Hội thảo Sân khấu với đề tài hiện đại do Hội Sân khấu Hà Nội vừa tổ chức thể hiện tâm huyết nhằm đóng góp, xây dựng cho sân khấu Thủ đô những tác phẩm đề tài hiện đại chất lượng.
NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho rằng lựa chọn kịch bản luôn là bước đầu tiên vô cùng quan trọng đối với Ban lãnh đạo của mỗi đơn vị nghệ thuật.
"Để có được một kịch bản chính kịch tốt cần một ngòi bút “lão luyện”, sắc sảo, am hiểu cuộc sống – văn hoá – lịch sử. Đối với kịch bản dành cho thiếu nhi hay kịch bản hài kịch dành cho người trưởng thành, đều có những tiêu chuẩn và yêu cầu khác nhau. Hiện trạng kịch bản còn hạn chế về mặt chất lượng có rất nguyên nhân. Những thế hệ nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng của nước ta rất nhiều người đã cao tuổi hoặc không còn trên văn đàn, người còn người mất. Trong khi đó, văn đàn thiếu vắng thế hệ kế cận xuất sắc và nổi bật. Phần lớn do định hướng và xu hướng lựa chọn nghề nghiệp hiện nay không ưu tiên nghiệp viết. Hơn thế, sự phát triển vượt trội của công nghệ thông tin khiến một bộ phận không nhỏ thế hệ người Việt mất đi văn hoá đọc, điều đó tác động rất lớn đến chất lượng và chiều sâu của các kịch bản hiện nay", NSND Trung Hiếu nói.
Tuy nhiên, theo NSND Trung Hiếu, có được một kịch bản tốt vẫn chưa đủ, nó còn phải phụ thuộc vào định hướng nghệ thuật của đơn vị nữa. NSND Trung Hiếu cho biết, những vở diễn chính luận của Nhà hát luôn lột tả bản chất của hiện tượng xã hội, đi thẳng vào những vấn đề nóng hổi, nhức nhối trong đời sống xã hội hiện đại. Không những thế, các tác phẩm chính luận của Kịch Hà Nội luôn được đánh giá là nhạy bén về thời sự, sắc sảo về chính trị và chân thực trong từng lời thoại, diễn xuất.
Hàng năm, Nhà hát Kịch Hà Nội luôn có nhu cầu dàn dựng những vở diễn chính kịch mang đậm chất Hà Nội, Hà Nội của hiện đại và Hà Nội trong lịch sử. Tuy vậy, ngày càng ít các kịch bản chính kịch, cũng ngày càng ít các kịch bản viết về Hà Nội. Về đề tài lịch sử, Nhà hát Kịch Hà Nội luôn mong muốn tìm kiếm những kịch bản chất lượng cao, mới mẻ về cách tiếp cận, nội dung chuẩn xác – mới mẻ, một góc nhìn khách quan và đậm chất nhân văn. Thông qua các vở diễn về những nhân vật lịch sử, về các giai đoạn lịch sử hào hùng của Hà Nộ ta nói riêng và cả nước ta nói chung, Nhà hát Kịch Hà Nội muốn gửi đến thế hệ khán giả trẻ một lối đi riêng tiếp cận với Lịch sử nước nhà qua hình thức sân khấu biểu diễn thông qua các vở như: Tình sử ngàn năm (hình tượng Lý Thường Kiệt), Hà thành chính khí (hình tượng Tổng đốc Hoàng Diệu)... và rất nhiều các vở kịch ngắn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân Chu Văn An, người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, 10 cô gái thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc ...
NSND Trung Hiếu nhận xét, kịch bản với chủ đề hiện đại của những ngòi bút trẻ còn thiếu tính chặt chẽ. Kịch Hà Nội luôn mong muốn đi thẳng và trực diện vào những vấn đề nóng bỏng nhất, hiện thực nhất của xã hội hiện đại; những đề tài đi sâu khai thác tâm lý, những trăn trở và khát khao, những ước mơ hoài bão cũng như những toan tính, những khổ đau của con người trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại. Tuy vậy, việc tiếp cận và thể hiện những chủ đề ấy cần chân thực nhưng không trần trụi, hiện thực cần được chắp thêm đôi cánh của sự lãng mạn, của niềm lạc quan và khát vọng. "Đã có rất nhiều tác phẩm của các nhà văn, nhà viết kịch trẻ gửi đến Nhà hát Kịch Hà Nội, họ có cách tiếp cận rất trực diện, cái nhìn trẻ trung, mới mẻ, hiện đại, cách đặt vấn đề rất thú vị và đặc biệt. Tuy vậy, những kịch bản ấy vẫn có nhiều điểm cần khắc phục như: tính cách nhân vật xây dựng chưa nhất quán, tình huống kịch còn sơ lược, nội dung kịch chưa đủ chiều sâu, thông điệp chưa rõ ràng...", NSND Trung Hiếu chia sẻ.
Chính vì lẽ đó, NSND Trung Hiếu đưa ra giải pháp nên định hướng và đào tạo một thế hệ người Việt trẻ có văn hoá đọc. Tạo điều kiện cho những cây bút trẻ phát huy sáng tạo và sức trẻ. Bởi chính họ sẽ là tương lai của văn đàn Việt Nam, là nhân tố chủ lực viết nên những kịch bản phản ánh đời sống hiện thực của xã hội Việt Nam đương đại. Thêm vào đó, NSND Trung Hiếu đề xuất những kịch bản có đề tài hiện đại thường phản ánh chân thực và sinh động về cuộc sống hiện đại, về những vấn đề còn nhức nhối và nóng hổi trong xã hội, thậm chí là những chủ đề nhạy cảm và gai góc. Khi tiếp cận và dàn dựng những kịch bản có đề tài hiện đại, ban lãnh đạo của các đơn vị nghệ thuật cần có một cái nhìn rộng và bao quát về cuộc sống hiện đại, mạnh dạn sử dụng và xử lý một cách tinh tế và linh hoạt trên sân khấu biểu diễn.
NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho rằng, những tác phẩm sân khấu đề tài hiện đại luôn có sức hút với công chúng bởi sự gần gũi, đi vào những vấn đề, sự kiện đang diễn ra, được quan tâm trong đời sống. Nhưng nhiều tác phẩm hiện nay chưa đi vào những vấn đề lớn, cấp thiết của đời sống hiện đại, chỉ chạy theo những câu chuyện nhỏ nhặt, tầm thường, thiên về tính giải trí, hạ thấp chức năng giáo dục… nên chưa đạt hiệu quả.
Để khắc phục điều đó, các cơ quan quản lý, hội nghề nghiệp cần đưa tác giả đi thực tế cơ sở để bám sát đời sống, có chất liệu sáng tạo; tổ chức các cuộc liên hoan sân khấu, thi sáng tác kịch bản sân khấu đề tài hiện đại; đầu tư trang thiết bị hiện đại cho tác phẩm sân khấu để hấp dẫn khán giả; xây dựng các kênh thông tin trên mạng xã hội để tiếp nhận ý kiến, nhu cầu của khán giả…