Với những doanh nghiệp luôn xem người lao động là vốn quý, Tết cũng là dịp để thể hiện sự quan tâm, chăm lo về vật chất và tinh thần nhằm giữ chân công nhân. Tết Nguyên đán 2024, theo ghi nhận, doanh nghiệp nào "ăn nên làm ra", công nhân được lo đầy đủ tiền thưởng, còn nơi khó khăn cũng đã cố gắng tặng quà Tết.
Tình trạng này diễn ra tại một số doanh nghiệp tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương vào dịp cuối năm khiến hàng ngàn công nhân tâm tư.
Theo đó, vào những ngày gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn, khoảng 3.000 công nhân của một công ty chuyên gia công giày da ở phường Thuận Giao, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương nhận được thông báo từ công đoàn công ty về việc sẽ được tặng mỗi người một phần quà. Tuy nhiên, phần quà cụ thể thì công nhân không được biết trước.
Đến chiều 25/1 vừa qua, khi công đoàn tổ chức trao phần quà gồm 4 hộp bánh kẹo các loại, thì lập tức công nhân phản ứng vì cho rằng không thỏa đáng.
Tình hình trở nên căng thẳng hơn khi hàng ngàn công nhân tập trung lại để phản đối, yêu cầu phía công ty tặng quà Tết “hợp lý” hơn, do mỗi tháng họ phải nộp 45.000 đồng tiền công đoàn.
Một nữ công nhân cho hay, mỗi tháng mình phải nộp đến 45.000 đồng tiền công đoàn, tính ra mỗi năm hàng trăm nghìn, nhưng phần quà Tết nhận lại như trên là không thỏa đáng.
Trước tình trạng này, công đoàn công ty quyết định sẽ tặng cho công nhân nào có nhu cầu muốn nhận, còn không công đoàn giữ lại.
Giữ lại 40% tháng lương 13 đến cuối tháng 3 trả nốt
Một trường hợp khác khiến người lao động tâm tư, là bị công ty giữ lại một phần tiền thưởng lương tháng 13, khiến cho việc sinh hoạt bị ảnh hưởng.
Anh N.V.Q (32 tuổi, quê An Giang) chia sẻ, anh làm việc cho một doanh nghiệp về giày da của Đài Loan nằm trong Khu công nghiệp VSIP (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) được 9 năm; là số ít người có thâm niên làm việc lâu năm tại công ty.
Tuy vậy, vào những dịp cuối năm anh và các công nhân đều mang nhiều tâm tư khi công ty thưởng Tết.
Theo anh Q, những năm trước đây công ty sẽ thưởng Tết bằng lương tháng thứ 13 (tương đương 1 tháng lương cơ bản), cộng với phần quà Tết là hiện vật từ công đoàn. Thế nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, lương tháng 13 của công nhân đều bị giữ lại 40% với các lý do khác nhau, trong đó có nguyên nhân công ty khó khăn về kinh tế, cũng như giữ chân người lao động.
Năm nay, anh Q cũng bị giữ lại 40% tiền thưởng lương tháng 13, công đoàn công ty tặng một phần quà gồm đường, cà phê, bánh ngọt, dầu ăn. Việc bị giữ tiền thưởng cuối năm cũng như phần quà Tết này khiến anh và các công nhân khác không hài lòng, nhiều lần có ý kiến lên trưởng bộ phận nhưng vẫn không được thay đổi hay cải thiện qua các năm.
“Quà Tết công đoàn tặng cũng có ý nghĩa, nhưng làm sao đó cho thỏa đáng, số lượng và chất lượng cũng phải phù hợp, mỗi tháng công nhân nộp tiền công đoàn cũng mấy chục ngàn. Còn tiền thưởng tháng thứ 13, nên trả hết cho công nhân để chi tiêu Tết” - anh Q bày tỏ.
Trong khi đó, như nhiều công ty khác, Công ty TNHH New Apparel Far Eastern (Việt Nam) cũng thưởng Tết bằng tháng lương thứ 13 cho công nhân thâm niên. Đồng thời, công đoàn tổ chức tặng các phần quà Tết cho hơn 2.900 người đang làm việc tại đây với tổng số tiền hơn 681 triệu. Các phần quà chủ yếu là bánh kẹo, đồ dùng thiết yếu cho sinh hoạt.
Đại diện công đoàn công ty cho biết, đây là hoạt động thường niên của công đoàn vào dịp cuối năm nhằm chăm lo đời sống cho người lao động, động viên anh chị em vui xuân. Hầu hết người lao động tại doanh nghiệp này đều ủng hộ, tuy các phần quà không có giá trị vật chất lớn nhưng có giá trị tinh thần dịp Tết đến xuân về.
Trao đổi với PV, lãnh đạo một doanh nghiệp đang sử dụng gần 5.000 người lao động cho hay, do tình hình sản xuất năm nay gặp khó khăn, đơn hàng khan hiếm nên doanh thu sụt giảm khá lớn. Việc thưởng Tết cho người lao động cũng luôn được doanh nghiệp quan tâm, nhưng buộc phải có những cắt giảm, cân đối lại để không bị ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, tính đến nay đã có gần 1.900 doanh nghiệp báo cáo về lương, thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Trong tổng số 1.900 doanh nghiệp báo cáo thưởng Tết thì nhiều nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với gần 1.300 đơn vị.
Mức thưởng Tết của khối doanh nghiệp FDI thấp nhất là 4,68 triệu đồng/người, cao nhất là 574 triệu đồng, mức bình quân 7,1 triệu đồng/người; Ở khối doanh nghiệp dân doanh, mức thưởng bình quân là 6,7 triệu đồng/người; cao nhất là 330 triệu đồng/người; thấp nhất là 4,68 triệu đồng/người; Khối doanh nghiệp nhà nước, mức thưởng cao nhất là 42 triệu đồng/người; thấp nhất là 9 triệu đồng/người; bình quân gần 10 triệu đồng/người.
Kỳ 3: Thưởng Tết công nhân: Nơi tính chi từng đồng, chỗ vui mừng mua vé bay về quê