NSƯT Phú Đôn sinh năm 1960 tại Hà Nội. Anh là con út trong gia đình có 8 người con. Phú Đôn là lớp diễn viên đầu tiên được đào tạo tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Sở hữu "gương mặt khắc khổ" cùng ngoại hình nhỏ thó, gầy gò, Phú Đôn ghi dấu ấn với khán giả qua hàng loạt vai diễn nông dân mộc mạc, khắc khổ pha chút hài hước trên sân khấu kịch, phim truyền hình và phim điện ảnh.
Trong đó, phải kể đến những vai diễn nổi tiếng một thời trong các bộ phim: Tivi về làng, Em ở nơi nao, Hai bình làm thủy điện, Đất và người...
Ở tuổi 63, dù đã nghỉ hưu, nam nghệ sĩ vẫn say sưa với nghiệp diễn. Hiện tại, anh thủ vai cụ Mão với tạo hình tóc bạc trắng trong phim Không ngại cưới, chỉ cần một lý do và một vai thứ chính trong phim kinh dị Tết ở làng địa ngục sắp lên sóng.
Nói về những vai diễn mới của mình, anh hài hước: "Người ta vào vai mới thì đi làm trẻ, làm đẹp. Còn mình vẫn giữ truyền thống là làm già, làm xấu".
Ngoài đời, NSƯT Phú Đôn giản dị hệt những vai diễn của anh trên phim ảnh: không chải chuốt, không xe sang, không quần âu áo sơ mi hay giày dép bóng lộn. Anh bảo, bà xã yêu mình vì lẽ đó - vì sự giản dị, mộc mạc và tự nhiên... Dù lấy vợ kém 25 tuổi nhưng anh cũng chẳng phải làm gì cho khác hay thay đổi bản tính của mình cả.
Hôn nhân bền chặt 2 thập kỷ với vợ kém 25 tuổi
Anh có buồn không khi ở tuổi của anh nhiều người đã lên chức ông, chức bà, sau khi nghỉ hưu thì an nhàn còn NSƯT Phú Đôn vẫn còn vất vả?
- Mỗi người một cuộc sống riêng, tôi không bao giờ so sánh mình với người khác. Ai sướng hơn thì mình mừng cho họ.
Còn cuộc sống gia đình tôi hiện tại còn nhiều khó khăn, nói để hưởng thụ hay an nhàn còn xa vời lắm vì hai con tôi vẫn còn trong tuổi ăn tuổi học.
Nhưng tôi chẳng vì thế mà buồn hay tủi. Cuộc sống mà, ai chẳng có lúc vất vả, khi sướng vui.
Bình thường, cuộc sống vợ chồng không tránh khỏi "cơm không lành canh chẳng ngọt", anh và vợ lại chênh lệch đến 25 tuổi, có khi nào giữa anh và bà xã xảy ra mâu thuẫn, cãi vã đến mức muốn chia tay?
- Nói có lẽ chẳng ai tin, chúng tôi sống với nhau đến nay là 20 năm rồi nhưng chưa bao giờ cãi vã to tiếng hay mâu thuẫn gì cả.
Vợ kém hơn tôi 25 tuổi nhưng rất trưởng thành và chín chắn, còn tôi cũng chẳng phải làm gì cho khác bản tính của mình cả. Vợ tôi yêu tôi vì thế, vì sự giản dị. Tính tôi thích sự tự nhiên, không gò ép.
Nhiều người cứ hỏi tôi: "Bí quyết gì để cuộc sống ấm êm khi hơn vợ 25 tuổi?". Thú thật, tôi cũng chẳng có bí quyết hay chiêu gì cho riêng mình.
Tôi nghĩ, điều quan trọng là yêu thương và hết mình vì gia đình. Phải thông cảm, thấu hiểu và tin tưởng nhau.
Còn anh thì sao, trở về với gia đình, anh có hỗ trợ vợ công việc nhà hay quan niệm đó là việc của phụ nữ?
- Có thể bạn không biết, ở Hà Nội, con trai Thụy Khuê nổi tiếng rất khéo tay nên việc nhà gần như ai cũng làm được. Tôi cũng không phải ngoại lệ nhé!
