Diễn viên là lực lượng chính làm nên linh hồn của vở diễn sân khấu. Vai diễn hay chính là nỗ lực sáng tạo được người diễn viên tô điểm cho nhân vật. Với NSND Minh Vương nhờ đâu ông có sự bứt phá?
"Những vai diễn sau năm 1975 tôi đã được các đạo diễn như: Ngô Y Linh, Huỳnh Nga, Đoàn Bá, Ca Lê Hồng, Trần Minh Ngọc… trao truyền nhiều bài học kinh nghiệm quý giúp tôi có sự bứt phá trong diễn xuất; biết thế nào là ca và diễn nội tâm. Từ những kiến thức này tôi đã ứng dụng nhập vai trong các vở: Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Rạng ngọc Côn Sơn, Kiếp chồng chung, Dòng sông đầm lầy, Pha lê và cát bụi, Cuộc chiến thầm lặng… Từ những vai diễn này tôi đã ngày càng thăng hạng trong diễn xuất đi vào từng ngóc ngách tâm lý nhân vật" - NSND Minh Vương nói.
Nhắc đến bạn diễn ăn ý đã song hành cùng ông trên 50 năm, đó là NSND Lệ Thủy, ông nói: "Tôi và Lệ Thủy có nhiều điểm chung trong sự phấn đấu, nếu 1964 tôi đoạt "Khôi Nguyên vọng cổ", thì Lệ Thủy đoạt HCV triển vọng giải Thanh Tâm; sau này cả hai đã nhiều năm liền đoạt giải Mai Vàng của báo Người Lao Động".
NSND Minh Vương cho rằng những nhân vật trên sân khấu, là linh hồn của vở diễn, là người thay mặt các tác giả và đạo diễn truyền đạt cho khán giả hiểu rõ được thông điệp và ý đồ của những người dàn dựng... Vậy nên kịch bản có hay đến đâu, đạo diễn có giỏi đến mấy, trang trí có đẹp, âm nhạc có bay bổng, mà nghệ sĩ diễn xuất không đạt, không khiến khán giả say đắm là coi như thất bại.
Nhiều năm liền ngồi ghế giám khảo các cuộc thi: Chuông vàng vọng cổ, Bông lúa vàng, HCV Trần Hữu Trang… NSND Minh Vương cho biết ông đánh giá cao nhiều gương mặt trẻ, các lớp diễn viên trẻ này đã có nhiều nỗ lực cho vai diễn, không ít diễn viên trẻ hiện nay đã thuyết phục được người xem.
NSND Minh Vương bộc bạch: "Sân khấu muốn phát triển không thể thiếu vai trò của nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ tài năng. Để có được đội ngũ nghệ sĩ hùng hậu, tài năng, hấp dẫn khán giả, sân khấu rất cần những chính sách hợp lý trong việc phát hiện, thu hút, khuyến khích, động viên các nghệ sĩ trẻ đến với nghề".
(Theo NLĐ)