Lea sống một mình, thuê căn hộ trên tầng 5 của một khu chung cư cũ ở Thượng Hải. Một lần, nhân viên giao hàng từ chối đưa đồ lên tầng, để ngay dưới sảnh khiến món hàng bị thất lạc. Cô đã phàn nàn về chuyện này khiến người chuyển phát tức giận.
Vài ngày sau, Lea nhận những tin nhắn đe dọa từ một số điện thoại ảo: "Nhất cử nhất động của cô đều trong tầm ngắm của tôi", "Theo dõi cô quá dễ". Cô lờ đi nhưng sau đó lại nhận được mẩu giấy có nội dung đe dọa được nhét qua khe cửa.
Nhiều cô gái sống một mình bị quấy rối. |
Ma (28 tuổi) sống một mình ở chung cư. Từng có khoảng thời gian cô luôn có cảm giác có ai đó đang theo dõi mình khi đi ngang qua sảnh và những hàng ghế dài ở khu vực công cộng của tòa nhà.
Một hôm, Ma nghe tiếng động lạ từ bên ngoài. Nhìn qua lỗ quan sát ở cửa, cô thấy một người đàn ông lạ mặt đang ngó nghiêng trước nhà. Ngày hôm sau, cô cấp tốc mua một chiếc chuông cửa có khả năng giám sát.
Theo The Paper, Lea và Ma là một trong hàng chục triệu người trẻ Trung Quốc lựa chọn sống một mình. Không ít người, đặc biệt là phụ nữ, lo lắng vì bị quấy rối, đe dọa bởi những kẻ biến thái.
Bị hàng xóm quấy rối
Mối quan hệ không mấy tốt đẹp với bạn bè từ thời đại học đã khiến Anna (nhân viên văn phòng ở Thượng Hải) quyết định sống một mình khi đi làm.
Để làm quen với hàng xóm mới, cô đã gửi tặng người thuê cùng tầng những chiếc bánh tự làm trong ngày đầu chuyển đến. Thế nhưng, ít ngày sau cô gái trẻ phát hiện mình bị theo dõi bởi một nhóm thanh niên ở nhà kế bên.
Họ gõ cửa liên tục để xin cô kết bạn WeChat, thậm chí bày trò trêu chọc lúc nửa đêm. Quá sợ hãi, Anna đã phải chuyển đi.
Theo số liệu của Bộ Nội vụ Trung Quốc, vào năm 2019 có tới 240 triệu người trưởng thành độc thân ở đất nước tỷ dân. Trong số đó, 77 triệu người chọn sống một mình. Ước tính đến hết năm 2021, số người độc thân sống một mình sẽ vượt quá 92 triệu.
Hàng chục triệu người trẻ ở Trung Quốc chọn sống một mình. |
Nhiều người sống một mình ở Thượng Hải cho biết họ không thể sống chung với người khác do bất đồng quan điểm, cãi vã, không tìm được người đáng tin cậy và tâm trạng bị ảnh hưởng.
Trong đó, một số người có nhà ở quá xa công ty nên thuê một chỗ ở gần hơn để tiện đi lại. Có những người tự mua nhà riêng và sống "cuộc đời độc thân sang chảnh".
Theo Báo cáo Khảo sát về Ý thức An toàn Công cộng ở các thành phố Trung Quốc (thực hiện năm 2020), nhìn chung phụ nữ lo lắng về an toàn công cộng hơn nam giới. Trong tương lai, số người sống một mình sẽ tăng lên, họ cần có kiến thức để tự bảo vệ bản thân.
Nhiều người sống một mình nhiều năm đã chia sẻ kinh nghiệm cá nhân để tránh bị quấy nhiễu, làm phiền bởi những kẻ quấy rối.
Phụ nữ sống một mình cần có những kỹ năng để tự bảo vệ bản thân khỏi bị quấy rối, đe dọa. |
Trước hết, khi thuê nhà, người thuê cần quan sát xem an ninh có được đảm bảo, tài sản cá nhân và của cộng đồng có được giữ an toàn không. Nên lấy số điện thoại của phòng bảo vệ và ban quản lý để phòng khi gặp rắc rối, cần người giúp đỡ.
Nếu chuyển đến nơi ở mới, hãy tìm những đơn vị sửa khóa có đăng ký với cơ quan công an để thay ổ khóa. Thay khóa là khoản tiền không được tiết kiệm. Người sống một mình có thể giao chìa khóa sơ cua cho bạn bè tin cậy ở gần.
Cần tắt chức năng định vị ảnh trong điện thoại, không đánh dấu vị trí gần nhà hoặc công ty trong các bài đăng trên mạng xã hội để tránh kẻ xấu lần theo dấu vết.
Nếu sống ở những căn chung cư có cửa sổ kính, nên che cửa sổ bằng vải hoặc rèm để tránh bị theo dõi.
Khi ra vào cửa nhà, thang máy cần để ý quan sát xem có người theo dõi mình từ phía sau hay không.
Đặt mua món hàng không quá cồng kềnh, nên để địa chỉ nhận ở cơ quan rồi mang về nhà. Nếu món hàng lớn, có thể gửi ở các tủ chuyển phát nhanh, sảnh bảo vệ, không nên ghi cụ thể số phòng khi đặt hàng.
Trong trường hợp gọi xe dịch vụ để về nhà vào đêm muộn, bạn nên gửi biển số xe cho một người bạn nào đó, thường xuyên thông báo tình trạng an toàn của mình.
Theo Zing
Giới trẻ Trung Quốc không muốn kết hôn
Các nhà chức trách Trung Quốc nhận ra rằng nhiều người trẻ nước này không muốn kết hôn và sinh con.