NSND Hoàng Cúc chia sẻ về con đường văn chương lặng lẽ, là chỉ muốn sáng tác để nói lên tiếng lòng, cảm xúc của bản thân về cuộc sống, sự việc xung quanh. Nghệ sĩ yêu thơ từ bé. Có thời điểm, thơ như cứu cánh, nâng đỡ Hoàng Cúc biến nỗi đau bệnh tật thành động lực và hy vọng. 

NSND Hoàng Cúc từng đăng rất nhiều bài thơ trên trang cá nhân, cảm tác từ sự việc xảy ra trong xã hội. Bà quyết định ra mắt tập thơ đầu tiên là trường ca khiến nhiều người bất ngờ. 

hoangcuc3.jpg
NSND Hoàng Cúc tại buổi ra mắt tập thơ "Cúc". Ảnh: FBNV

Bà không biết bắt đầu viết từ bao giờ, chỉ nhớ rằng, năm 13-14 tuổi đã tiếp cận với những tác phẩm của văn chương thế giới như nhà văn vĩ đại Lev Tolstoy, Fyodor Dostoevsky… Các tác phẩm đã định hình và hòa trộn vào tư duy lẫn nghề diễn của bà. Những năm tháng đó, bà thường viết tản văn để giải tỏa cảm xúc cuộn trào của bản thân.  

Tuy nhiên, đam mê lớn nhất của bà là thơ ca. Bà đặc biệt yêu thích giọng thơ của tác giả Heinrich Heine, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư... 

hoangcuc2.jpg
Trường ca "Cúc".

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nói trước đây chỉ biết đến NSND Hoàng Cúc thông qua bóng dáng nhân vật bà thể hiện trên sân khấu và điện ảnh. Sau khi đọc trường ca, ông thêm phần cảm phục và gọi bà là một thi sĩ.

Với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, trường ca Cúc là bản tuyên ngôn, hồ sơ trọn vẹn nhất, trung thực nhất về NSND Hoàng Cúc.

“Có quá nhiều câu thơ đẹp và kỳ lạ được viết trong sự đập cánh lộng lẫy của tâm hồn và mang theo giấc mơ lớn để bay lên. Trong Cúc, tôi nhìn thấy vẻ đẹp mới của đời sống và thi ca", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định.

Trên trang cá nhân, PGS TS Phùng Gia Thế - giảng viên, nhà nghiên cứu và phê bình văn học nhận định, Cúc mang nội lực xúc cảm mạnh mẽ, tâm hồn nghệ sĩ tinh tế, lãng mạn, lắng sâu, đâu đó phảng phất hư vô. Song trên hết là sự vượt thoát hoàn toàn khỏi những tục lụy xác thân để được "rong chơi giữa cõi vô thường". 

"Cúc là trường ca của cảm xúc. Tính tự sự dường như chỉ là cái cớ để chủ thể trữ tình cất cánh, xuyên không những xúc cảm của mình”, ông Thế bày tỏ.

Ông có cảm giác trường ca của Hoàng Cúc mang bóng dáng "thiền ca", bóng dáng thơ của một người tu hay kẻ hành thiền. Trước buồn vui dâu bể của cuộc đời, chủ thể dường như đã tu tập tới hạn để vượt qua, buông bỏ và giải thoát.

PGS TS Phùng Gia Thế nhận thấy khả năng ngôn ngữ tuyệt vời của NSND Hoàng Cúc bởi: “Có cảm giác, Hoàng Cúc viết trong trạng thái vô thức, mơ hồ, câu chữ biến ảo, tuôn chảy tự nhiên, không gượng ép”.

NSND Hoàng Cúc được công chúng biết đến qua nhiều vai diễn điện ảnh: Tám Bính trong Bỉ vỏ, Thủy trong Tướng về hưu và giành nhiều giải thưởng uy tín. Ở lĩnh vực sân khấu, bà còn giữ cương vị Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội từ năm 2001 cho đến khi nghỉ hưu. 

Toàn bộ doanh thu từ việc bán sách sẽ được NSND Hoàng Cúc làm từ thiện, hỗ trợ trẻ em nghèo vùng cao.