Tôi không nề hà việc gì: từ nấu cơm, lau nhà đến giặt giũ quần áo giúp vợ. Đó là sự công bằng và san sẻ với nhau trong cuộc sống hôn nhân.
Lấy vợ ít hơn tuổi anh có vất vả hay mệt trong khoản chiều chuộng?
- Ngược lại, vợ tôi lại là người sống rất giản dị, giản dị một cách tối đa và không đòi hỏi gì. Cô ấy là người chăm sóc, yêu thương và chiều chồng con hết mực.
Trước đây, vào những ngày lễ, tôi vẫn thường tặng quà cho bà xã nhưng bây giờ thì ít hơn hẳn, vì mua gì cô ấy cũng không thích, cô ấy cũng không quan trọng những giá trị vật chất đó.
Khi trò chuyện với NSƯT Phú Đôn, tôi thấy anh là người chất phác, hiền lành và hài hước khác hẳn với biệt danh mọi người vẫn đặt cho anh là "Đôn đanh đá", "Đôn khoai ngứa"?
- Thật ra, nghệ sĩ thường hay nhạy cảm, nhất là khi mình góp ý với họ về cách diễn trước mặt đám đông, mà tôi nói thật, không khéo trong cách nói chuyện nên những biệt danh "Đôn đanh đá" hay "Đôn khoai ngứa" cũng xuất phát từ đó.
Ngoài đời, tôi chất phác, hài hước thật đấy nhưng không hiền lành chút nào (cười). Chẳng qua là chuyện gì nên phản ứng chuyện gì không, điều gì nên nói điều gì không nên nói mà thôi.
Với NSƯT Phú Đôn, hạnh phúc ở tuổi 63 là gì?
- Mỗi người có một quan niệm khác nhau về hạnh phúc. Người hạnh phúc vì có nhà đẹp xe sang. Người lại xem sự nghiệp thành công, rực rỡ hoặc con cái đề huề là hạnh phúc.
Với tôi, hạnh phúc hiện tại là có vợ trẻ nhưng luôn thông cảm cho công việc diễn xuất của mình, chưa bao giờ cô ấy phàn nàn, là có con ngoan đủ nếp đủ tẻ, cuộc sống dẫu chẳng giàu có gì nhưng vẫn sung túc, ấm no, bình yên và vui vẻ.
Tự hào với thương hiệu "người đàn ông khắc khổ nhất màn ảnh"
Nhắc đến NSƯT Phú Đôn, đến nay, khán giả vẫn gọi anh với danh xưng "người đàn ông khổ nhất màn ảnh Việt", anh nghĩ sao?
- Mỗi người được ông trời phú cho một hình hài, diện mạo, tướng tá… khác nhau. Tạo hóa đã cho tôi một ngoại hình khắc khổ, nhỏ thó, gầy gò. Với nhiều người có thể nghĩ đó là bất lợi vì không bao giờ được nhận vai chính, soái ca hay anh hùng, nhưng tôi lại chẳng bao giờ buồn, chạnh lòng hay thấy thiệt thòi vì điều đó cả.
Trái lại, tôi thấy tự hào và xem đó là thương hiệu của Phú Đôn (cười). Cuộc sống trong tác phẩm, có người đẹp người xấu về ngoại hình, vì sao không lấy cái xấu, cái nhược điểm của mình làm thế mạnh - điều này tôi học được ở thế hệ đi trước. Biến khuyết điểm trở thành lợi thế và cố gắng khai thác "lợi thế riêng" đó trong nghề nghiệp của mình.
Bởi ở sân khấu, phim truyền hình hay điện ảnh chắc chẳng có ai cạnh tranh được với tôi ở khía cạnh đó cả vì không ai có được khuôn mặt khắc khổ như tôi.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, nhưng sao anh hóa thân vào vai những người nông dân xuất sắc đến vậy?
- Không biết có phải vì đã từng có những tháng ngày sơ tán về nông thôn, được những người nông dân cưu mang, yêu thương hay không mà tôi luôn quý trọng những người nông dân.
Tôi yêu tính cách hồn nhiên, chất phác, quý người của họ. Mỗi lần đóng phim ở nông thôn là anh như được ở nhà mình bởi những tình cảm nồng hậu của bà con đối với nghệ sĩ.
