NSND Bạch Tuyết, nghệ sĩ Thanh Hằng cùng các thí sinh chương trình Học viện Cải lương vừa đến thăm Chùa Nghệ sĩ (quận Gò Vấp, TP.HCM). 

Đây là nơi an nghỉ của nhiều nghệ sĩ danh tiếng, có nhiều đóng góp cho sân khấu, đặc biệt là cải lương - loại hình nghệ thuật gắn liền với vùng đất phương Nam. 

batch ddpst 7516.jpg
NSND Bạch Tuyết và Thanh Hằng thắp hương bàn thờ NSND Phùng Há. 

Tại đây, các nghệ sĩ dâng hương, đến thăm mộ phần của các nghệ sĩ. Khi dừng tại mộ phần của NSND Phùng Há, NSND Bạch Tuyết đã ôn lại niềm kỷ niệm với bà. NSND Phùng Há là người thầy có đóng góp quan trọng để đào tạo NSND Bạch Tuyết khi bà mới vào nghề.

NSND Bạch Tuyết đến thăm căn nhà NSND Phùng Há từng ở lúc sinh thời, hiện là nhà thờ nằm trong khuôn viên Chùa Nghệ sĩ. Bạch Tuyết cho biết bà thường xuyên đến đây thăm mộ phần, thắp hương.

“Tôi nhớ từng lời dạy của bà, từ khi vào nghề đến khi nổi tiếng. Những gì tôi làm theo lời bà, mọi thứ đều thành sự thật. Đây là phước báu lớn trong đời, hiếm ai có được. Mẹ mất khi tôi 8 tuổi. Vì thế, bà như chỗ dựa cho tôi. Tôi chỉ biết hứa rằng khi còn hơi thở sẽ làm cải lương thật tốt”, NSND Bạch Tuyết nói. 

batch ddpst 7078.jpg
NSND Bạch Tuyết viếng đàn chị Thanh Nga. 

NSƯT Thanh Nga được mệnh danh là "Nữ hoàng sân khấu". Sinh thời, bà là ngôi sao của sân khấu cải lương. Bà cũng là thần tượng, có sức ảnh hưởng lớn đến nhiều nghệ sĩ đi sau, trong đó có NSND Bạch Tuyết. 

NSND Bạch Tuyết khẳng định: “Sự cống hiến của chị Thanh Nga có lẽ không cần nói thêm nữa''.

Bà ngoại của nghệ sĩ Thanh Hằng - nghệ sĩ Tư Hélène cũng được chôn cất tại Chùa Nghệ sĩ. Nghệ sĩ Thanh Hằng đến thắp hương cho bà và ôn lại truyền thống gia đình.

NSND Phùng Há là bạn thân của nghệ sĩ Tư Hélène. Nghệ sĩ Thanh Hằng kể chị chưa có nhiều dịp được học NSND Phùng Há, nhưng có nhiều lần được ăn cơm cùng khi bà ngoại dẫn đến Chùa Nghệ sĩ.

“Năm 1991, tôi đạt giải Trần Hữu Trang. Khi đó, NSND Phùng Há đang nằm viện. Nhưng bà đã xin bệnh viện về trong đêm đó để trao giải cho tôi. Tôi vẫn nhớ mãi chuyện này. Nếu kiếp sau vẫn được làm nghệ sĩ, tôi nguyện noi gương bà để tiếp tục cống hiến cho khán giả”, nghệ sĩ Thanh Hằng nói.

Tại đây, NSND Bạch Tuyết cũng trình bày mong muốn đào tạo nghệ sĩ cải lương thế hệ mới với các bậc tiền bối. Bà luôn quan niệm nghệ thuật nói chung, cải lương nói riêng phải thay đổi để thích nghi, tồn tại. 

Theo NSND Bạch Tuyết, ngoài sự nỗ lực của nghệ sĩ kỳ cựu, thế hệ trẻ thì cũng cần sự chung tay của các nguồn lực xã hội để thực hiện mục tiêu này. 

batch ddz5085403850411 3df84f84236625aafd52a13cd0f4548c.jpg
Bà Trần Thị Kim Yến (bìa phải) chia sẻ trong buổi gặp mặt thí sinh tại Chùa Nghệ sĩ. 

Buổi thăm Chùa Nghệ sĩ có sự góp mặt của bà Kim Yến, đại diện đơn vị đồng hành cùng chương trình Học viện Cải lương

“Đầu tư hỗ trợ cho văn hoá, nghệ thuật truyền thống là điều cần thiết. Bởi đây là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của con người, quốc gia. Chúng tôi kỳ vọng thế hệ nghệ sĩ cải lương mới với kỹ năng nghề tốt, am hiểu văn hoá sẽ tiếp tục làm đẹp thêm cho văn hoá”, bà Yến chia sẻ. 

Nhiều thí sinh trong top 50 của cuộc thi cho biết nhờ sự trải nghiệm này, họ hiểu thêm về nghệ thuật, sân khấu, sự hy sinh của các bậc tiền nhân. Từ đó, mỗi người nỗ lực nhiều hơn nhằm hoàn thiện bản thân và làm nghề thật tốt.