Chỉ lấy công làm lãi
Những ngày này, thị trường gạo toàn cầu chao đảo bởi một số quốc gia như Ấn Độ, Nga và UAE cấm xuất khẩu khiến nguồn cung mặt hàng này thiếu hụt lớn.
Giá gạo trên thị trường thế giới biến động mạnh, lập đỉnh lịch sử, kéo giá gạo trong nước vọt tăng. Đây được xem là cơ hội để nước ta đẩy mạnh xuất khẩu, tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa.
Việt Nam luôn nằm trong top 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, thu về khoảng 3-3,5 tỷ USD mỗi năm. Vậy nhưng thu nhập của người trồng lúa vẫn rất thấp, đa phần lấy công làm lãi dù quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Đây là thực tế của những người trồng lúa như ông Lê Văn Xuân ở xã Vị Thủy (Vị Thủy, Hậu Giang).
Kết thúc vụ lúa hè thu năm nay, ông Xuân đem cuốn sổ ghi chi tiết các khoản đã chi khi trồng lúa trên diện tích 0,8ha của gia đình để tính toán. Trong đó, lúa giống hết 2 triệu đồng, cày xới 880 nghìn đồng, bơm tát 120 nghìn đồng, phân và thuốc bảo vệ thực vật 9,6 triệu đồng, gieo sạ 120 nghìn đồng, dặm lúa 600 nghìn đồng, nhổ cỏ 104 nghìn đồng, thu hoạch lúa 1,4 triệu đồng...
Lúa OM5451 gặt về bán giá 6.200 đồng/kg. Trừ các khoản chi phí, gia đình ông chỉ lãi 20 triệu đồng.
“Vụ này, năng suất lúa của gia đình tôi cao hơn những hộ khác, chi phí vật tư đầu vào cũng tiết kiệm nhiều nên mới được lợi nhuận như vậy”, ông Xuân nói. Theo ông, nếu thiên tai, sâu bệnh nhiều thì thu hoạch xong lãi chẳng được bao nhiêu.
Ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc HTX Tân Long ở Hậu Giang, thừa nhận, với những nông dân trồng lúa theo các truyền thống, bón phân, xịt thuốc bảo vệ thực vật theo thói quen thì thu nhập không cao, chỉ 35-40 triệu đồng/ha 2 vụ lúa.
HTX Tân Long có 106 hộ nông dân làm liên kết, trồng theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Các thành viên đều theo phương thức mua chung bán chung, dùng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật theo kỹ thuật... nên tiết giảm được khoảng 25% chi phí đầu vào, trong khi đầu ra ổn định. Song, cũng chỉ thu lời khoảng 90-100 triệu đồng/ha.
Mới đây, lãnh đạo tỉnh An Giang cho biết, một nông dân địa phương sở hữu trung bình 3.800m2 đất trồng lúa. Sản xuất 2 vụ lúa/công/năm, bà con sẽ lãi khoảng 3 triệu đồng. Làm 1ha lãi 30 triệu đồng. Bình quân mỗi hộ có 5 người, nếu chia đều chỉ được 6 triệu đồng/người/năm, tức 500.000 đồng/tháng.
Đó là thu nhập của nông dân có đất sản xuất, những người phải thuê mướn đất còn khổ hơn. Gặp mất mùa, thiên tai, dịch bệnh, không trúng giá thì coi như lỗ nặng, vị lãnh đạo này cho hay.
Chuyên gia lúa gạo - GS Võ Tòng Xuân nhận xét, mức lợi nhuận này thua xa so với nông dân trồng cây ăn trái và nuôi trồng thuỷ sản. Bởi, với cây lúa, tuỳ từng khu vực và phương thức canh tác sẽ cho thu nhập khác nhau. Chưa kể, năng suất lúa còn phụ thuộc rất lớn vào tình hình thiên tai, dịch bệnh.
