Theo Trung Tâm Dự Báo Khí Tượng Thuỷ Văn Quốc Gia, phạm vi xâm nhập mặn tại sông Hàm Luông đã vào sâu 55-60km; sông Cổ Chiên là 50-60km. Để đề phòng các rủi ro do hạn, mặn gây ra, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam khuyến cáo với các địa phương cần chủ động các giải pháp ứng phó, chủ động tích nước cho sinh hoạt và cây trồng cạn, tích trữ nước trong các hệ thống kênh rạch trước các kỳ mặn lên cao.
Huyện Chợ Lách nằm sâu trong đất liền (giáp Vĩnh Long), cách xa biển nhất của tỉnh Bến Tre đang bị nước mặn xâm nhập. Từ sau Tết Nguyên đán, độ mặn cao trên nhiều tuyến sông và kênh rạch tại huyện, khiến người dân không thể tưới hoa kiểng.
Chợ Lách được xem là “vương quốc” hoa, cây cảnh của tỉnh Bến Tre với diện tích đất nông nghiệp gần 11.500 ha. Để ứng phó với mùa hạn mặn năm 2024, người nông dân nơi đây đã có nhiều biện pháp tích trữ nước phục vụ nhu cầu tưới tiêu.
Chị Phương Thị Thuý, xã Tân Thiền (huyện Chợ Lách) ngồi thay bầu đất cho những cây mai trong vườn. "Hôm nay xin được nước tưới từ xã bên nên tôi mới dám thay bầu đất cho cây", chị nói.
Hơn 20 ngày nay, gia đình chị Thuý và nhiều hộ dân phải bỏ tiền ra mua nước tưới tiêu. "Tính cả chi phí vận chuyển thì tốn 150.000 đồng 1 khối nước. Hiện nhà tôi đang có 4 khối nước, tưới 3 - 4 lần là hết", chị Thuý kể. Theo chị, có đồ chứa nước nên cũng đỡ nhưng nếu tình trạng hạn mặn kéo dài, nghiêm trọng hơn thì cũng không có nước ngọt mà trữ.
"Đợt mặn năm 2020 là đợt hạn, mặn bất ngờ nhất khiến gia đình tôi thiệt hại hàng chục triệu đồng. Lúc ấy nước mặn như muối hoàn toàn không sử dụng làm gì được", chị Thuý nhớ lại. Để chuẩn bị cho "kịch bản" xấu nhất, gia đình người phụ nữ đã tích trữ hơn 20 vại nước mưa, sử dụng trong sinh hoạt.
Tại xã Phú Sơn, anh Lê Đức Phong cùng những người làm vườn đang chuyển những thùng chứa nước lớn lên xe tải để đi lấy nước tưới tại Vĩnh Long. Với mỗi chuyến xe anh chở về 20 khối nước, sử dụng được trong 2 ngày. Với 1 công đất, vườn nhà anh Phong gieo trồng khoảng 15 nghìn gốc sầu riêng và hơn 50 loại cây hoa, kiểng khác. "Sầu riêng là loại cây phải sử dụng nước ngọt 100% để tưới tiêu. Hiện nguồn nước trên địa bàn đã bị nhiễm mặn nên phải đi xin được nước ở nơi khác, xa chút nhưng cứu được cả vườn cây", anh Long nói.
Ngoài ra, anh Long cũng trang bị thêm những túi nhựa chứa nước khổng lồ để tích trữ nước. Mỗi túi chứa được 15-25m3 nước. Giá thành khoảng trên 3 triệu đồng/túi.
Cách đó không xa, anh Hồng Phúc (xã Phú Sơn) đang cải tạo lại mương dẫn nước đã khô cạn. Các ao, mương vườn còn nước thì cũng bị nhiễm mặn không thể tưới được, Với hơn 270 gốc mai sẽ xuất bán vào dịp Tết năm nay khiến anh rất lo lắng.
Dù đã tích trữ nước, tuy nhiên khi lắng đọng, nguồn nước cũng bị mặn. Anh Phúc phải kiểm tra trước mỗi lần tưới tiêu, "độ mặn từ 0.3 trở xuống mới sử dụng cho cây mai được", anh nói.
Rất nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Chợ Lách cũng tự chế những bể chứa nước ngọt bằng nhựa, được cố định bằng những túi đất, cát ngay trong vườn của mình.
Anh Hoàng Nghĩa trồng hàng trăm cây hoa giấy và quýt kiểng. Khi nhánh của sông Vàm Mơn đầy nước, anh dùng máy bơm vào bể nhựa tự chế để trữ nước, dùng dần cho việc tưới cây. Tuy nhiên, việc trữ nước này chỉ là giải pháp tạm thời, nếu tốc độ xâm nhập mặn nhanh, thời tiết lại khô hạn như thế này, lượng nước ngọt tưới ngày càng khan hiếm thì vườn hoa kiểng khó chống chịu được.
Một em nhỏ chơi đùa tại ống dẫn nước đã bị nhiễm mặn, không thể sử dụng tưới tiêu, sinh hoạt.