Tháng 1, mưa phùn ướt áo, gió xuân hiu hiu thổi và không khí Tết rộn ràng, vắt mình qua phố đông, râm ran con ngõ nhỏ. NSND Lê Khanh mơ màng ngắm tiết xuân, say sưa kể với chúng tôi những kỷ niệm đong đầy về Tết, về năm tuổi của chị và cả những tháng ngày "bước trên gai hoa hồng" trong quãng đời làm nghệ thuật.
"Đối với tôi, năm nào cũng rất tuyệt vời"
Chào NSND Lê Khanh! Chúng ta đang sống trong những ngày xuân căng tràn nhựa sống, và không khí Tết bung tỏa khắp muôn nơi. Cảm xúc của chị như thế nào?
- Mùa xuân là mùa của năm mới. Bao nhiêu ước mơ, kỳ vọng lại bắt đầu. Xuân đi, rồi xuân lại đến, nhưng cảm giác háo hức vẫn mãi vẹn nguyên trong tâm trí mỗi người. Mình gói ghém những thành quả, sự cố gắng của năm cũ, để bước sang một mùa xuân mới với nhiều hi vọng và năng lượng hơn.
Cho đến hiện tại, đâu là kỷ niệm chị nhớ nhất về Tết xưa?
- Tết của thuở hàn vi là những ngày nhà vắng bóng người. Từ ông bà đến bố mẹ tôi đều đi diễn nghệ thuật, phục vụ bà con chơi Tết. Mọi người đi suốt từ vùng hòa bình đến vùng chiến, từ Thủ đô cho đến các vùng lân cận, cả vùng núi, hải đảo cũng đi. Suốt nhiều năm trời, nhà tôi đón Tết trong tình trạng thiếu thốn về con người. Ngày ấy, tôi chỉ mong một cái Tết đoàn viên, được ngồi cùng ông bà, bố mẹ.
Khi lớn lên, thế hệ chúng tôi tiếp nối sự nghiệp nghệ thuật từ ông bà, bố mẹ. Vòng tuần hoàn lặp lại, chúng tôi cũng đi biểu diễn khắp mọi miền. Ước mơ Tết sum vầy, no đủ vẫn đau đáu trong tôi. Đến khi chị và em gái lấy chồng xa xứ, tôi hiểu, Tết đoàn viên mãi là một giấc mộng xa vời...
Tết năm nay đặc biệt hơn một chút. Cả gia đình được đón cô út từ Pháp trở về sau 2 năm dịch bệnh Covid-19, nên tôi đang mong lắm. Nói chung, năm nào cũng vậy, chúng tôi đều chúc nhau cố gắng sống thật chậm, để tận hưởng trọn vẹn những giây phút sum vầy, để được nhìn sâu vào mắt nhau chứ không phải nhìn qua livestream hay camera điện thoại. Nếu được vậy thì tôi vui lắm.
Chị từng nhiều lần chạy show phục vụ kiều bào dịp năm mới. Với một người giàu cảm xúc và trân quý từng giọt xuân như chị, Tết xa nhà hẳn là đáng nhớ?
- Tôi nhớ khoảnh khắc chuông đồng hồ kêu "boong", đến múi giờ của Việt Nam. Cảm giác thiêng liêng lắm. Đôi khi mình cũng tủi thân, nhưng nhìn kiều bào ta ở dưới đang hân hoan trong lời ca tiếng hát, vở kịch vui đón xuân, tôi lại thấy hạnh phúc. Cảm giác như khán giả là gia đình của mình.
Tôi quan niệm, nếu chúng ta còn sự sống, còn năng lượng, còn có nhau, thì mỗi cái Tết trôi qua, dù ở đâu vẫn luôn đủ đầy.
2023 có lẽ là một năm đặc biệt với NSND Lê Khanh vì năm tuổi của chị. Khi nói đến năm tuổi, người ta thường e sợ, thường nghĩ tới vận, hạn. Còn chị thì sao?
- Đối với tôi, năm nào cũng rất tuyệt vời. Chẳng có năm nào xấu, năm nào cũng đẹp. Tôi hiếm khi nghĩ về vận, hạn trong đời. Tôi chỉ nghĩ, năm nay mình được thêm 1 tuổi, sự sống của mình được thêm một năm, mình lại được ước mơ, được kỳ vọng. Nhiều cái "được" như thế phải hân hoan chứ!
Cuộc đời là một biến số. Từ đại họa, dịch bệnh, thiên tai cho đến chiến tranh… con người đều đã chứng kiến cả, nhưng đều vượt qua được đó thôi. Như 3 năm qua, đại dịch Covid-19 cũng là một dấu ấn mang tính lịch sử nhưng đã được giải quyết tương đối triệt để. Nếu những chuyện lớn đến vậy còn vượt qua được, thì tính năm xui, tháng hạn làm gì? Tôi thấy vô nghĩa lắm.
