Từng làm nhiều nghề trước khi làm diễn viên
NSND Trọng Trinh đến với nghệ thuật như thế nào?
- Bố tôi trước kia làm ở Bộ Văn hóa, gia đình chúng tôi từng ở dãy tập thể gần Nhà hát Nhân dân (nay là Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô). Nhà hát thời đó hôm nào cũng sáng đèn nên cứ đến tối là tôi cùng các bạn đi xem kịch, xiếc và nhiều loại hình nghệ thuật ở đó nên "máu" văn nghệ ngấm dần.
Tuy nhiên bố tôi lại không muốn con làm diễn viên vì sợ khổ nên học hết phổ thông, tôi thi vào trường Mỹ thuật, sau đó lại học ngành in, rồi làm công tác đoàn của một đơn vị in ấn. Dù làm nghề khác nhưng tôi vẫn đau đáu muốn làm nghệ thuật.
Dịp đó, Nhà hát Kịch Việt Nam có tuyển diễn viên nên tôi dự thi. Tôi diễn vòng nào đỗ vòng đấy, có giấy báo nhập học nhưng muốn đi học, chúng tôi phải có sự đồng ý của gia đình. Tôi đành phải về nói thật với bố mẹ. Bố tôi biết thì làm căng lắm, ban đầu không cho đi học nhưng sau cả nhà thuyết phục mãi thì ông đành ký vào giấy nhập học cho tôi.
NSND Trần Tiến là một trong những người thầy chấm điểm cao cho tôi vào nhà hát, ông nói với bố tôi là "cháu nó diễn được đấy", từ đó bố mới yên tâm cho tôi làm nghệ thuật.
Khi vào Nhà hát Kịch Việt Nam học anh có kỷ niệm gì đáng nhớ không?
- Tôi vào học 4 năm và ở lại nhà hát để làm việc luôn. Năm 1982, khi vừa mới tốt nghiệp được 1 tuần thì chúng tôi có lệnh đi bộ đội. Tôi cùng các đồng nghiệp như: NSND Trung Anh, NSƯT Quốc Khánh, NSƯT Đỗ Kỷ… cùng đơn vị với nhau, chúng tôi đóng quân ở Móng Cái, Quảng Ninh.
Thời đó, chúng tôi tham gia phong trào văn nghệ của Đặc khu Quảng Ninh, được giải nhất trong Hội diễn văn nghệ các quân đoàn. Trong 2 năm đóng quân, thi thoảng chúng tôi cũng được về nhà, tinh thần đúng là những anh bộ đội Cụ Hồ thực thụ. Năm 1984, chúng tôi ra quân và lại về nhà hát công tác.
Lý do vì sao anh lại chuyển công tác sang Đài Truyền hình Việt Nam?
- Thời gian làm việc ở Nhà hát Kịch, tôi vẫn cộng tác với Đài Truyền hình Việt Nam. Năm 1995, vì muốn tuyển thêm người để làm chương trình Văn nghệ chủ nhật nên đạo diễn Khải Hưng hỏi tôi: "Mày có muốn về đây không?".
Sau mấy ngày suy nghĩ, tôi đồng ý sang Đài. Lúc đầu, Giám đốc Nhà hát bấy giờ là NSND Trọng Khôi không cho đi, phải thuyết phục đến lần thứ 2 ông mới đồng ý cho tôi chuyển công tác với lời nhắn "sang làm việc không hợp thì lại về đây nhé".
Làm phim ở Đài Truyền hình Việt Nam rất áp lực, giờ giấc rất nghiêm ngặt. Vừa chuyển công tác, tôi đóng phim Gió qua miền tối sáng luôn. Năm 1997, tôi làm phim đầu tay là Mưa dầm ngõ nhỏ. Năm 1998, tôi học đạo diễn ở trường Đại học Sân khấu điện ảnh, 4 năm sau tôi tốt nghiệp và làm đạo diễn một số phim như: Ban mai xanh, Cầu vồng tình yêu, Zippo mù tạt và em, Tình yêu không hẹn trước, Cả một đời ân oán…
Theo anh, làm đạo diễn khó hơn diễn viên nhiều không?
- Khi là diễn viên thì bạn chỉ cần tư duy cho vai diễn của mình thôi, nhưng làm đạo diễn là phải có đầu óc bao quát. Khi cầm một kịch bản, bạn phải biết chia tuyến nhân vật, bên cạnh đó phải phân định giữa các thành phần làm phim. Sau đó phải "cân đo đong đếm" sao để kể chuyện phim hay nhất. Làm đạo diễn áp lực hơn diễn viên rất nhiều.
Năm 1998, tôi làm phim Sân tranh, tác phẩm đạt giải Vàng trong Liên hoan Phim truyền hình Toàn quốc năm đó nhưng tôi vẫn quyết tâm đi học đạo diễn vì muốn mình làm việc chuyên nghiệp hơn.
