Gặp chị Trần Thị Hồng Nhung (SN 1992) khi đang bận rộn trang trí những chiếc bánh vừa "ra lò", chị nói, quê chị ở xứ lụa Mã Châu (thôn Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).
Vẻ khiêm tốn, chị nhận bản thân sinh ra không được may mắn vì bị khuyết tật trật xương chậu bẩm sinh. Đôi chân chị không bằng nhau, cách nhau 5cm nên đi lại khó khăn...
Vượt lên số phận
Bỏ qua những nhận xét kém duyên từ ít người thiếu đồng cảm, chị Nhung quyết tâm học và đậu vào Trường ĐH Tài chính - Marketing ngành Quản trị kinh doanh quốc tế, vào năm 2009.
“Kết thúc 4 năm ĐH, sự tự ti về bản thân vẫn còn, tôi muốn tiếp tục con đường học nên quyết tâm học văn bằng 2 tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.
Lúc này, tôi học hệ vừa học vừa làm. Ban ngày làm nhân viên shop hoa, tối đến cắp sách đến trường để chạm tay vào tấm bằng thứ 2”, chị Nhung tâm sự.
Làm shop hoa được 2 năm, đến 2015, học xong văn bằng 2, chị Nhung cùng bạn khởi nghiệp bằng việc mở riêng shop hoa trang trí cưới. Tưởng rằng đó là thời điểm mở đầu cho cuộc khởi sinh mới, ngờ đâu shop hoa của chị thất bại - đây cũng là lúc chị quen với người chồng sau này.
Từ trắng tay tới "bà chủ"
Năm 2016, tay trắng về quê, chị quyết tâm làm lại từ đầu, chị Nhung rẽ hướng sang làm bánh rau câu.
“Lúc này bố đầu tư cho mình 500.000 nghìn đồng, đến TP Đà Nẵng học một khóa làm bánh rau câu 3 ngày. Học xong về mình làm bán online từng chiếc bánh một”, chị Nhung nhớ lại.
Quá trình gian nan bắt đầu từ những ngày đầu, những mẻ rau câu phải làm đi làm lại nhiều lần, cũng qua nhiều thất bại mới có được thành công.
May mắn mỉm cười đến với chị, chất lượng bánh ngon, lạ, được khách hàng ưa chuộng nên mỗi ngày có thu nhập khá. Mỗi tháng trừ chi phí lãi khoảng 50 triệu đồng.
Đến nay, tiệm bánh của chị không chỉ tấp nập khách ra vào, chị còn đầu tư thêm cửa hàng, tạo công ăn việc làm cho người thân trong gia đình. Đến năm 2019, chị mở một cửa hàng bánh ngay tại nhà của mình để phát triển thương hiệu.