Thay vì bi quan, tại sao không biết ơn vì mình được hưởng một mùa xuân mới, vì vẫn còn sức khỏe và có nhau trong đời. Nếu nghĩ vậy, mọi sự đều tuyệt vời.
"...Háo hức cống hiến ở một cõi khác"
Nhân nói chuyện thời gian, khoảng 2 năm nay, khán giả thấy NSND Lê Khanh không còn đắm đuối với sân khấu hay phim ảnh miền Bắc nữa. Chị trở thành gương mặt nghệ sĩ quen thuộc của làng giải trí phương Nam. Tại sao chị gắn bó với thị trường này lâu như vậy, trong khi, vốn dĩ sân khấu và Hà Nội mới là nơi làm nên tên tuổi của Lê Khanh?
- Các bạn đang tự trói mình vào vùng địa lý, biên giới, vào những khái niệm mang tính phân chia. Đó không phải hệ quy chiếu trong nghệ thuật. Với nghệ sĩ chúng tôi, việc làm mới mình là điều bắt buộc. Và sự chuyển dịch về địa lý cũng là một cách để làm mới.
Thay vì du học nước ngoài, tôi du học trong nước bằng cách chuyển dịch. Tôi học từ đồng nghiệp, từ các ê-kíp làm nghệ thuật. Tôi lĩnh hội những phong cách, ngôn ngữ và nguồn năng lượng khác nhau. Từ đó, tôi tự làm mới mình.
Trước đây, tôi cứ sợ mình cũ kỹ, sợ hình ảnh của mình trở nên quá quen thuộc với khán giả. Và tôi chọn cách "biến mất", di cư vào đất phương Nam. Có những thời điểm, tôi làm phim đặc vùng miền Tây trong suốt 3, 4 năm, rồi lại trụ ở Sài Gòn 5 năm liền cho những dự án khác. Khi cảm thấy mình đã "đủ mới", tôi lại trở về. Cứ như thế!
Gần đây, tôi tiếp tục ưu tiên cho các dự án ở miền Nam, trở lại với điện ảnh vì tình hình đang thuận lợi. Và khi đã nhận việc ở miền Nam, đương nhiên tôi phải tôn trọng lịch trình từ ê-kíp sản xuất. Tôi cũng rất tiếc vì không có thời gian tham gia phim truyền hình, nhưng khi đã nhận dự án nào, tôi muốn làm thật chỉn chu.
Trong năm 2023, tôi tham gia một bộ phim truyền hình của VFC sản xuất có tên "Bà ngoại lắm chiêu".
Năm 2023 NSND Lê Khanh tái xuất màn ảnh phía Bắc với vai chính trong phim truyền hình "Bà ngoại lắm chiêu".
Cứ mãi nhiệt huyết như một "cánh chim không mỏi". Có lẽ cuộc sống của chị vẫn bận rộn ngay cả khi chị đã về hưu?
- Công chúng có khái niệm thời gian, chứ nghệ sĩ chúng tôi hồn nhiên lắm. Càng lớn tuổi, tôi càng muốn cống hiến nhiều hơn. Kể cả những nghệ sĩ mắc bệnh hiểm nghèo, giây phút lâm chung vẫn thấy tiếc vì còn nhiều lời hứa dở dang với nghệ thuật. Không bao giờ họ nghĩ đến giây phút cuối cùng đâu.
Với tôi lại càng không, tôi không bao giờ nghĩ mình đã nghỉ hưu hay dừng lại với nghệ thuật. Kể cả khi không còn hiện hữu trên cõi đời này, tôi vẫn háo hức cống hiến ở một cõi khác. Nghe có vẻ bất thường nhưng thực ra rất bình thường. Bởi tôi luôn đón nhận mọi thứ một cách mới mẻ, và tin rằng, tình yêu với nghệ thuật không bao giờ có cái kết.
Có hoài bão nào NSND Lê Khanh chưa thực hiện được hay khát khao nào chị luôn muốn vươn tới?
- Có chứ! Đấy là những vai diễn mới. Nghệ sĩ mà, cả đời mình chỉ đóng phim, diễn kịch thôi, hết vai này lại đợi vai khác. Khi mình còn duyên với nghề, còn sức khỏe, mình vẫn còn say mê cống hiến.
"Nhiều người nói tôi tích cực và năng lượng. Tôi tin điều đó"
Quyết liệt, máu lửa với nghệ thuật, thật khó hình dung cuộc sống của NSND Lê Khanh sau tấm màn nhung sẽ thế nào?
