Bỏ việc công sở, mở quán bán trà sữa
Từ nhỏ, chị Lương Thy Hương (hiện 36 tuổi, quê Đắk Lắk) đã mơ ước trở thành cô giáo dạy Văn. Để theo đuổi đam mê, chị rời quê ra Hà Nội học ngành sư phạm.
Ngoài giờ học, chị Hương nhận làm gia sư, nhân viên phục vụ. Chính thời gian bươn chải này đã giúp chị thêm rắn rỏi và dễ dàng thích nghi với khó khăn.
Ra trường, chị đi dạy được 1 năm thì chuyển qua làm biên tập viên tại một trang báo điện tử tại Đắk Lắk. Làm công việc không đúng chuyên môn, chị gặp rất nhiều khó khăn. Vì đồng lương biên tập ít ỏi nên chị làm thêm gia sư vào buổi tối.
Cuối năm 2014, chị chuyển công tác ra Hà Nội. Dù mức lương biên tập viên ở chỗ làm mới cao hơn nhưng chị vẫn phải chi tiêu khéo léo mới đủ sống.
Sau khi kết hôn, chị mang thai nên phát sinh nhiều chi phí. Ngoài thời gian làm văn phòng, chị bán hàng qua mạng. Có ngày, chị vác bụng bầu vượt mặt đi giao hàng đến nửa đêm.
Năm 2015, chị được chồng đưa về nhà mẹ ở cữ, rồi quyết định lập nghiệp tại Đắk Lắk. Tuy nhiên, ở đây không có nhiều cơ hội việc làm. Vợ chồng chị không có vốn liếng, con lại còn nhỏ.
Dù vậy, chị Hương không nản chí. Đúng lúc đó, em gái gợi ý chị mở quán bán trà sữa và đồ ăn vặt. Chị bày tỏ mong muốn này với bố nhưng ông không đồng ý. Ông buồn và chạnh lòng khi hàng xóm, họ hàng đàm tiếu.
“Mọi người gièm pha, nói bố tôi đầu tư cho con gái học trường nọ trường kia, rồi lấy chồng Hà Nội. Cuối cùng, vợ chồng con gái lại dắt díu về quê bán trà sữa.
Tôi buồn lòng nhưng mặc kệ, ai muốn nói gì cứ nói. Lúc đó, tôi bị dồn vào bước đường cùng nên việc gì tôi cũng làm, miễn là lương thiện”, chị Hương chia sẻ.
Chị bắt đầu mở quán trà sữa với 5 triệu đồng trong tay. Số tiền này dùng để thuê nhà, mua sơn và hình dán để trang trí quán. Chồng và em trai chị đến các tiệm sửa xe xin lốp về chà rửa, sơn lại và ốp mặt gỗ làm bàn.
Mỗi đồng tiền chi ra, chị đều tính toán kỹ lưỡng. Bởi vốn đầu tư cho quán là xén vào tiền mua bỉm, sữa, tiêm vắc-xin của con.
Chị chưa từng được đi học nghề pha chế, chế biến đồ ăn vặt. Những công thức trà sữa, trà trái cây, đồ ăn vặt của quán đều do chị tự học hỏi, sáng tạo.
Xây nhà tặng bố mẹ, góp vốn giúp chồng mở xưởng
Sau vài tháng mở bán, quán trà sữa của chị Hương dần đông khách. Chị phải mở rộng quán và trang bị thêm bàn ghế. Thậm chí, nhiều người tìm đến quán, mong chị dạy nghề.
“Tôi chưa bao giờ quên đam mê với ngành sư phạm. Vì vậy, tôi quyết định tiến sâu hơn, trau dồi thêm kỹ năng để dạy nghề.
Tháng 9/2019, tôi mở một trung tâm đào tạo nghề và dạy nấu đồ ăn vặt tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk”, chị Hương chia sẻ.
Không lâu sau, vợ chồng chị chuyển hẳn về Hà Nội để gần gia đình chồng. Tuy vậy, chị vẫn theo đuổi công việc dạy nghề và kinh doanh qua mạng.
Sau gần 6 năm xây dựng thương hiệu cá nhân, chị có hàng nghìn học viên trong và ngoài nước. Công việc này không chỉ giúp chị đổi đời mà còn tạo cơ hội việc làm cho nhiều học viên.
Năm 2022, vợ chồng chị xây tặng bố mẹ căn nhà trị giá hơn 1 tỷ đồng ở Đắk Lắk.
Ngoài ra, chị còn giúp đỡ em trai có việc làm ổn định, mua đất, hỗ trợ vốn cho em gái kinh doanh…
Hiện tại, nhờ có nguồn thu nhập ổn định, chị yên tâm cho 3 con học trường quốc tế, hỗ trợ chồng mở xưởng nội thất.
Mọi lời gièm pha trước đây bị bỏ lại phía sau, những thành quả mà vợ chồng chị gây dựng ngày càng lớn.
Với chị Hương, mỗi người sẽ phải trải qua những bước ngoặt của cuộc đời. Những thử thách của cuộc sống là cơ hội để mỗi người nhận ra bản thân có thể làm được tốt hơn so với suy nghĩ của mình.
Chị Hương hy vọng, câu chuyện của mình sẽ truyền động lực, tự tin và lạc quan đến các anh chị, bạn trẻ đang trăn trở về nghề hoặc rơi vào bế tắc.
Dù làm bất cứ công việc gì, nếu quyết tâm, không ngừng học hỏi và giữ đúng lương tâm nghề nghiệp thì chắc chắn sẽ gặt hái được quả ngọt.
Ảnh: Nhân vật cung cấp