Ngày 11/5 tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam diễn ra buổi lễ ra mắt cuốn sách Sức mạnh của ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam của NSND Trần Hiếu. Tên tuổi của NSND Trần Hiếu trong làng nhạc thì ai cũng biết nhưng ở tuổi 86 ông ra mắt cuốn sách đầu tiên về âm nhạc thì thực sự bất ngờ.
NSND Trần Hiếu cho biết, từ năm 1968 ông đã bắt tay vào viết những bản thảo đầu tiên của cuốn sách này. Mãi tới năm 1998 mới hoàn thành, 30 năm ấp ủ để viết ra được cuốn sách, ông nói đó là tâm huyết của cả đời người nhạc sĩ, người thầy, dồn hết vào cuốn sách và chỉ mong truyền lại được cho thế hệ sau những điều bổ ích và lý thú.
NSND Trần Hiếu nhận thấy, trong tiếng hát Việt Nam, ngôn ngữ có vai trò quan trọng nhất, góp phần định hình phong cách trong tiếng hát Việt Nam. Chính vì thế, ông chọn ngôn ngữ làm trọng tâm sức mạnh trong tiếng hát Việt Nam và lấy đó làm đối tượng trọng tâm để nghiên cứu, diễn giải và bàn luận trong cuốn sách.
Ông chia sẻ rằng từ một người hát nhạc chính ca, để trở thành một anh hề trên sân khấu ca nhạc, ông đã rất dày công nghiên cứu, đồng thời học hỏi từ các vị tiền bối như nhạc sĩ Đỗ Nhuận hay một thầy giáo dạy văn hóa của ông… Khi đã hiểu cặn kẽ về ý nghĩa nội dung tác phẩm, sau đó NSND Trần Hiếu nghiên cứu cách trình diễn, ứng dụng và liên tục thay đổi để ngày càng phù hợp, cho đến khi công chúng chấp nhận. Đây là bài học cho các nghệ sĩ trẻ tâm huyết với nghề noi theo.
“Người Việt Nam thích nghe gì ở ca hát? Họ say mê những loại hình ca khúc nào? Đó là một câu hỏi cứ đi theo tôi suốt một đời ca hát. Không hiểu rõ được điều đó thì làm sao đi vào lòng người được. Không thể lấy tiêu chuẩn thưởng thức ca hát của một số người hay một cộng đồng người làm chuẩn mực để đánh giá một bài hát. Phải xét qua sự đánh giá của nhiều đối tượng, nhiều cộng đồng khác nhau. Sức sống của một bài hát chính là ở trong tấm lòng những khán thính giả. Bài hát nào có thể sống tươi xanh ở mọi nẻo đường đất nước, sống bền bỉ qua nhiều giai đoạn biến chuyển của xã hội chính là bài hát đi cùng năm tháng”, NSND Trần Hiếu chia sẻ.
Đây là hai trong số những lý do luôn nằm trong suy nghĩ của NSND Trần Hiếu trong suốt cuộc đời hoạt động ca hát và thúc đẩy ông quyết tâm hoàn thành cuốn sách để lại cho các thế hệ tiếp nối.
Quá trình thực hiện sách cũng khá thú vị, cách viết sách của NSND Trần Hiếu cũng rất đặc biệt. U90, trong khi những năm gần đây sức khỏe của ông không ổn định, NSND Trần Hiếu không thể tự tay chấp bút trên từng trang bản thảo. Song được sự động viên và sát cánh của người bạn đời, NSND Trần Hiếu đã dần biến mong muốn của mình thành hiện thực.
Người bạn đời của ông, bà Nguyễn Thị Minh Ngà chia sẻ, năm 2021 NSND Trần Hiếu gặp tai nạn và tưởng như không thể qua khỏi. Trong lúc gói ghém, soạn đồ đạc của chồng, bà phát hiện ra bản thảo vô cùng quý giá. Bà đã nghĩ nếu chồng ra đi mà những bản thảo này không được in thành sách bà sẽ gửi vào thư viện hoặc đâu đó để các thế hệ sau có thể tìm hiểu.
"Tôi nói chuyện với chồng và sau đó, tôi - với vai trò là thư ký đã ghi chép lại những điều mà chồng viết, sau đó cùng đọc để ông có thể chỉnh sửa theo ý muốn. Sau khi bản thảo đã hoàn thành, được sự góp sức của một người cháu ruột, cùng các học trò mà đứng đầu là NSND Quốc Hưng, cuốn sách chuyển sang khâu tiếp theo của quá trình xuất bản", bà Ngà chia sẻ.