- Hoa tự tay trồng, quả ra trái cũng tự mình chăm. Nói chung, tôi cũng giống như những người phụ nữ khác. Tôi nghiện gia đình, nghiện cả sân khấu và điện ảnh, hay nói đúng hơn, tôi nghiện sự sống.
Vì ham sống nên tôi tích cực, ham sống nên tôi tin rằng, mọi biến cố đều có thể vượt qua, chỉ cần mình nghĩ về nó đủ nhiều. Nhưng đó không phải sự tích cực theo kiểu lừa phỉnh bản thân. Tôi biết mình không khỏe, và cũng không quá tài năng, tôi khuyết trống nhiều thứ. Nhưng khi đã ý thức rõ ràng như vậy, tôi có động lực để lấp đầy những điểm rỗng khuyết ấy một cách hoan hỉ, năng lượng.
Nếu có một thứ khác biệt nhất về Lê Khanh sân khấu và Lê Khanh đời thường, chỉ có thể là tinh thần. Dù đi đâu, với cương vị nào, tôi luôn ý thức được nguồn năng lượng của mình và tự tin về điều đó. Trước khi người ta thấy được năng lực của tôi, thì người ta cảm nhận tôi là người tích cực.
NSND Lê Khanh: "Tôi nghiện gia đình, nghiện cả sân khấu và điện ảnh. Hay nói đúng hơn, tôi nghiện sự sống".
Tôi được nhiều người khen như vậy và cảm thấy vui lắm. Nhiều khi nói về chuyên môn, họ xã giao, khích lệ nên tôi không nhẹ dạ mà tin. Nhưng khi mọi người nói thích ở cạnh tôi vì tôi tích cực, nhiều năng lượng thì tôi tin như vậy.
Có một chuyện vui về cái phích nước của tôi. Đi đâu tôi cũng mang theo vì không uống được nước lạnh. Nhưng nhiều người thấy lạ lắm, họ tưởng trong đấy đựng cái gì thần kỳ và bí hiểm. Vì chỉ có thế mới lý giải được vì sao tôi không bao giờ tỏ ra mệt mỏi hay cáu giận với ai. Tò mò như vậy nên họ uống thử, sau đó lại thể hiện sự thất vọng với tôi vì đó chỉ là nước lọc bình thường. Chuyện vui thôi nhưng củng cố thêm niềm tin của tôi vào nguồn năng lượng của chính mình.
Chị từng chia sẻ, ông xã là người lãng mạn. Anh có thói quen tặng hoa bất ngờ, hay sẵn sàng tặng vợ cả một trời sương sớm mùa thu, những buổi rong ruổi phố quán ven hồ. Nhưng có lẽ, bây giờ… những điều đó đã vơi đi khi chị Nam tiến?
- Ít hơn chứ, sao bằng ngày xưa được. Với người nghệ sĩ, đam mê nghề chừng nào, thì thời khắc dành cho gia đình khuyết đi chừng ấy. Vấn đề là trong thời gian vắng nhà, đừng làm điều gì hổ thẹn với bản thân, với gia đình.
Đôi khi, tôi cũng thấy quý sự dịch chuyển. Cái thiếu, vắng bóng của một nhân vật quen thuộc cũng giá trị lắm. Khoảnh khắc ấy, con người mới biết giá trị khi mình được sum vầy, được sống đủ đầy. Khi tôi vắng nhà cũng vậy, các thành viên trong gia đình sẽ thấy rõ hơn về vai trò của người mẹ, người vợ. Nhớ lắm chứ! Nhưng rất nhanh thôi, nỗi nhớ được lấp đầy khi tôi nói, buổi diễn này, tôi đã đem lại bao nhiêu nụ cười và sự ấm áp cho những người xa xứ.
Nếu tôi noi gương mẹ, làm nghề đến năm 80 tuổi, có nghĩa là tương lai sẽ còn nhiều lần dịch chuyển. Và những khoảng trống sẽ tiếp tục hiện diện. Nhưng quan trọng là dù ở đâu, với cương vị nào, mình đừng làm những điều lỗi đạo, vô nghĩa với người thân.
Phía sau thành công của chị, hẳn có bóng dáng của người chồng đồng cam cộng khổ?
- Tính chất nghề nghiệp của tôi là như vậy, nếu không xa nhà thì cũng rất bận. Người chồng khi đó thường xuyên phải đóng vai trò của một người mẹ, rồi lại chứng kiến vợ mình "cặp kè" hết người nọ đến người kia trên phim. Chồng tôi làm được những điều đó, nên tôi thấy biết ơn.
Nếu không có anh hỗ trợ sự nghiệp, chắc hẳn quãng đời làm nghề của tôi sẽ đứt đoạn. Không bao giờ tôi quên nhắc đến anh và biết ơn anh sau những thành tựu của mình.
(Theo Dân trí)