Ngay cả những vùng nông dân canh tác tốt, có liên kết để tiết giảm chi phí đầu vào, nếu bán lúa ở thời điểm hiện tại 6.500-7.000 đồng/kg cũng chỉ lời khoảng 20-25 triệu đồng/ha/vụ.
“Ở ĐBSCL, nông dân nuôi tôm cá vùng nước mặn thu rất nhiều tiền, nhìn là mê. Còn nông dân vùng nước ngọt trồng lúa, thu nhập ít ỏi”, ông nói. Tại nhiều quốc gia, nông dân trồng lúa vốn nghèo hơn các ngành nghề khác, ở nước ta người trồng lúa còn nghèo hơn.
Thái Lan có giống lúa gạo ngon, thu nhập người trồng lúa gấp đôi ở nước ta. Tại Nhật Bản, nông dân vào HTX, trồng lúa theo kế hoạch của địa phương, sản phẩm làm ra đạt chất lượng, bán giá cao, thu nhập gấp 4 lần nông dân trồng lúa ở Việt Nam, ông Xuân dẫn chứng.
Đừng chỉ trồng lúa rồi bán thóc cho thương lái
Tại phiên họp 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/8, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - đoàn ĐBQH Hải Dương - nêu thực trạng: Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới, nhưng người làm ra cây lúa còn nghèo, thậm chí rất nghèo.
Về vấn đề này, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan thừa nhận, nông nghiệp là ngành thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế. Người trồng lúa lại có thu nhập thấp nhất trong nông nghiệp.
“Trong bối cảnh giá gạo tăng từng ngày, đây là thời cơ để nâng cao thu nhập cho nông dân”, Bộ trưởng nói.
Ông cũng chia sẻ tin nhắn mình nhận được của một nông dân miền Tây hồi đầu nhiệm kỳ: “Nếu giá lúa cao và thu nhập ổn định, chúng tôi sẵn sàng mang mùng mền ra canh lúa, đảm bảo an ninh lương thực. Giá lúa thấp, chúng tôi đành bỏ ruộng”.
Bộ trưởng nói đó là điều “ám ảnh tâm trí” ông: Làm sao cải thiện thu nhập của nông dân trồng lúa?
Không chỉ vấn đề giá, theo Bộ trưởng, điều cần làm là làm “bài toán trừ”, tức giảm bớt chi phí đầu vào như giống, phân, thuốc. Bởi bài toán kinh tế là cả hai đầu, một đầu giảm và một đầu tăng.
Hơn nữa, nếu chỉ nghĩ người nông dân trồng cái gì hưởng cái đó, thì đi chưa đúng tinh thần Nghị quyết 19. Đó là chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị.
“Không gian lúa” có thể tạo ra những ngành khác. Cùng với đó, cần cái nhìn đa chiều. Chính quyền địa phương có thể nghiên cứu, khuyến khích nông dân vào HTX, mua chung, bán chung, tạo ra nhiều dịch vụ chung. Thu nhập sẽ nằm ở từng phân khúc đó. Không chỉ là trồng lúa rồi bán thóc cho thương lái như bây giờ, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Hiện, 80% diện tích lúa ở ĐBSCL cung cấp 95% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động trồng lúa còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, dẫn đến chi phí gia tăng. Chất lượng hạt gạo cũng chưa thực sự xuất sắc, Bộ trưởng NN-PTNT nêu thực trạng.
Tuy nhiên, nông dân ĐBSCL thích ứng rất nhanh, trồng xen, nuôi xen giữa các vụ lúa. Có nông dân từng tâm sự với ông rằng “trồng lúa để nuôi tôm”. Không có lúa thì không có cá, tôm. Những động vật này ăn hạt lúa rơi, còn cây lúa sống nhờ phế phẩm từ tôm, cá. Đây là sự tích hợp kinh tế tuần hoàn. Như vậy, nông dân và doanh nghiệp mới có thể phát triển bền vững.