Tại buổi họp báo, NSND Quốc Hưng bày tỏ: “Thầy rất vui khi cuốn sách hoàn thành. Nhân niềm vui ấy, thầy đã tổ chức một buổi tiệc nho nhỏ tại gia đình với sự góp mặt của một vài người thân và một vài học trò gắn bó. Nhìn vẻ mặt đầy hạnh phúc của thầy mà tôi xúc động quá. Đó cũng là lý do tôi và một vài anh em gắn bó quyết tâm thực hiện cuốn sách này như một món quà ý nghĩa dành tặng thầy”.
NSND Quốc Hưng cho rằng đây là tư liệu quý mà những thế hệ thanh nhạc sau này nên tiếp cận và đọc để biết về tầm quan trọng trong ngôn ngữ của nghệ thuật ca hát Việt Nam, từ đó thêm phần quyết tâm không ngừng trau dồi trong cách hát. Một mặt khác, cũng thông qua cuốn sách, người đọc còn cảm phục và biết thêm sự yêu nghề, cách tiếp cận các tác phẩm và những tâm huyết trong việc tìm tòi, đưa ra những hướng xử lý tốt nhất cho các tác phẩm.
"Đóng góp lớn nhất của NSND Trần Hiếu thể hiện trong cuốn sách là việc ông phân tích sâu về vai trò và ý nghĩa của âm vị học trong tiếng hát Việt Nam, đưa ra các đặc điểm về nguyên âm, phụ âm, đặc điểm về khiếu thưởng thức ca hát của người Việt Nam, tính tượng hình tượng thanh trong cái tai người Việt, tác động của phụ âm “đầu và cuối âm tiết” vào nguyên âm tiếng Việt, tính biến hóa sinh động của việc xử lý phụ âm cuối âm tiết trong tiếng hát Việt Nam…
Có lẽ đây là lần đầu tiên có một cuốn sách, một công trình khảo cứu về nghệ thuật thanh nhạc Việt Nam bàn sâu về vấn đề này. Cho nên đây là đóng góp không nhỏ của NSND Trần Hiếu cần được ghi nhận. Cuốn sách này thực sự có giá trị đối với giới âm nhạc với nghệ thuật ca hát Việt Nam và là một tài liệu có giá trị để các công trình nghiên cứu khoa học, các luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ làm tài liệu tham khảo", NSND Quốc Hưng chia sẻ.
NSND Trần Hiếu đã tin tưởng giao cho nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long (học trò của NSND Trần Hiếu) chịu trách nhiệm hiệu đính. Và sau khoảng gần 2 năm thực hiện, cuốn sách đã hoàn thành và được Nhà xuất bản Sân khấu xuất bản, giới thiệu đến công chúng.
Sức mạnh của ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam là có độ dày hơn 100 trang, bố cục gồm 2 phần chính.
Ở phần một, Đôi điều về tiếng hát Việt Nam, tác giả đề cập tới truyền thống ca hát nói chung, vai trò của tiếng hát Việt Nam nói riêng trong phạm vi khá rộng, từ thời kỳ mở nước, dựng nước đến thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc cho tới thời kỳ âm nhạc mới Việt Nam xuất hiện. Thông qua đó khẳng định cho dù ở bất kỳ giai đoạn nào thì tiếng hát vẫn luôn là một nghệ thuật của ngôn ngữ. Đồng thời, tác giả cũng chỉ ra những sự tương đồng và khác biệt giữa đặc điểm của ngôn ngữ dân tộc so với thế giới để làm sao phát huy được hiệu quả nhất ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam.
Trong phần hai, Ngôn ngữ và học thuật, tác giả đưa ra những nhận định và chứng minh những nhận định về sự tinh tế và ý vị của ngôn ngữ trong dân ca, trong những bài nhạc không lời và trong cấu trúc âm nhạc của người Việt. Phần này tác giả cũng đi sâu vào kỹ thuật ca hát cổ truyền cũng như kỹ thuật ca hát của thế giới để từ đó tìm ra điểm chung nhất, phù hợp với đặc điểm của người Việt nhất trong các kỹ thuật cơ bản của tiếng hát là hơi thở và cộng minh. Từ những kết quả trình bày, tác giả dành một nội dung chính thức của cuốn sách để đưa ra kiến nghị về tiếng hát thời đại của Việt Nam nên được xây dựng như thế nào.
Tình Lê