Khán giả còn nhớ tới NSƯT Phú Đôn với những vai hài đã làm nên thương hiệu riêng của anh, dù ra đời cả hơn chục năm qua như anh Liên trong "Bỏ vợ", Xuân Cồ trong "Xuân Cồ - người hòa giải"… Anh cũng là một nghệ sĩ hài có mặt thường xuyên trong chương trình "Gặp nhau cuối tuần"? Nhiều người nhận xét, Phú Đôn diễn hài duyên, tự nhiên như hơi thở, không cần phải chuẩn bị gì nhiều. Với anh, diễn hài có thật sự dễ?
- Tôi cảm ơn những ưu ái và lời khen đó của khán giả đã dành cho mình. Nhưng nói thật, với tôi, diễn hài khó vô cùng. Ngay từ ngày còn học, các thầy cô đã dạy rằng: "Mười diễn viên thì 9 người có thể làm cho khán giả khóc nhưng chỉ một vài người là làm được cho khán giả cười".
Tôi quan niệm, với mỗi cảnh quay, diễn viên hài phải làm cho khán giả cười chứ không phải cho bạn diễn hay chính anh ta cười. Và quan trọng nhất, phải "thật" đến tận cùng mới "hài" được.
Tạo hình của NSƯT Phú Đôn trong phim "Tết ở làng địa ngục" sắp lên sóng (trái) và cụ Mão phim "Không ngại cưới, chỉ cần một lý do" (Ảnh: Đoàn phim, VTV).
Kỷ niệm anh nhớ và ấn tượng khi đóng hài?
- Tôi vẫn nhớ như in khi quay phim Xuân Cồ - người hòa giải, tôi lùa vịt hăng đến mức mệt quá ngã vật ra ngất khiến cả đoàn một phen nháo nhác.
Những vai diễn hài của tôi khá đa dạng, có khi là anh chàng lom dom sợ vợ, có khi là anh ít học nhưng gia trưởng, hợm hĩnh…
Và, cứ mỗi khi một bộ phim mới ra đời, tôi lại có được hạnh phúc là khán giả gọi bằng một cái tên mới. Đó cũng là niềm vui của người nghệ sĩ.
Hơn 4 thập kỷ gắn với nghệ thuật, đến nay, vai diễn nào anh tâm đắc nhất?
- Không biết tôi có tham lam không, nhưng với tôi, trong nghệ thuật không có vai diễn nào là đỉnh cao hay khiến mình tâm đắc nhất cả.
Mình chưa lên được thì còn ý chí, còn khát khao, nhưng một khi đã lên được rồi chắc chắn là hết, làm nghề không còn cảm xúc nữa.
Có thể khi về già, diễn sẽ đuối đi so với 5 - 10 năm về trước - điều này trăm sự nhờ khán giả chứ bản thân mình tự đánh giá thì buồn cười lắm nhưng với tôi, chưa bao giờ có khái niệm "ổn", "hài lòng" với mỗi vai diễn.
Mỗi lần xem lại tôi đều nghĩ, nếu được làm lại sẽ làm tốt hơn. Với nghiệp diễn, tôi không có gì sẵn cả nên để bằng người khác thì tôi phải lao động gấp nhiều lần người khác thôi.
Vai chính, vai phụ, vai sang, vai hèn với tôi không quan trọng, tôi quan tâm là đạo diễn muốn gửi gắm điều gì vào vai diễn đó.
Tôi quan niệm, dù chỉ là vai diễn xuất hiện trong 5 - 7 phút nhưng cũng phải làm cho khán giả ấn tượng và ghi lại dấu ấn. Đương nhiên, đó là mong muốn và làm được hay không phụ thuộc vào nhiều thứ nữa.
Hơn 40 năm gắn bó với nghiệp diễn nhưng đến nay, anh cũng chỉ nhận được danh hiệu NSƯT, anh có cảm thấy buồn?
- Thật lòng, tôi không quan trọng hay đặt nặng suy nghĩ về danh hiệu NSƯT hay NSND đâu. Ra đường, gặp 20 người thì cả 20 người đều nhận và nhớ ra mình là Phú Đôn, khán giả yêu mến, người cùng nghề tôn trọng… vậy là vui lắm rồi.
Cũng như trong cuộc sống, thấy đủ là đủ thôi!
(Theo Dân Trí)