Hình ảnh rau trồng trong nhà lưới, nhà kính, người nông dân tưới cây bằng… tin nhắn bắt đầu xuất hiện ở nhiều vùng nông thôn, góp phần tạo ra nông sản Việt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường nước ngoài.

Làm vườn bằng… điện thoại

Thay vì “chân lấm tay bùn”, nông dân Việt ngày càng biết tận dụng công nghệ để làm thay sức người. Điều này thể hiện rõ ở những sáng tạo không giới hạn của người nông dân, họ có thể tưới cây, phun thuốc mà không cần ra vườn, thậm chí là khi không có mặt ở nhà.

Anh Nguyễn Phú Thạnh (xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) khiến không ít người ngạc nhiên khi sáng chế thành công hệ thống tươi cây, phun thuốc điều khiển bằng điện thoại đi động.

Sau một thời gian trồng quýt đường, anh nhận thấy sự vất vả bà con làm vườn trong khâu tưới tiêu, phun thuốc. Trong khi đó, đây là những công việc luôn cần “đúng và đủ”, lại tốn công sức, thời gian và tiền bạc.

Sau 4 tháng trời mất ăn mất ngủ sáng chế, anh Thạnh đã lắp đặt thành công hệ thống tưới nước, pha thuốc tự động điều khiển bằng remote. Tiếp tục cải tiến, anh Thạnh đã một SIM số vào bộ điều khiển, thiết lập lệnh tắt mở, thời gian hoạt động của mỗi van…

Cuối cùng, anh Thạnh chỉ cần vài thao tác trên điện thoại thông thường đã có thể vận hàng hoạt động tưới cây, phun thuốc cho vườn quýt một cách đúng liều lượng, thời gian.

{keywords}
Ảnh: Dân Trí

Anh Thạnh cũng hỗ trợ bà con địa phương và các tỉnh lân cận lắp đặt hệ thống này, giúp mọi người giảm công lao động, tiết kiệm chi phí điện năng, thời gian, không phải tiếp xúc trực tiếp với hóa chất.

Cũng như anh Thạnh, anh Nguyễn Thái Toản (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), anh Bùi Ngọc Minh Tâm (SN 1978, quê ở An Lạc, Bình Tâm, TP.HCM)… cũng là những gương nông dân cải tiến hệ thống tưới tiêu bằng điện thoại. Chi phí thấp, tiết kiệm nhiều trong khi vẫn đảm bảo năng suất và chất lượng cây trồng, nghiên cứu của những “kĩ sư nông dân” đã và đang thay đổi cách làm nông trên nhiều vùng nông thôn Việt Nam.

Rau trồng nhà kính, xuất khẩu đường hàng không

Nếu như trước đây, người nông dân chủ yếu “trồng trời trông đất” thì với những ứng dụng công nghệ mới, cách làm nông ở nhiều vùng nông thôn đã thay đổi cả về chất và lượng.

Tại ấp Tam Tân, xã Tân An Hội, hình ảnh trang trại rau canh tác theo hướng hữu cơ, được đầu tư cơ sở hàng tầng bài bản: nhà lưới, nhà kính, vườn ươm… không còn xa lạ. Toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch đều được sơ chế để đóng gói xuất khẩu sang châu Âu bằng đường hàng không.

Ở đây, có những chủ vườn lan còn chủ động “bắt tay” với nông dân, thành lập hợp tác xã để sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao với hệ thống tưới phun tự động, áp dụng công nghệ cao và cùng nhau mở rộng thị trường tiêu thụ.

Còn những người nông dân ở các thị xã vùng cao thuộc trung tâm của Đà Lạt, Lâm Đồng cũng đã biết “làm nông” trong phòng thí nghiệm nuôi cấy mô thực vật và tạo ra những giống thực vật chất lượng cao, chống chịu được với sâu bệnh, ấn nút điều khiển hệ thống tưới tiêu, bón phân và điều hòa không khí cho cây trồng.

{keywords}
Ảnh: Dân Việt

Lâm Đồng đang dần trở thành “mảnh đất” của nhừng nông dân công nghệ cao. Như nông dân ở thôn Lạc Thạnh, xã Lạc Lâm cũng đang hình thành thói quen làm việc sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, làm việc trong nhà lưới, nhà kính thoáng mát, sạch sẽ.

Tận dụng công nghệ làm thay sức người, diện mạo nhiều vùng nông thôn ở Việt Nam đã và đang thay đổi từng ngày. Người nông dân không chỉ tiết kiệm được sức lao động tay chân mà năng suất, chất lượng cây trồng cũng được tăng cao, đưa nông sản Việt từng bước hội nhập theo các tiêu chuẩn quốc tế.

D. An - Thùy Vân (tổng hợp)