Tôi làm phim không áp lực doanh thu
- Từ Hà Nội vào TP.HCM dự bế mạc chuỗi chương trình tri ân mình, cảm xúc ông thế nào?
Thú thật trước nay không ai tổ chức cho tôi những chương trình thế này. Khi các đạo diễn trẻ như Lê Bình Giang, Lan Nguyên ngỏ lời làm "Tháng phim Đặng Nhật Minh: Bây giờ đã đến tháng Mười", tôi vui vẻ nhận lời.
Tôi nghĩ khán giả TP.HCM trước nay chỉ thích thể loại hành động và giải trí, còn phim mình xem như lạc hậu vì từ thời bao cấp. Nhưng khi vào tới đây tôi cảm nhận mọi thứ rất khác. Mọi người đến rất đông, đặc biệt là các bạn trẻ. Có một số bạn là Gen Z bày tỏ rất thích tác phẩm Hà Nội mùa đông 1946. Một số khác lại mong được đi theo con đường làm phim.
Tôi mừng vì các bạn trẻ rất thông minh và hiểu biết, càng mừng cho điện ảnh Việt Nam có một lớp kế cận với tình yêu nghệ thuật rất vô tư và trong sáng.
- “Hoa nhài” là tác phẩm cuối cùng của NSND Đặng Nhật Minh, ông muốn gửi gắm điều gì qua dự án này?
Phim Hoa nhài do tôi và con gái cùng một hãng phim ở Huế bỏ tiền làm, cùng sự cộng tác vô tư của nhiều người. Tác phẩm làm kéo dài 2 năm vì Covid-19 và thiếu kinh phí. Tôi giữ vai trò biên kịch và đạo diễn, kể câu chuyện chân thật xung quanh khu phố nơi đang sống và mang thông điệp về tình yêu con người, giá trị nhân văn, cốt lõi bền bỉ của Hà Nội.
Tôi không làm gì cao siêu, tất cả chỉ xoay quanh con người nơi khu phố tôi đang sống. Sự tử tế lan tỏa và cho thấy những người Hà thành thanh lịch, nhân ái, sẵn sàng cưu mang nhiều mảnh đời khó khăn, trắc trở. Dẫu thời cuộc đổi thay, tôi tin tình người ở Hà Nội đâu đó vẫn còn nguyên vẹn.
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Tất cả thông điệp đều xuất phát từ điều bình dị, không đao to búa lớn gì cả. Tôi mong tác phẩm sẽ đến được nơi cần đến và người cần xem.
- Ông muốn nhắn nhủ điều gì với thế hệ trẻ theo đuổi lĩnh vực phim ảnh?
Nhiều người bảo tôi đại diện điện ảnh và tâm hồn Việt thế kỷ 20. Song tôi không đại diện cho ai cả, chỉ làm phim cho mình thôi. Việc nhận định hay nêu ý kiến về điện ảnh cũng không phải là nhiệm vụ của tôi. Năm nay tôi 85 tuổi nên không có trách nhiệm gì lúc này.
Các em cháu ai thích làm gì thì làm, cứ mặc sức sáng tạo. Tôi chỉ mong các bạn phải tự đặt câu hỏi: Làm phim để làm gì? Khi đã trả lời được câu hỏi đó cứ quyết tâm một con đường mà đi, không lung lạc, không hoang mang, đi đến tận cùng.
Tôi làm phim vì muốn trao đổi với khán giả suy nghĩ bản thân, về cuộc sống, con người. Tôi không khai thác nội dung cầu kỳ, giật gân, mọi thứ tối giản và để người xem tự cảm nhận. Văn là người, tôi cũng có thể nói phim là người. Làm nghệ thuật là vì con người, luôn phải tôn vinh cái đẹp tâm hồn qua tác phẩm.
- Khi phim thương mại thắng thế trên thị trường, nhiều người cho rằng doanh thu trăm tỷ mới là thước đo thành công một tác phẩm hiện nay. Ông trông đợi ra sao vào sản xuất và phát hành lúc này?
