Một người đàn ông phải về nhà vợ ở bởi muôn vàn lý do, nhưng hầu như đều chung nhau một cuộc chiến: Vượt qua định kiến "chó chui gầm chạn". Người thắng, kẻ thua, người mỉm cười ung dung, kẻ "ngậm bồ hòn làm ngọt"...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, thua hay thắng đều do mình cả, phụ thuộc vào việc có làm chủ được bản thân hay không chứ không phải do hoàn cảnh.
Lo lắng
Chưa đầy một tuần nữa Tuấn sẽ tổ chức đám cưới với Bình - cô con gái một trong gia đình ở Hà Nội. Anh là trai tỉnh lẻ mới ra trường, làm việc tại thủ đô chưa có điều kiện mua được nhà riêng nên việc ở lại nhà vợ là điều không tránh khỏi.
Nhưng càng đến gần ngày cưới, anh lại thấy lo lắng, trong lòng lúc nào cũng bồn chồn suy nghĩ “Ở rể là mất cái tự chủ và cái uy của thằng đàn ông”. Nhưng hiện tại anh chưa thể mua được nhà nên cực chẳng đã không còn lựa chọn nào cả. Chẳng lẽ vợ chồng anh thuê nhà ở riêng trong khi nhà vợ thì rộng thênh thang, một toà biệt thự 3 tầng lại có sân vườn, bể bơi…trong khi nhà thì neo người.
Được Bình thuyết phục, anh cũng không thấy có vấn đề nhiều, bởi sắp xếp như thế là hợp lí vì nếu vợ chồng anh mà thuê nhà ra ở riêng thì bố mẹ vợ sẽ cô quạnh và Bình sẽ không vui. Tuy nhiên, ở cơ quan Tuấn có mấy anh đồng nghiệp cũng đã từng ở rể lại “ngăn cản” khi biết anh cũng chuẩn bị về ở rể.
Anh bạn tên Long kể: “Lúc đầu bố mẹ vợ cũng nhiệt tình lắm, nói là ở lại cùng nhà để không mất tiền chi trả và bố mẹ con cái lại được gần nhau. Nhưng rồi về sống mới biết hai cụ khác tính khác nết với mình lắm nên không tránh khỏi va chạm. Điều khó nhất đó là bố mẹ của vợ nên dù khó chịu đến đâu cũng không dám góp ý hay phàn nàn gì cả”.
Mấy anh bạn khác cũng được dịp truyền lại “kinh nghiệm” cho Tuấn trong việc “vợ là người ở giữa không biết xử lí ra sao nên đâm ra bực tức với cả chồng và bố mẹ mình khiến hai cụ càng thêm “ghét ra mặt” con rể”. Quá ra nữa đó là nhà vợ sẽ nói bóng nói gió rằng “vì mày không có nhà cho con gái bố mẹ ở nên bố mẹ mới phải thế này chứ chẳng ai muốn ôm rơm nặng bụng làm gì…”.
Nghe được những câu chuyện của mấy anh bạn đồng nghiệp khiến Tuấn cảm thấy hoang mang rồi lại chạnh lòng. Suy nghĩ mông lung, anh chưa biết quyết định như thế nào cho đúng. Chẳng lẽ cả gan xin phép bố mẹ cho vợ chồng ra ngoài thuê nhà ở hay thỏa thuận trước với Bình một số điều và vẫn ở lại đó...
Ác cảm
Kết hôn khi chưa có nhà riêng, anh Hải đành ở rể. Sống chung, mẹ vợ trở nên ác cảm với chàng rể vì nghĩ con rể lười và cơ hội.
Chị Hà - vợ anh Hải - kể: “Mẹ đẻ mình suốt ngày cằn nhằn mình chiều chồng sinh hư, vợ chồng phải phân chia đều công việc cho nhau, rằng chồng mình đi làm về thấy việc thì phải lao vào mà làm, cứ chỉ biết ngồi chờ có người nhờ mới làm, ông bà ngoại đã mệt rã rời vì trông cháu rồi lại phải cơm nước "hầu hạ" để đi chơi tối ngày...