Từ một diễn viên sân khấu, anh chuyển sang diễn viên truyền hình và sau đó là đạo diễn, trong quãng thời gian dài như vậy, có khi nào anh muốn buông xuôi, bỏ nghề?
- Hồi là diễn viên kịch, tôi vẫn theo các đoàn phim truyền hình. Tôi được những nghệ sĩ gạo cội như: NSND Bạch Diệp, NSND Trần Phương… chỉ bảo nhiều nên có cơ hội làm quen với nghề.
Khi làm đạo diễn chuyên nghiệp, có thuận lợi nhưng cũng có nhiều khó khăn. Người nghệ sĩ luôn bị thời gian, cảm xúc chi phối nên rất căng thẳng. Đã có lúc tôi nghĩ, hay nghỉ đi, nhưng chắc là cái số của mình phải gắn liền với phim ảnh, nên sau những mệt mỏi ấy, tôi lại có động lực để làm phim.
Tôi chỉ đủ ăn thôi chứ không giàu
Là đạo diễn của nhiều phim truyền hình nổi tiếng, có bao giờ anh đóng "vai ác" với các diễn viên của mình không?
- Có chứ, khi làm phim Mát-cơ-va mùa thay lá ở Nga, đoàn phim gặp áp lực về thời gian. Có phân đoạn, diễn viên đóng cảnh tâm lý mà chưa "tới". Tôi vừa phải dỗ vừa phải phân tích, thậm chí đập bàn nói "nếu thế này bao giờ mới xong được". Diễn viên òa khóc, vậy là cảnh quay... xong.
Tôi vẫn nói với các diễn viên trẻ, khi xuất hiện trên phim mà khán giả thấy "không vào" là bản thân mình rất mang tiếng, vì thế diễn sao cho "ngọt" nhất, máu lửa nhất. Nếu mình xem lại, thấy mình đóng nhạt thì xấu hổ lắm. Nếu không nỗ lực từ đầu thì cơ hội quay lại không còn nữa. Đây là kinh nghiệm đau đớn tôi rút ra được từ nghề diễn.
Người ta bảo, NSND Trọng Trinh chỉ có làm phim thôi mà rất giàu có, lo được cho cả gia đình, anh phản hồi gì về nhận xét này?
- Chắc mọi người nói vui vậy thôi, làm phim ảnh thì có ai giàu có? Như các cụ nói "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm", tôi chỉ đủ ăn thôi.
Tôi đã từng kinh doanh nhưng lại không làm nữa. Tôi cũng từng thử làm bất động sản, tôi và một vài người bạn đầu tư đất đai xong thì gặp Covid-19 xong giờ cũng… "nằm im" rồi. Tôi luôn nghĩ, Tổ nghiệp chỉ cho mình một thứ thôi, làm nghệ sĩ ít ai có nghề tay trái thành công lắm.
Cuộc sống của NSND Trọng Trinh sau khi nghỉ hưu thế nào?
- Về hưu nhưng tôi thường xuyên đi làm phim, làm dự án cho một số Đài truyền hình nên còn bận hơn trước. Tôi cố gắng dành thời gian ở nhà nhiều nhất có thể.
Tôi và bà xã Lan Phương đang sống ở một căn chung cư trên đường Nguyễn Xiển, Hà Nội. Tôi có 2 cậu con trai, 1 cậu đã có gia đình, ở riêng, còn cậu thứ 2 thì vào TPHCM lập nghiệp. 2 con đều làm ngành truyền thông.
May mắn là bà xã hiện tại khá hòa hợp với 2 con trai của tôi. Các con hiểu chuyện, khi biết bố "đi bước nữa", chúng cũng ủng hộ.
NSND Trọng Trinh và bà xã kém 16 tuổi (Ảnh: NVCC).
Anh gặp và yêu bà xã mình thế nào?
- Nhiều người nói, tôi và vợ là 2 người có tính cách khác nhau. Cô ấy là người khép kín, sống nội tâm. Tôi gặp và kết hôn với cô ấy cũng có nhiều cái duyên.
Hồi đó, tôi đi làm phim Cầu vồng tình yêu ở Láng - Hòa Lạc. Đi làm về khuya, tôi không kịp mua đồ thế là nấu mì và pa-tê ăn. Ngay đêm đấy, tôi bị cảm tả, gần như tay chân không nhấc lên được. Lúc đó tôi sợ chết. Con nhỏ chạy ra hỏi và ôm tôi. Cảm giác lúc ấy tôi không bao giờ quên được. Tôi thấy như mình sắp "đi" nên nắm tay con, kêu con cầm bút ra để dặn dò.
Lúc sau, tôi đỡ hơn chút thì bảo con trai pha gói trà gừng trong tủ để uống cho ấm người. Hôm sau, tôi dậy thì mọi thứ trở về bình thường. Gói trà gừng ấy chính là món quà của vợ tôi tặng. Khỏi ốm, tôi điện thoại cảm ơn cô ấy và chúng tôi nói chuyện với nhau nhiều hơn rồi yêu nhau, lấy nhau.
