Lời tòa soạn

Quấy rối tình dục là việc có những hành động hoặc lời nói liên quan đến vấn đề tình dục nhằm gây tổn thương danh dự và nhân phẩm cho cả nam giới hoặc nữ giới. Đây được xem là hành vi mang tính xúc phạm đối phương không được chấp nhận hay mong muốn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về các hành vi quấy rối tình dục. Có những hành vi nhiều người coi là bình thường lại chính là quấy rối tình dục. 

Báo VietNamNet mở diễn đàn Quấy rối tình dục nơi công sở, trường học để cùng chia sẻ với các độc giả về những hành vi lệch lạc này. Bài viết liên quan xin gửi về: bandoisong@vietnamnet.vn

Các hành vi quấy rối tình dục ở công sở, trường học… luôn diễn ra âm thầm nhưng có tính “sát thương” cực mạnh đến tinh thần và môi trường làm việc của nạn nhân.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ quan điểm với PV VietNamNet.

anh 3 quay roi tinh duc.png
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Nữ giới bị quấy rối tình dục chiếm đại đa số

Quấy rối tình dục (QRTD) có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kỳ giới tính nào nhưng nạn nhân nữ giới thường chiếm đa số. 

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng có khoảng 70 - 80% nữ giới bị quấy rối tình dục không đụng chạm. Kẻ quấy rối dùng ánh mắt, lời nói tục tĩu, hành vi mô tả không đụng chạm… khiến nạn nhân cảm thấy khó chịu. 

Những hành vi này thường được diễn giải là trêu ghẹo, tán tỉnh. Vì thế, nhiều hành vi QRTD không đụng chạm bị bỏ qua. 

Nếu hành vi QRTD không động chạm xảy ra rất nhiều nhưng không bị phát hiện, thì QRTD có động chạm (hôn, sàm sỡ, xâm hại…) thường bị phản ứng và phát hiện dễ dàng hơn. Tuy nhiên, việc phản ứng này cũng giống như bề nổi của tảng băng, khó mà giải quyết triệt để.

anh 5 quay roi tinh duc.png
Quấy rối tình dục bằng lời nói tục tĩu, ánh mắt... Ảnh minh họa: Venture beat

Đổ lỗi cho nạn nhân

Một vụ QRTD bị vạch trần, nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp lên tiếng thì luôn có một bộ phận không nhỏ đổ lỗi cho nạn nhân. Mọi người thường có xu hướng nhìn nhận sự việc theo suy nghĩ cá nhân.

Ví dụ, một phụ nữ bị sàm sỡ thì sẽ có người cho rằng cô ấy mặc khêu gợi, đồng ý đi cùng kẻ quấy rối… là tín hiệu đồng thuận, “bật đèn xanh” cho những hành vi xâm hại diễn ra.

Hoặc, một cô gái mặc áo có chữ "Hug Me" (ôm tôi) khiến những kẻ có ý đồ xấu “bắt lấy” tình tiết đó để diễn giải theo cách họ muốn, lý giải hành động QRTD đã được nạn nhân chấp nhận.

Như thế, tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân của mọi người trở thành biện cứ phủi sạch sai trái của thủ phạm.

Vì tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân dẫn đến nhiều vụ việc QRTD bị “chìm xuồng”. Điều này khiến nạn nhân e ngại, không dám lên tiếng. Họ sẽ phải cân nhắc đến hậu quả mà bản thân nhận lấy sau khi công khai.

Thực tế, nạn nhân vạch trần thủ phạm QRTD nhưng vụ việc không được xử lý thích đáng. Trong khi đó, nạn nhân mất nhiều thời gian, gặp rắc rối không mong muốn, phải giải trình ở nhiều nơi, xấu hổ với những người xung quanh. Thậm chí, dưới góc nhìn của dư luận, họ có thể biến thành kẻ có lỗi, lật lọng trong chuyện tình cảm riêng tư…

Nỗi sợ này ép nạn nhân chọn cách quên đi hành vi QRTD của thủ phạm, nhất là QRTD không động chạm. Một số người còn tự đổ lỗi cho mình. Họ chấp nhận, im lặng, né tránh, cho rằng bản thân nhạy cảm, những hành vi QRTD chẳng qua là trêu ghẹo, tán tỉnh.

