Đạo diễn Tarkovsky chỉ có dưới 10 bộ phim nhưng đều là những tác phẩm vĩ đại. Và xuyên suốt chúng là sự trăn trở của ông về nguồn cội. Ông viết trong cuốn Điêu khắc thời gian: “Trong tất cả các bộ phim của tôi, chủ đề cội nguồn luôn có tầm quan trọng lớn: liên kết với ngôi nhà, tuổi thơ, đất nước, trái đất. Tôi luôn cảm nhận tầm quan trọng của việc xác định rằng mình thuộc về một truyền thống, văn hóa, một vòng tròn của những con người hoặc những ý tưởng cụ thể nào đó".
Buổi hoà nhạc đặc biệt thường niên giữa Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam luôn là buổi hoà nhạc được nhiều khán giả đón chờ trong năm. Năm nay hoà nhạc đưa vào chương trình một tác phẩm đặc biệt, Nostalghia (Nhớ cố hương) của Takemitsu, nhà soạn nhạc hàng đầu của Nhật Bản.
Nostalghia được sáng tác lấy cảm hứng từ bộ phim cùng tên của Tarkovsky, nơi nhân vật chính Gorchakov luôn bị dằn vặt và ám ảnh về quê hương mình. Buổi hoà nhạc đánh dấu sự hợp tác chung sân khấu 19 năm giữa NSƯT Bùi Công Duy và nhạc trưởng Honna Tetsuji, hai nghệ sĩ âm nhạc cổ điển hàng đầu đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay.
Và tác phẩm này cũng là sự liên kết đặc biệt giữa hai nền văn hoá lớn Nga – nơi Bùi Công Duy trải qua phần lớn tuổi trẻ để học tập và Nhật, quê hương của nhạc trưởng Honna Tetsuji. Buổi biểu diễn đầu tiên của Bùi Công Duy và nhạc trưởng Honna Tetsuji diễn ra tại Phòng hoà nhạc danh tiếng Opera City Hall – Tokyo với bản Concerto số 1 của Shostakovich - một tượng đài của âm nhạc cổ điển Nga thế kỷ 20 và năm nay cả hai sẽ cùng nhau biểu diễn âm nhạc của Takemitsu, một trong những nhà soạn nhạc lớn nhất của Nhật. Và cả 2 đều là nhà soạn nhạc phim.
Bùi Công Duy được đất nước Nga nuôi dưỡng và đào tạo để trở thành một nghệ sĩ Violin đồng thời là một nhà sư phạm có đẳng cấp thế giới, anh đã có nhiều cơ hội để hoạt động nghệ thuật tại đây. Nhưng cuối cùng anh chọn về lại Việt Nam, nơi mà văn hoá và truyền thống của anh luôn hướng về để xây dựng và phát triển ngành nghệ thuật Violin Việt Nam. Còn với Honna Tetsuji, người hơn 20 năm hoạt động và sinh sống tại Việt Nam, cũng luôn hướng về cội nguồn Nhật Bản của mình. Ông là một cầu nối quan trọng cho việc giao lưu văn hoá giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Nostalghia của T. Takemitsu là một tác phẩm âm nhạc đương đại, âm nhạc của ông cũng như phim của Tarkovsky không phải là những tác phẩm khiến người ta yêu thích ngay trong lần đầu. Nhưng chúng đều là những tác phẩm nghệ thuật để tạo ra cảm xúc cho người nghe.
Đối với Nostalghia của Tarkovsky, ông nói: “Tôi muốn làm một bộ phim về nỗi nhớ nước Nga - về trạng thái tinh thần đặc trưng của đất nước chúng tôi ảnh hưởng đến những người Nga xa quê hương. Tôi coi đây gần như là một nghĩa vụ yêu nước theo cách hiểu của tôi về khái niệm này. Tôi muốn bộ phim nói về sự gắn bó định mệnh của người Nga với cội nguồn dân tộc, quá khứ, văn hóa, quê hương, gia đình và bạn bè của họ; một sự gắn bó mà họ mang theo suốt cuộc đời, bất kể số phận có thể đưa họ đến đâu".
Còn với Nostalghia của Takemitsu, đây là tác phẩm mà nhà soạn nhạc dùng để chia sẻ quan điểm nghệ thuật với người đạo diễn tài ba. Để thưởng thức những tác phẩm như thế này, người nghe không cần phải suy nghĩ nhiều mà để cho âm thanh của violin và dàn nhạc đưa ta đến cảm xúc tự nhiên, có thể đó là sự bi ai, một nỗi hoài niệm hay sự vô định mờ ảo như màn sương trong phim của Tarkovsky.
Buổi hoà nhạc đặc biệt vào ngày 18/12/2022 tại phòng Hoà nhạc Lớn của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam còn trình diễn Bản giao hưởng số 5 của G. Mahler, một trong những nhà soạn nhạc giao hưởng vĩ đại nhất của thế kỷ 20.
Nguyễn Hoàng Việt