Hồi tôi lấy Lan Phương, nhiều người "choáng" vì trước đó, tôi thề không lấy vợ. Cô ấy kém tôi 16 tuổi, là người Đà Nẵng. Chúng tôi là "rổ rá cạp lại" nhưng muốn xây dựng cuộc sống dài lâu nên cưới nhau.
Bị cháu nội nhầm là… ông ngoại
Lấy vợ kém 16 tuổi, anh có phải cố làm mình trẻ ra để hợp với chị ấy không? Bà xã anh có ghen không?
- Trước nay, tôi vẫn là tôi thôi, cuộc sống vốn rất phức tạp nên tôi chọn cách sống hồn nhiên, thoải mái, chính là mình. Hồi lấy cô ấy, tôi không nghĩ vì vợ trẻ nên mình lấy, thấy đủ duyên thì muốn gắn bó với nhau. Lúc trước, tôi làm quản lý ở một phòng toàn người trẻ, nên tính cách, tư duy của tôi rất trẻ trung.
May là cô ấy không ghen. Tôi cũng không bao giờ để xảy ra chuyện gì nên cô ấy tin tưởng chồng.
Trong 12 năm sống bên nhau, có bao giờ anh chị to tiếng với nhau không, những lúc ấy ai sẽ là người xin lỗi trước?
- Những năm đầu, cô ấy ở nhà nhiều nên cũng có nhiều lo lắng khi chồng đi suốt. Cô ấy hay ám ảnh chuyện "tình ban trưa" mà nhiều người hay nhắc đến, về nhà cô ấy hay vặn chồng, tôi có nói lại. Nhưng sau này hiểu nhau rồi thì thôi.
Tôi biết mình là người khô khan, không nói những lời ngọt ngào, nhưng cũng hay tặng hoa cô ấy dịp lễ, tết.
Làm dâu xa thế, thời gian đầu vợ anh có buồn và lo lắng không?
- Vì tôi mà cô ấy bỏ cả sự nghiệp, gia đình để theo ra Hà Nội. Những ngày đầu ra đây cô ấy stress vì không quen ai, những năm gần đây thì có một số bạn, tôi cũng hay đưa vợ đi ngắm phố phường, cà phê. Mỗi năm, tôi cũng cùng vợ về Đà Nẵng mấy lần để thăm gia đình bên đó.
Chúng tôi cũng cố gắng để sinh con nhưng sức khỏe của vợ tôi không tốt. Tôi muốn mọi thứ thuận tự nhiên. Cô ấy cũng bảo, nếu ông trời cho thì nhận, không đành chịu thôi. Chúng tôi quan niệm, không phải có con mới có sự ràng buộc, nhiều người có con lớn vẫn chia tay đấy thôi.
Anh ít khi nói đến vợ cũ?
- Cô ấy giờ ở với vợ chồng con cả. Cô ấy là người tốt, đối ngoại rất giỏi. Chúng tôi không liên lạc với nhau nhiều vì các con đã lớn, Nếu có vấn đề gì, con trai sẽ nói chuyện với tôi.
- Ông nội này hơi bận nên ít có thời gian chơi với cháu. Có lần đến, cháu còn gọi nhầm tôi là… ông ngoại. Nhiều khi ngồi với cháu, tôi nói: "Ôm ông một cái nào". Cháu còn ngần ngại không dám. Tôi giật mình vì biết đây là sự nhắc nhở với tôi.
Sau đó, tôi tranh thủ thời gian rảnh để qua thăm bé nhiều hơn, cho cháu đi chơi, đi mua đồ, đón cháu ở trường. Giờ hai ông cháu chơi với nhau rất vui và không nhận nhầm... ông ngoại nữa (cười). Tôi cũng muốn gần gũi với cháu nhiều hơn nữa.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
NSND Trọng Trinh (SN 1957) tốt nghiệp lớp diễn viên khóa 1 của Nhà hát Kịch Hà Nội. Trên sân khấu, anh nổi tiếng với vai Phó Tiến sĩ Tùng trong vở Hão, vai Trung úy Công an Cường của vở Nhân danh công lý. Với điện ảnh, anh ghi dấu với vai chiến sĩ công an Nam Hà, phim Săn bắt cướp, năm 1989. Ngoài ra, anh là gương mặt quen thuộc trong các phim truyền hình như Gió qua miền tối sáng, Tuổi thanh xuân, Mưa bóng mây.
Từ năm 1997, anh chuyển sang làm đạo diễn. Nghệ sĩ gặt hái nhiều thành công khi đứng sau loạt phim truyền hình Sang sông, Ban mai xinh, Cầu vồng tình yêu, Cả một đời ân oán... Trước khi về hưu, anh giữ chức Trưởng phòng Nội dung 3, Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam (VFC).
Ảnh: Toàn Vũ
(Theo Dân Trí)