Chị Hoàng Thúy Anh (Anh Hwang, sinh sống tại thành phố Dallas, bang Texas, Mỹ) đã đặt chân tới 92 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Dù có dày dặn kinh nghiệm du lịch, nhưng chị Thúy Anh vẫn từng là nạn nhân của những vụ giật, cướp đồ tại châu Âu. "Thực sự nhiều đối tượng trộm cướp tại châu Âu rất tinh vi và cũng manh động. Du khách chỉ cần lơ là một chút là có thể trở thành nạn nhân. Sau dịch Covid-19, dường như tệ nạn trộm cướp còn xuất hiện nhiều hơn rất nhiều", chị Thúy Anh cho biết.
Lần mới đây nhất chị Thúy Anh gặp cướp là tại nhà ga Zermatt, Thụy Sĩ hồi tháng 1/2022. Thụy Sĩ vốn nổi tiếng là quốc gia an toàn nên khi chị Thúy Anh chia sẻ thông tin bị giật đồ, nhiều người bán tín bán nghi.
Khi đó, chị Thúy Anh và người chị họ di chuyển bằng tàu từ Strasbourg (Pháp) tới Zermatt (Thụy Sĩ) du lịch. Thời điểm này, các hoạt động kiểm tra để phòng chống Covid-19 vẫn còn rất nghiêm ngặt nhưng lượng du khách tới Zermatt vẫn đông đúc.
Khi tàu đang di chuyển, cảnh sát biên phòng đến kiểm tra chứng nhận Covid-19 của hành khách. Chị Thúy Anh khá bất ngờ khi liên tục bị cảnh sát tra hỏi có buôn thuốc lá hay không. Dù hai chị em khẳng định không buôn thuốc lá, cảnh sát vẫn yêu cầu họ mở vali để kiểm tra. "Mặc dù không hài lòng nhưng mình vẫn phối hợp thực hiện, mở vali để cảnh sát kiểm tra. Trong vali là rất nhiều quần áo, túi xách hàng hiệu khiến nhiều người xung quanh chú ý. Thậm chí cảnh sát còn yêu cầu xem bóp tiền, bắt mình đếm tiền xem có nhiều hơn 10.000USD hay không. Thực sự yêu cầu này rất nguy hiểm cho mình", chị Thúy Anh bức xúc kể lại.
Tàu cập nhà ga, chị em chị Thúy Anh vội vã mang 4 vali hành lý rời tàu. Thời tiết rất lạnh nên những du khách khác ai cũng hối hả. Khi chị Thúy Anh vừa bước ra khỏi tàu, hai cô gái lạ bất ngờ đi chen giữa chị và chị gái, chủ đích tách hai người rời khỏi nhau. Một trong số đó cầm áo khoác, cố tình giơ cao để che khuất tầm nhìn của chị Thúy Anh. Vốn có kinh nghiệm, chị nhận ra bất thường nên hét lớn để chị gái biết đường đề phòng. Ngay lúc đó, một đối tượng nhanh tay giật balo của người chị. "Thật may do mình lớn tiếng cạnh báo, chị mình kịp giữ balo lại. Giữa nơi công cộng mà dường như chúng không hề biết sợ, lộng hành quá sức", chị Thúy Anh cho biết.
"Có thể các đối tượng đã quan sát thấy mình có nhiều đồ hàng hiệu. Khu vực đó là nhà ga cuối nên ai cũng vội vã rời đi, chúng biết chắc nếu mình có hét lên thì cũng không mấy ai để ý hay giúp đỡ", chị Thúy Anh cho biết.
Năm 2015, chị Thúy Anh cũng từng gặp sự cố tương tự tại Vienna, Áo. Thời điểm đó, khi chị và chị gái đang đi bộ về khách sạn, một nhóm người đi ngang rồi bất thình lình giật túi xách của người chị gái. May mắn thay, người chị kịp giữ chiếc túi. Chị Thúy Anh la lớn "Cướp, cướp!" và chạy theo đám người kia. "Bất ngờ có 4 người phụ nữ dàn hàng ngang trước mặt mình, cũng giơ áo khoác lên để che khuất tầm nhìn, còn đối tượng cướp túi thì nhanh chóng thay áo để mình không còn phân biệt được ai với ai", chị Thúy Anh kể lại.
Không may mắn như hai lần kể trên, hồi năm 2011, chị Thúy Anh bị giật túi xách với nhiều đồ giá trị tại Venice, Ý. Sáng hôm đó, chị Thúy Anh cùng bạn học cũ rời khách sạn, di chuyển ra trạm xe lửa để tới Florence. Khi vừa tới nhà ghi, hai người đàn ông lạ mặt, đôi mắt láo liên tiến đến đòi xách đồ giúp cho chị Thúy Anh. Nhìn thấy gương mặt khá gian xảo, chị một mực từ chối và xách hành lý đi thẳng. Tuy nhiên, hai kẻ lạ mặt vẫn bám theo sau, liên tục làm phiền. Lúc chị Thúy Anh loay hoay chuyển đồ lên xe lửa, hai tên lạ mặt trắng trợn lao tới, giật túi xách của chị rồi chạy biến mất vào đám đông. Chị Thúy Anh hoảng hốt, không kịp kêu lên đã thấy chúng mất tích.
Ngay sau đó, chị Thúy Anh tìm đến cảnh sát địa phương trình bày vụ việc, mong muốn được xem lại camera để tìm kiếm chiếc túi với nhiều đồ đạc quan trọng. Tuy nhiên, cảnh sát một mực tìm cách từ chối. Họ cho biết, hệ thống camera chỉ phục vụ cho những "sự việc quan trọng quốc gia".
"Mình cảm thấy rất khó hiểu trước sự thờ ơ, vô cảm của cảnh sát địa phương. Sau sự việc ấy thực sự mình luôn cảm thấy lo lắng. Hai chị em đi tàu thậm chí không dám ngủ hoặc một người chợp mắt, một người thức, căng mắt trông đồ", chị Thúy Anh kể.
Chị Thúy Anh cho biết, để tránh nạn trộm, cướp, một số du khách thường mặc đồ đơn giản, ít gây chú ý. Tuy nhiên, bản thân chị làm trong ngành thời trang nên luôn chú trọng trang phục, phụ kiện khi đi du lịch. "Dù ba lần bị cướp, giật nhưng mình cũng không thể từ bỏ thói quen ăn mặc đẹp, dùng túi xách đẹp, sử dụng hàng hiệu khi đi chơi, du lịch. Đây vốn là thời gian để mình giải tỏa căng thẳng, thoải mái thể hiện gu thẩm mỹ và tạo niềm vui trong mỗi chuyến đi", chị Thúy Anh cho biết.
"Tuy nhiên, mình cố gắng bảo vệ bản thân bằng cách chú ý quan sát xung quanh, không lơ là, chủ quan, hạn chế sử dụng phương tiện công cộng, thay vào đó là đi taxi", chị Thúy Anh nói thêm.
Khi chia sẻ những sự cố bản thân gặp phải, chị Thúy Anh hy vọng du khách khi tới du lịch châu Âu luôn thận trọng, không nên lơ là cảnh giác.