Hẹn gặp NSND Trần Thị Mơ vào một chiều Hà Nội nắng ấm tại nhà riêng, chị đón tôi với nụ cười thân thiện, niềm nở dù mới gặp lần đầu. Nhà chị không quá lớn, điểm nhấn là cây đàn cello gọn gàng ở một góc khiến bất cứ vị khách nào ghé chơi cũng cảm nhận được sự bình yên và êm ấm.
Từng biểu diễn ở hàng trăm sân khấu lớn nhỏ trong và ngoài nước, nhưng sau khi nghỉ hưu, NSND Trần Thị Mơ không chọn cuộc sống hưởng thụ, an nhàn mà vẫn tiếp tục cống hiến. Chị bảo, chính lúc nghỉ hưu mới thấy độ chín của nghề nhiều nhất. Trần Thị Mơ sẽ chơi, dạy đàn cello đến khi nào cảm thấy “mình thật tệ, không còn khả năng” mới thôi.
Từng rất ghét đàn cello
- Cơ duyên nào đưa chị đến với cây đàn cello?
Tôi bắt đầu học đàn cello năm 12 tuổi khi chú hàng xóm gợi ý cho bố, giờ đã hơn 50 năm gắn bó. Hồi đó, tôi không thích vì cây đàn thô, to và xấu. Tốt nghiệp lớp 7, tôi đỗ vào Nhạc viện, nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Khi mới vào học, tôi thấy mọi người đánh đàn giỏi lắm, mình kém xa quá vì họ được học trước rất lâu.
Hồi đó, tôi ăn không đủ no nhưng quyết tâm, phấn đấu đánh đàn giỏi như các anh các chị đi trước. Năm đầu, tôi cố gắng theo kịp những bạn cùng năm. Năm thứ 2, tôi "bỏ rơi" từ từ các bạn học trước tôi 7 năm. Năm thứ 3, tôi vượt lên top đầu và năm thứ 4 được đi thi quốc tế, được tuyển thẳng vào đại học. Cứ như vậy, tôi say mê cây đàn cello từ lúc nào không hay.
- Kể như vậy, có lẽ kỷ niệm của chị với đàn cello lúc nhỏ rất đáng nhớ?
Trước kia, tôi ghét học cello lắm nhưng có lẽ thừa hưởng năng khiếu từ gia đình nên học khá nhanh. Có đợt, mỗi ngày tôi bị một trận đòn của bố vì không chịu tập. Tôi ghét đàn tới nỗi đập vỡ cả cây đàn. Bố giận lắm, bắt tôi tìm cách gắn đàn lại mới cho về nhà. Tôi sợ nên lấy vỏ cây sắn thuyền giã nát rồi tìm cách gắn lại. Nghĩ lại, tôi luôn biết ơn bố vì ông đã lựa chọn hướng đi đúng đắn cho cuộc đời tôi.
- Đàn cello khác với nhạc cụ khác thế nào?
Cello thuộc bộ nhạc cụ đàn dây, không có phím. Người chơi đàn cần có một đôi tai cảm âm tốt và một đôi tay khéo léo để nhận biết các nốt nhạc trên cái cần trơn tuột đó. Để chơi giỏi, năng khiếu chỉ đóng góp 50%, còn lại là sự khổ luyện.
- Hơn 50 năm gắn bó với cây đàn có ý nghĩa thế nào với chị?
Năm tôi 20 tuổi, mẹ mất, bố đi diễn theo đoàn nên không thể lo cho tôi nhiều. Tôi nhận thu thanh đàn cello trong các dàn nhạc cho đài phát thanh và nhạc phim. Đàn cello nuôi sống tôi nhiều năm, gắn bó từ những lúc khó khăn nhất đến khi đi thi quốc tế, thành danh. Nó vui buồn cùng tôi, chung thủy cùng tôi trong rất nhiều thăng trầm của cuộc đời.
- Có khán giả nào làm NSND Trần Thị Mơ ấn tượng mãi?
