Ông Trần Quang Cường, CEO Nextfarm cho biết, nông nghiệp thông minh nếu giải được bài toán dự báo sản lượng sẽ giúp cho người nông dân rất nhiều tránh chuyện phải giải cứu nông sản như hiện nay. |
Ông Trần Quang Cường cho biết, nông nghiệp thông minh đặt ra rất nhiều bài toán cần các doanh nghiệp công nghệ giải cho người nông dân. “Tôi cũng đã xem Chủ tịch VNPT Phạm Đức Long chia sẻ về các bài toán phải xây dựng bản đồ số nông nghiệp cho người dân, doanh nghiệp có thể biết được vị trí, chất đất, khi hậu, thời tiết phù hợp với giống cây trồng nào, nguồn sản lượng ra sao và câu chuyện phải dồn điền đổi thửa. Đây là bài toán lâu dài mà Chính phủ, các bộ ngành và các doanh nghiệp công nghệ chung tay giải quyết. Tuy nhiên, tôi cho rằng trước mắt chúng ta cần tập trung giải bài toán rất thiết thực là dự báo sản lượng để cho người nông dân”, ông Cường nói.
Ông Cường cho rằng, thực tế, việc dự báo sản lượng các sản phẩm nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay chưa được ứng dụng công nghệ để xử lý nên vẫn chủ yếu dự báo bằng kinh nghiệm. Tại một số nước có công nghiệp nông nghiệp như Australia, họ không những ứng dụng công nghệ dự báo sản lượng sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra mà còn để dự báo nhu cầu tiêu thụ của thị trường, đồng thời đáp ứng nhu cầu này tốt nhất. Một trang trại họ có thể biết được nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản của một siêu thị mà họ cung cấp ra sao để cung cấp cho siêu thị này, tránh trường hợp dư thừa hoặc thiếu nông sản.
CEO Nextfarm đưa ra ví dụ, nếu vải thiều ở Lục Ngạn hay Thanh Long ở Bình Thuận được ứng dụng công nghệ xử lý dự báo tốt thì chính quyền và người dân sẽ biết tương đối chính xác sản lượng năm đó khoảng bao nhiêu, từ đó mới có đủ thời gian lên kế hoạch để tiêu thụ sản phẩm.
CEO Nextfarm cho rằng nông nghiệp thông minh phải giải trước bài toán dự báo sản lượng nông sản để tránh trường hợp phải hô hào giải cứu |
Theo ông Cường, có thể thấy bài toán về ứng dụng công nghệ để dự báo sản lượng nông nghiệp cực kỳ thiết thực, nhưng chưa có bên nào làm. Vì thế thỉnh thoảng chúng ta lại thấy rộ lên việc giải cứu nông sản như dưa hấu, khoai lang, gừng, thanh long… Đó là hệ quả của việc không dự báo được sản lượng nông sản cho từng mùa vụ. "Nếu ứng dụng CNTT để dự báo chính xác sản lượng từng loại nông sản, chúng ta sẽ giải được vấn đề, từ đó không phải giải cứu nông sản như vậy nữa", ông Cường khẳng định.
Trả lời câu hỏi của ICTnews bên nào sẽ giải bài toán này cho nông dân, ông Cường cho rằng, đó là bài toán mà cả Chính phủ và các địa phương phải giải cho người nông dân. Tuy nhiên, những doanh nghiệp công nghệ có tiềm lực mạnh như VNPT, Viettel hay FPT đang có điều kiện nhất đưa ra các giải pháp công nghệ để dự báo sản lượng sản phẩm nông nghiệp cho người dân với từng loại nông sản khác nhau theo từng địa phương. Để đưa ra được giải pháp này cần sự đầu tư rất lớn phân tích dữ liệu lớn kết hợp với các chuyên gia nông nghiệp mới có thể dự báo được. Giải pháp này cũng phải hoàn thiện trong 3 – 4 năm thì mới có thể đưa ra dự báo chính xác được sản lượng nông sản nhưng năm tiếp theo.
CEO Nextfarm cũng khẳng định, nếu đưa công nghệ vào nông nghiệp theo một quy trình khoa học sẽ giúp người nông dân tăng năng suất hiệu quả trong sản xuất và cho tỷ lệ lợi nhuận rất tốt so với việc đầu tư vào các ngành nghề khác. “Chúng tôi đang thử nghiệm cùng KimLong Farm để đưa mô hình trang trại ứng dụng công nghệ trong trồng dưa lưới với tỷ lệ lợi nhuận rất cao và thu hồi vốn đầu tư nhà lưới chỉ sau 2 vụ dưa, cuối năm nay sẽ cho ra kết quả”, ông Trần Quang Cường chia sẻ.
Thái Khang
“Làm nông nghiệp thông minh không thể thiếu bản đồ số nông nghiệp”
Chủ tịch VNPT Phạm Đức Long cho biết, bản đồ số nông nghiệp là công cụ giúp cho bà con nông dân và doanh nghiệp biết được điều kiện thổ nhưỡng, khi hậu... để quy hoạch cho nông nghiệp.