Nhiều khi mình phải đứng ra hòa giải, thanh minh với mẹ đủ kiểu là chồng con dạo này bận nhiều việc, không phải chơi bời lêu lổng, mẹ muốn nhờ việc gì thì cứ nói thẳng vì anh ấy ngại... nhưng mẹ mình cứ ác cảm với anh và cũng không chịu hiểu cho nỗi lòng con gái…
Bữa cơm, mẹ mình hầu như không nói chuyện với con rể hoặc có trả lời thì cũng rất khách sáo. Mẹ vợ cũng không xưng “mẹ - con” với con rể mà chỉ xưng “anh – tôi”. Hễ mình mua gì cho chồng hay nhà chồng thì mẹ đẻ đều tỏ ra khó chịu. Chồng mình cũng cảm nhận được việc mẹ mình không thích anh ấy, cho nên anh toàn tránh giáp mặt với mẹ. Nếu bất đắc dĩ phải giáp mặt như bữa ăn thì hai người cũng chỉ nói với nhau những câu xã giao.
Trường hợp ở rể của anh Toàn cũng không được mẹ vợ yêu quý mặc dù chị Yến vẫn tự hào vì có chồng kiếm được tiền, yêu vợ, chiều con. Nhưng anhh Toàn - Doanh nhân một công ty kinh doanh các thiết bị lọc nước luôn bị mẹ vợ than phiền là thằng bê tha, nát rượu, chẳng quan tâm gì đến vợ con.
Chị Yến tâm sự: “Chồng mình thường hay phải tiếp khách, giao dịch làm ăn nhiều nên hay phải hút thuốc, uống rượu. Nhưng anh ấy không phải bê tha mà có điểm dừng. Thế mà buồn một nỗi là mẹ mình luôn coi con rể là ‘thằng nát rượu’ chẳng ra gì”...
Biện pháp giải tỏa đôi bên
Không chỉ có cảnh nàng dâu mệt mỏi vì mẹ chồng mà còn không ít cảnh con rể cũng đau đầu vì định kiến của gia đình vợ. Thường thì một khi đã có ác cảm thì rất khó để hóa giải nếu bản thân người mang định kiến đó không thay đổi suy nghĩ. Do đó, để quan hệ mẹ vợ - con rể tốt đẹp hơn thì đòi hỏi thiện chí từ đôi bên, nhất là người ở giữa – người vợ (hay con gái).
Đàn ông thường không tinh ý và không giỏi xoay xở trong các mối quan hệ gia đình bằng phụ nữ. Do đó, có anh con rể thậm chí còn không biết phải làm sao để lấy lòng mẹ vợ. Hoặc có trường hợp trở muốn tránh mặt bố mẹ vợ. Quan hệ giữa hai bên căng bao nhiêu thì người vợ ở giữa khổ bấy nhiêu, bởi một bên là mẹ mình, còn một bên là chồng mình.
Những trường hợp sống chung mà có xung đột thì ra riêng bao giờ cũng là giải pháp hợp lý...
Theo chuyên gia tâm lý Vũ Minh Tâm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), quan niệm ở rể tựa như "chó chui gầm chạn" xuất phát từ tư tưởng trọng nam, khinh nữ thời xưa. Xã hội giờ đã thay đổi, nam nữ đã tiến đến bình quyền, quan niệm đó lẽ ra phải bị coi là lỗi thời, lạc hậu nhưng rất tiếc, với nhiều người, nó vẫn ăn sâu vào nếp nghĩ, lối sống. Thử đặt ra câu hỏi, người phụ nữ có thể theo chồng về làm dâu, phụng dưỡng bố mẹ chồng, thì vì sao người đàn ông lại không thể đến ở rể, chăm sóc bố mẹ vợ? Nếu câu trả lời là không thì vì lý do gì? Hay chính là bởi những định kiến đã gắn chặt vào suy nghĩ của chúng ta chưa thoát ra được?
Còn chuyên gia tâm lý Minh Công (Trung tâm Tâm lý học Ứng dụng Sông phố) cho rằng, ở rể hay làm dâu cũng đều giống nhau ở việc phải học cách sống chung. Việc hạnh phúc hay khổ sở phụ thuộc nhiều vào việc người trong cuộc ứng xử thế nào, có làm chủ được bản thân hay không. Nếu người con rể hiếu nghĩa với bố mẹ vợ, sống có trách nhiệm với gia đình, người vợ khéo léo, không "ỷ thế" nhà mình khiến chồng chạm tự ái... thì việc ở rể sẽ rất thuận lợi.
(Theo NNVN)