Vở kịch 'Vua Lia' từng được NSND Nguyễn Đình Nghi dàn dựng cho Nhà hát Kịch Việt Nam những năm 1980.
Dàn diễn viên như NSND Lệ Ngọc - công chúa Goneril, NSND Thu Quế - công chúa Regan, Quang Tú - Bá tước Kent, Lâm Cương - Edmund, Huy Bách - Công tước Albany, NSND Tuấn Hải... dưới bàn tay "nhào nặn" của đạo diễn NSND Lê Hùng đã mang tới phiên bản Vua Lia tươi mới, giàu sức sáng tạo.
Vua Lia tuổi già sức yếu muốn từ bỏ việc triều đình, chia vương quốc cho 3 con gái làm của hồi môn. Để phân chia, nhà vua hỏi các con ai yêu mình nhất. Hai người chị, Goneril và Regan lần lượt bày tỏ tình cảm bằng những lời lẽ hoa mỹ, khoa trương và được nhận phần hồi môn xứng đáng.
Đến lượt cô em út Cordelia, nàng chỉ nói với vua cha: "Trái tim con, con không sao nâng nó lên đầu lưỡi được. Con yêu cha đúng theo đạo nghĩa kẻ làm con". Vua Lia không hài lòng, cho phép Cordelia nói lại nhưng nàng không thể nói gì hơn. Vua Lia nổi giận, truất phần của hồi môn của Cordelia, đem chia cho Goneril và Regan, đuổi con út đi.
Vua lại ban cho 2 chàng rể, Công tước Cornwall và Công tước Albany mọi quyền binh, chỉ giữ danh hiệu cùng 100 tùy tùng và luân phiên đến ở với 2 con gái. Sau khi nắm quyền hành, hai người con gái thay đổi thái độ, từ lạnh nhạt đến hách dịch, cuối cùng ruồng bỏ vua cha. Vua Lia phẫn uất hóa điên, ra đi trong một đêm giông bão...
Là kịch bản kinh điển của thế giới, câu chuyện được viết ra mấy trăm năm trước vẫn mang tính thời sự với xã hội Việt Nam hôm nay. Chia sẻ với VietNamNet, NSND Lê Hùng cho biết chỉ muốn truyền đi thông điệp duy nhất, đó là chữ "hiếu".
"Cha mẹ dù mắc sai lầm do tuổi tác hay nhận thức, kẻ làm con vẫn phải giữ đạo hiếu. Thông điệp dễ dàng đi vào lòng khán giả bởi đây cũng là đạo lý truyền thống của người Việt Nam.
Lựa chọn cách kể chuyện dung dị, Vua Lia được "Việt hoá", không nhiều trang trí mỹ thuật, chỉ dùng những thước vải rủ xuống để tạo hình vòm mái cung điện hay tòa lâu đài. Lược bỏ những đoạn thoại quá dài, vở kịch gần gũi với công chúng nhờ lối đài từ không “lên gân” mà giản dị, đời thường…
Với "dân làm nghề", đài từ một vài diễn viên chưa chạm được vào cảm xúc như kỳ vọng, lột tả hết được tấn bi kịch của Vua Lia. Sự nhuần nhuyễn và xúc cảm rất cần thiết ở những đoạn thoại kinh điển.