Tôi làm phim không áp lực doanh thu. Không có gì hạnh phúc khi được làm một dự án mình thực sự muốn làm. Điều này khó chứ không phải dễ.
Khi làm đạo diễn, tôi chỉ nghĩ về tình cảm của tôi với con người, cuộc đời. Cuối đời rồi, tôi chẳng còn ham gì nữa. Doanh thu không quan trọng, làm điều bản thân muốn mới là sướng nhất!
Tôi nghĩ phim ảnh cũng mang một sứ mệnh, là sự giao thoa giữa người đạo diễn và khán giả về góc nhìn cuộc sống.
Tuổi 85 đã xong bổn phận, cuối đời không nuối tiếc
- Có điều gì dang dở ông còn muốn thực hiện với phim ảnh?
Tôi mong muốn phim Hoa nhài được phát hành ra rạp cho mọi người được xem rộng rãi. Đã hơn 1 năm nay rồi không có nhà phát hành nào nhận làm việc đó vì sợ không ai xem. Điều họ lo ngại cũng đúng khi đặt vào bối cảnh các dự án thương mại thắng thế như lúc này.
Tôi cũng muốn Nhà nước tài trợ tiền để làm phim trên kịch bản về cuộc đời cha tôi – bác sĩ Đặng Văn Ngữ. Phim này phải phục dựng nhiều bối cảnh xưa cũ từ Huế cho đến Hà Nội thời Pháp thuộc rồi ATK Việt Bắc. Không có sự hỗ trợ của các đơn vị tôi không thể nào làm được.
- Tuổi xế chiều, ông tận hưởng cuộc sống ra sao?
Mỗi sáng tôi thưởng trà, cà phê ở quán quen gần nhà. Khi rảnh, tôi dành thời gian đọc sách, lướt Internet, Facebook, xem phim… để tuổi già đỡ buồn chán.
Tôi cũng thường xuyên được mời đến các sự kiện giao lưu. Tuổi này được các bạn trẻ quan tâm, đọc được các bài viết về mình, tôi thấy được an ủi. Tôi ưa sự tĩnh lặng nên hay tìm một góc chiêm nghiệm, lắng lòng sau những buồn vui. Tôi nghĩ bản thân đã xong phận sự với điện ảnh và cuộc đời.
- Vợ và các con chia sẻ cuộc sống ông thế nào?
Vợ chồng tôi ở một căn hộ chung cư trung tâm Hà Nội. Các con thỉnh thoảng đến thăm, đưa bố mẹ đi dạo. Chúng đều trưởng thành và có gia đình riêng ổn định nên tôi không bận tâm gì cả.
Nhà tôi thuê người giúp việc theo giờ, nhờ họ dọn dẹp, nấu ăn mỗi ngày. Còn lại chủ yếu vẫn hai ông bà già tự chăm sóc nhau, không làm phiền ai. Tuổi già là thế, không có gì phải hối tiếc.
- Ông ăn uống, rèn luyện thế nào để giữ sức khỏe ở tuổi 85?
May mắn đầu óc tôi vẫn minh mẫn. Sức khỏe tất nhiên không tốt nhưng thôi cứ giữ như thế này cũng được. Tôi già rồi, muốn mạnh hơn, đi nhanh hơn cũng không được, cũng chẳng để làm gì.
Tôi chú trọng ăn uống, nghỉ ngơi khoa học. Một số thứ có hại cho bản thân thì tránh xa, chứ không có chế độ gì đặc biệt. Tôi có con gái làm bác sĩ ở nước ngoài. Hằng ngày cháu vẫn gọi điện về thăm hỏi, căn dặn dùng thuốc, chế độ sinh hoạt rất kỹ lưỡng.
Giờ chỉ trông mong còn sức khỏe để sống nốt những ngày tháng còn lại. Nhiều người động viên nên tiếp tục làm phim song tôi không thể chủ quan, mọi thứ để tùy duyên.
Trailer phim 'Hoa nhài' của đạo diễn Đặng Nhật Minh