Dẫn chúng tôi thăm khu vận hành, xử lý tưới và chăm sóc cho mô hình trồng các loại rau, quả rộng 5 ha ở xã Minh Tân (Lương Tài), anh Nguyễn Đình Hải tâm sự: “Bây giờ tôi đứng ngoài khu nhà màng, nhà kính, mở phần mềm trên điện thoại di động thông minh (smartphone) xem độ ẩm, độ pH của đất, dinh dưỡng của rau thế nào, nếu ổn thì bấm vào chữ “máy bơm” để bật hệ thống tưới. Các thông số liên quan đến sinh trưởng của cây trồng liên tục được cập nhật, báo về smartphone, mình theo đó điều chỉnh chủng loại, liều lượng phân bón, nước tưới phù hợp. Còn thời gian, lưu lượng tưới bao nhiêu tùy mình cài đặt trên hệ thống. Hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel được điều khiển từ xa bằng bộ điều khiển hệ thống máy tính chủ. Hệ thống này tự động tưới chính xác cho mỗi cây, nên cây trồng phát triển đồng đều, tiết kiệm nước, phân bón, thời gian và nhân công chăm sóc”.
Với 5 ha được quy hoạch hoàn chỉnh thành các khu trồng rau củ quả sạch như: măng tây, cải xanh, đỗ, dưa lưới, cà rốt…; xây dựng gần 2 ha nhà màng, nhà kính chuyên sản xuất ứng dụng công nghệ cao và liên kết hơn 20 ha vùng nguyên liệu ngoài tỉnh, đã cho doanh thu bình quân đạt khoảng 18 tỷ đồng/năm. Với việc đầu tư hệ thống sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đến nay, mô hình trồng rau của gia đình anh Hải có 4 sản phẩm góp mặt trong Chương trình mỗi xã, thị trấn một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Bắc Ninh. Để thanh toán tiền hàng cho khách, anh Hải cũng được cán bộ ngân hàng tư vấn sử dụng phần mềm thanh toán qua điện thoại. “Tôi rất hài lòng với các dịch vụ thanh toán điện tử trên smartphone, thật sự tiện ích mà không mất nhiều thời gian. Giờ đây, các đối tác khi đặt hàng chỉ cần một cuộc gọi hay tin nhắn, thao tác trên SMS banking là chuyển tiền thành công và hàng được phục vụ tận nơi”, anh chia sẻ.
Là một trong những người tiên phong ứng dụng công nghệ vào sản xuất trồng các loại cây ăn quả, chị Vũ Thị Sử ở xã Bình Dương (Gia Bình) rất hài lòng với hệ thống tưới tự động tiết kiệm cho 7 ha chuyên trồng các loại cây ăn quả như: nho hạ đen, nho sữa giống Hàn Quốc…. Đây là hệ thống tưới tiêu vận hành thông minh qua điện thoại di động. Trước đây, với diện tích này, gia đình chị phải thuê cả chục lao động, nay một mình chị điều khiển từ xa. Hệ thống tưới này không chỉ giúp cung cấp nước mà toàn bộ phân bón sử dụng bằng chế phẩm sinh học (IMO) và các loại phân hữu cơ khác cũng được hòa qua hệ thống tưới tự động để bón cho cây… Toàn bộ khu vườn của chị đều gắn các thiết bị cảm biến, camera theo dõi quá trình sinh trưởng của từng loại cây trồng.
Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin thông minh vào sản xuất như: hệ thống nhà kính có hệ thống điều chỉnh tự động, thiết bị cảm biến, camera theo dõi quá trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi… Hoạt động thanh toán mua sắm hàng hóa, vật tư nông nghiệp đầu vào; hoạt động kết nối xuất khẩu nông sản thông qua các trang thương mại điện tử (ngân hàng hỗ trợ thanh toán), hoạt động thanh toán chi trả học phí, viện phí… trở nên phổ biến, được nhiều doanh nghiệp, HTX và người dân áp dụng. Ngân hàng điện tử chính là người bạn đồng hành hỗ trợ nông dân phát triển hiệu quả.
Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng được xây dựng, tiếp cận theo hướng đặt người dân, khách hàng ở vị trí trung tâm. Với những nỗ lực đó, chuyển đổi số ngành Ngân hàng gặt hái nhiều “trái ngọt”. Các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử có tốc độ số hóa, tăng trưởng nhanh. Nhiều nghiệp vụ ngân hàng được số hóa toàn diện 100%; ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số.công nghệ số, nông dân Bắc Ninh.
Với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và sự mạnh dạn, quyết đoán của những nông dân 4.0, việc thực hiện chuyển đổi số áp dụng trong ngành nông nghiệp ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp… mang lại những kết tích cực. Hàng loạt chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
Hoạt động thanh toán mua sắm hàng hóa, vật tư nông nghiệp đầu vào; hoạt động kết nối xuất khẩu nông sản thông qua các trang thương mại điện tử (ngân hàng hỗ trợ thanh toán), hoạt động thanh toán chi trả học phí, viện phí… bắt đầu trở nên phổ biến được nhiều doanh nghiệp, HTX và người dân áp dụng. Ngân hàng điện tử chính là người bạn đồng hành hỗ trợ nông dân phát triển hiệu quả.
(Theo Hà Linh/Báo Bắc Ninh)