"Thức tỉnh" kẻ quấy rối tình dục

QRTD đôi khi liên quan đến cảm nhận chủ quan của nạn nhân. Ranh giới giữa đồng thuận và phản đối rất mong manh. Chính điểm mờ này tạo kẽ hở cho thủ phạm thoát tội, hành vi QRTD leo thang.

Thực ra, đối tượng QRTD người khác đôi khi không nhận thức được hành vi của mình là sai trái. Vì vậy, “thức tỉnh kẻ quấy rối” là việc làm cấp bách, cần đưa vào giáo dục cho giới trẻ.

Những bạn trẻ trong giai đoạn tuổi dậy thì cần nhận thức hành vi như thế nào thì được xem là QRTD. Nếu thực hiện hành vi đó, bạn sẽ gặp rắc rối về mặt pháp luật ra sao. 

Đồng thời, nhà trường và gia đình cần kết hợp, giúp giới trẻ thay đổi một số lối mòn suy nghĩ không còn phù hợp. Ví dụ, không ít nam giới vẫn nghĩ khi phụ nữ nói “không” trong tình yêu, tình dục là cần hiểu ngược lại. Hoặc, nhiều người cho rằng, nữ giới còn có nhu cầu cao hơn nam giới nhưng ngại ngùng, không dám thể hiện sự đồng thuận.

Nếu không được giáo dục nhận thức đúng đắn, lớp trẻ kế tiếp sẽ mặc nhiên chấp nhận, áp dụng lối suy nghĩ lạc hậu vào đời sống. 

anh 6 quay roi tinh duc.png
Nạn nhân cần quyết liệt ngăn chặn, phản đối hành vi quấy rối tình dục. Ảnh minh họa: Real Business

Không chỉ kẻ QRTD cần “thức tỉnh”, nạn nhân cũng phải nhìn nhận, sửa chữa những điểm yếu kém trong nhận thức về QRTD.

Nữ giới cần trang bị kỹ năng nhận diện, phòng tránh và phản đối quyết liệt trước hành vi QRTD. Đồng thời, không để bản thân rơi vào tình huống thủ phạm có thể viện cớ chúng ta đồng thuận với hành vi QRTD.

Khi bị QRTD, nạn nhân không được phép đổ lỗi cho bản thân. 

Trong tất cả trường hợp bạn bị quấy rối tình dục thì nguyên nhân không bao giờ xuất phát từ phía bạn. Thay vì tự trách bản thân, bạn hãy học cách lưu lại bằng chứng cụ thể, chủ động tìm hiểu các chính sách liên quan đến QRTD nếu cơ quan, công ty của bạn có quy định.

Đặc biệt, nạn nhân bị QRTD không được phớt lờ, xem như chưa có chuyện gì xảy ra. Phản ứng này hoàn toàn sai, không làm QRTD biến mất.

Tệ hại hơn, nạn nhân của QRTD chọn cách né tránh thủ phạm bằng cách đến công ty muộn, không làm việc chung… Cách xử lý này sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của bạn, thậm chí mất việc.

Hệ lụy của QRTD diễn ra âm thầm, đánh mạnh vào tâm lý của nạn nhân. Vì thế, nạn nhân khó chứng minh, không thể cân đo đong đếm những tổn thương do hành vi QRTD gây ra. 

Để vạch trần và xử lý triệt để hành vi QRTD, nạn nhân là yếu tố tiên quyết. Thế nên, ngoài thông hiểu các quy định về QRTD ở nơi làm việc, nạn nhân cần được hỗ trợ từ nguồn lực, tổ chức bên ngoài.