargo & Co. cho rằng, kinh tế Mỹ sẽ suy thoái nhẹ bắt đầu từ giữa năm 2023, khi lạm phát bám rễ sâu hơn trong nền kinh tế và bào mòn sức tiêu dùng của người dân. Moody’s Analytics cho rằng, cơ hội có cho kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm” đã giảm đi nhiều.
Hàng loạt các dự báo cho rằng, việc kinh tế Mỹ suy thoái trong năm tới sẽ là điều khó tránh khỏi. Theo Bloomberg Economics, khả năng xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế Mỹ hiện đã lên gần mức 75%.
Còn theo khảo sát của FT ngay trước cuộc họp của Fed, 70% chuyên gia được hỏi dự báo kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong năm 2023.
Đêm qua, chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ giảm 700 điểm, rớt mốc 30,000 điểm lần đầu tiên kể từ đầu 2021, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq sụt 4%. Tất cả các chỉ số chứng khoán Mỹ đều rớt hơn 20% và vào vùng giá xuống. Nasdaq Composite thậm chí đã giảm tới 34% kể từ đỉnh hồi đầu 2022.
Không chỉ Mỹ, nhiều nước trên thế giới cũng đang gặp khó.
Châu Au đối mặt với tình trạng lạm phát cao kỷ lục, lên tới trên 8%. Một số nước trong khu vực chứng kiến lạm phát 2 con số. Nước Ý có tín hiệu khủng hoảng khi mà lợi tức trái phiếu lên tới 4,3%. Lợi tức trái phiếu Mỹ cũng đã lên tới 3,2-3,5%.
Một số nước đẩy nhanh quá trình thắt chặt tiền tệ, qua đó có thể khiến kinh tế mất đà hồi phục sau đại dịch Covid.
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) đêm qua đã nâng lãi suất lần đầu tiên trong 15 năm. Ngân hàng Trung ương Anh quốc (BoE) vào ngày thứ Năm ấn định nâng lãi suất lần thứ 5 liên tiếp.
Với Việt Nam, lạm phát cũng là điều đáng lo ngại. Trong báo cáo mới đây, WB ghi nhận sản xuất công nghiệp Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc, ở mức hơn 10% so cùng kỳ năm trước. Đồng thời, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 5 tháng cũng tăng gần 23% so cùng kỳ 2021. Điều này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, FDI đăng ký giảm tháng thứ 4 liên tiếp. Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng từ 2,6% trong tháng 4 lên 2,9% trong tháng 5, chủ yếu do giá xăng dầu tăng. WB khuyến nghị Chính phủ và các cơ quan thẩm quyền thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng, có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước đang diễn ra.
M. Hà