Chia sẻ với VietNamnet, nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát rất buồn vì NSND Trần Bảng - người khuyên bà theo nghiệp biên kịch đã về với cao xanh.
“Nhớ lại tháng năm tuổi trẻ, từng làm diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam (năm 1965), tôi được NSND Trần Bảng phát hiện ra khả năng viết lách và khuyên học biên kịch. Thầy bảo làm diễn viên chỉ có thời thanh xuân, còn biên kịch làm cả đời nên tôi nghe theo.
Cho đến nay, tôi vẫn là một trong số không nhiều những học trò được thầy ưu ái, quan tâm, thương yêu và gần gũi nhất. Vì thế, với tôi - Giáo sư, NSND Trần Bảng không chỉ là người thầy, ông là người cha tinh thần mà số phận đã cho tôi may mắn có được”, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát ngậm ngùi.
Nữ biên kịch bày tỏ sự tiếc thương người thầy đức độ, hết lòng vì học trò: “Những tháng năm tuổi trẻ, tôi gặp chuyện gia đình buồn, ông bà luôn ở cạnh, động viên an ủi, cho tôi niềm tin yêu cuộc sống để bước tiếp, sống và có chút thành tựu cho đến ngày nay. Mọi thăng trầm cuộc sống, mọi bước đi dù khó khăn trắc trở hay hanh thông thành đạt của tôi, ông bà lúc nào cũng dõi theo. Bà đã ra đi, nay ông cũng rời cõi tạm, tôi buồn vô cùng”.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát kể, NSND Trần Bảng là người sống rất lạc quan, yêu đời. Ông vào viện thường xuyên, vào rồi lại ra, ra rồi lại vào. Sức khỏe cũng không có gì trầm trọng ngoài bệnh thường gặp ở người già, ít ăn, ít ngủ, lúc thấy đau chỗ này, lúc chỗ kia. Lần nào vào thăm ông cũng hài hước bảo: “Ông tưởng chết, vào viện có bao nhiêu vốn liếng giao hết cho con. Giờ về, phải góp lại từ đầu”.
“Với cuộc sống, công việc, lúc nào ông cũng say mê, hết lòng và luôn trân trọng cái đẹp. Ông bảo dựng rất nhiều vở chèo cổ như Quan Âm Thị Kính, Xúy Vân, Lọ nước thần… vì say, vì mê mà làm chứ không nhằm giải thưởng. Với các vở chèo hiện đại như Tình rừng, Cô gái và anh đô vật hay Chuyện tình năm 80… có vở thành công, có vở thể nghiệm.
Với vở Chuyện tình năm 80, ông tiết lộ, mẫu của nhân vật Thơm Thảo là lấy từ tôi - một cô gái sinh ra ở nông thôn chất phác, thuần hậu, có tâm hồn trong trẻo. Tôi hơi ngượng, vì biết mình khó còn giữ được như vậy, có thể đây chỉ là ấn tượng của thầy về tôi từ cái ngày xửa ngày xưa hồi mới 15-16 tuổi ngơ ngác lên học thầy. Cuộc đời tôi thật may mắn vì là học trò của thầy”, nữ biên kịch bày tỏ.
NSND Đoàn Thanh Bình cho biết có hai người thầy lớn trong đời chị là bà nội - NSND Cả Tam (tức cụ Trịnh Thị Lan) và NSND Trần Bảng.
“Lúc bà nội mất có gửi gắm tôi cho NSND Trần Bảng. Gặp thầy, được xem các vở diễn của Nhà hát Chèo Trung ương như Quan Âm Thị Kính, Lọ nước thần, tôi bị chinh phục hoàn toàn. Tôi đồng ý cùng thầy Trần Bảng, người thầy thứ hai của tôi về học chèo tại Trường trung cấp Nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, năm 1975, tôi chính thức trở thành nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Trung ương (nay là Nhà hát Chèo Việt Nam).
Đó là may mắn lớn trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi vì đã được học từ các thầy cô mẫu mực, chuẩn chỉnh với những “khuôn vàng thước ngọc” của chèo. Cô Trần Thị Xuân là vợ của NSND Trần Bảng đã dạy cho tôi vai mẫu Thị Kính, cô Dịu Hương dạy cho vai mẫu Thị Màu… Những câu hát được các thầy cô “chuốt” cho từng câu từng chữ; những điệu múa cũng được các cô huấn luyện làm đi làm lại từ cách bước đi đến cái phẩy quạt, ánh mắt… bao giờ nhuần nhuyễn mới thôi”, NSND Đoàn Thanh Bình tâm sự.