Vẻ đẹp Tây Bắc và sự tích tình yêu của nàng Ban và chàng Khum là nguồn cảm hứng cho BST thời trang "Tơ hồng" của NTK Thủy Nguyễn. Trong đó, sợi chỉ hồng thêu trên chiếc khăn Piêu làm nhân vật trung tâm.
Được dệt từ vải bông rồi nhuộm chàm, chiếc khăn Piêu thể hiện sự khéo léo, trình độ thẩm mỹ và trí tưởng tượng của người con gái Thái, mang tâm tình riêng của các thiếu nữ độ qua các chi tiết thêu hoa văn sai peng sặc sỡ, tinh xảo. 
Chủ đề sợi chỉ hồng cũng được thể hiện xuyên suốt trong các thiết kế cách tân từ trang phục của phụ nữ dân tộc Thái, như xửa cỏm (áo ngắn bó sát người có hàng khuy dọc chiều dài áo), xỉn (váy), xải cỏm (thắt lưng),... vừa ấn tượng và đương đại. 
Những họa tiết cách điệu như hoa ban, hươu sao, ngôi sao 8 cánh, đôi chim, ... đều được lựa chọn và phát triển từ hình ảnh quen thuộc trên vải thổ cẩm của phụ nữ dân tộc Thái.
Sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên thể hiện rõ nét nhất ở các màu sắc chủ đạo, gồm các sắc độ xanh dương và xanh lá, tựa hồ như non nước trùng điệp và trời mây sóng biếc.
Xanh dương và xanh lá cũng là hai màu sắc nổi bật thường xuyên được sử dụng trong các trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Thái.
Điểm xuyết giữa những mảng xanh là các sắc hồng và tím từ đậm tới nhạt, như lúc nữ tính, ngọt ngào của cảm xúc vừa chớm, khi lại đằm thắm, mặn mà.
Màu vàng và cam tạo thêm sắc thái tươi tắn, rạng rỡ như những cánh đồng hoa, tươi tắn cho con người thêm phấn chấn.
BST được xử lý kỹ thuật đa dạng từ đính kết hạt nhỏ tỏa đều đến thêu tape thổ cẩm trên nền mẫu in là các hoa văn cách điệu từ họa tiết dân tộc vùng Tây Bắc, phối nhịp nhàng giữa màu sắc và hình khối. 
Từng chi tiết nhỏ đều được chăm chút cầu kỳ, tinh tế và riêng biệt trên các thiết kế, qua đó cho thấy dấu ấn nghệ nhân trên các trang phục mang màu sắc dân tộc.
Các đường nét đan xen giữa cứng cáp của thổ cẩm, gấm,...và bồng bềnh của ren, satin, ...giúp người xem mường tượng về sự e ấp, kín đáo, pha lẫn chút phóng khoáng, mãnh liệt về cảm xúc của người con gái nơi đây. 

Đ.N