Khoảng năm 2008, tôi biểu diễn cho các em bị khuyết tật tại Đà Nẵng, nhiều em có năng khiếu nhưng khó phát triển. Lúc tôi ra về, các bạn ôm tôi khóc và bày tỏ muốn học đàn, muốn ra Hà Nội học. Tôi lực bất tòng tâm nên thương lắm. Tôi chỉ mong, mỗi thành phố lớn đều có những trường nhạc nho nhỏ, có đầy đủ nhạc cụ để những em yêu âm nhạc được học, tiếp xúc, ươm mầm. Em nào có năng khiếu sẽ được gửi ra những trung tâm âm nhạc lớn để có thể phát triển tốt khả năng của mình.
Người theo học cello quá ít ỏi
- Chị nhận định ra sao về đầu ra của việc học cello hiện nay?
Vài năm qua, số người học đàn cello trong các đợt tuyển sinh ở trường nhạc rất ít. Mỗi năm, bộ môn này chỉ tuyển được 2-3 em. Số sinh viên đầu ra để cung cấp cho các dàn nhạc vì vậy cũng ít theo. Chính vì vậy, các em có thể xin việc rất dễ vì cung không đủ cầu.
- Số lượng người theo học đàn cello ít là bởi điều gì, thưa chị?
Có thể mọi người thấy đàn cello dù trông quý tộc nhưng hơi cồng kềnh, không tiện lợi như violin, không sang trọng như piano. Hơn nữa, người theo ngành phải học rất lâu, để thành danh vô cùng khó khăn. Gia đình nào phải kiên trì lắm mới có thể cho con theo học cả quá trình.
Người ta vẫn bảo, âm nhạc như trang sức cho cuộc sống của con người. Nhiều phụ huynh thường tìm “trang sức” đẹp như piano hay violin để cho con theo học thêm, chứ chưa nghĩ tới học chuyên nghiệp. Khi họ phát hiện con có năng khiếu tốt mới cho theo đuổi nghiêm túc. Nhiều phụ huynh không chọn đàn cello làm “trang sức” cho con.
- Chị có buồn vì thực trạng đó?
Tôi rất buồn và lo ngại. Tôi đi đâu cũng động viên bạn bè, người quen cho con cháu học cello. Tôi muốn quảng bá để nhiều người theo học hơn, bởi một thời gian nữa, người chơi đàn cello chuyên nghiệp sẽ hiếm dần ở Việt Nam. Mỗi dàn nhạc cần ít nhất 8 nghệ sĩ cho bè cello. Họ rất cần người mà lại không có để cung cấp.
Tuy nhiên, một số gương mặt trẻ du học về đã khơi dậy sức hấp dẫn mới cho đàn cello nên có nhiều tín hiệu đáng mừng. Có khá nhiều học sinh theo học đàn cello từ những người này. Thêm nữa, theo xu thế của thế giới, các loại nhạc cụ phương Tây cổ điển, đặc biệt là cello rất được yêu thích và được biểu diễn nhiều trên các sân khấu, các kỳ thi quốc tế. Tôi nghĩ rằng tương lai cello của Việt Nam cũng sẽ tươi sáng như vậy.
- Chị có trăn trở thế nào để cello ở Việt Nam phổ biến hơn?
Đàn cello đã phổ biến, được nhiều người biết ở Việt Nam nhưng không phải ai cũng dũng cảm cho con theo học.
Ngoài việc biểu diễn ở những sân khấu lớn trong và ngoài nước, tôi cũng thu thanh đàn cello cho đài phát thanh. Đó cũng là một cách quảng bá tới mọi người. Trong đợt tuyển sinh ở Nghệ An, có thí sinh nói thích chơi đàn cello vì em ấy cũng muốn sẽ chơi được như tôi. Tôi mừng vì mình cũng thành công phần nào trong việc quảng bá, đưa cello đến mọi miền.
Bộ môn đàn cello đang chưa khởi sắc lắm nên tôi hy vọng giai đoạn phát triển sẽ đến sớm. Hiện tại, tôi vẫn tiếp tục truyền lửa nghề cho thế hệ sau.