Đào Lê Trang Anh sinh năm 1990 tại Nam Định và lớn lên tại Hà Nội.
Đào Lê Trang Anh từng là giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh: NVCC |
“Lớn lên trong gia đình bố mẹ đều làm trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng, mình có một hiểu biết nhất định về ngành, cảm thấy yêu thích với việc phân tích các con số nên muốn đi sâu học hỏi và tìm hiểu lĩnh vực này”, Trang Anh chia sẻ.
Vì vậy năm 18 tuổi, Trang Anh quyết định học chuyên ngành Tài chính, chương trình Tiên tiến ở Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Nhớ về thời đại học, Trang Anh cho biết ấn tượng nhất là khoảng thời gian tham gia nhóm thuyết trình và cùng đội tuyển SIFE (Students in Free Enterprises) Trường ĐH Kinh tế quốc dân giành giải vô địch toàn quốc và tham dự cuộc thi SIFE thế giới tại Los Angeles, Hoa Kỳ năm 2020.
“Vào năm thứ 3, thứ 4 đại học, mình bắt đầu làm thực tập sinh cho hai công ty nước ngoài trong lĩnh vực Tài chính để vừa học hỏi kiến thức chuyên môn vừa nâng cao kỹ năng mềm trong môi trường làm việc chuyên nghiệp. Đồng thời, mình cũng chuẩn bị hồ xin học bổng du học thạc sĩ để mở mang kiến thức”.
Năm 2012, Trang Anh là 1 trong 4 đại biểu của Việt Nam tham dự chương trình Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Hitachi 2012, cùng với 24 đại biểu được lựa chọn từ 6 quốc gia châu Á khác, trải qua các hội thảo chuyên sâu và nêu ý tưởng về chủ đề: “Giai đoạn mới cho châu Á - Góc nhìn châu Á về quản lý phát triển bền vững và hội nhập kinh tế”.
Với nhiều học bổng và thành tích cao sau 4 năm học, Trang Anh tốt nghiệp xuất sắc năm 2012 và được giữ lại làm giảng viên của trường.
“Sau khi tốt nghiệp đại học mình quyết định lên đường du học thạc sĩ tại Anh ngành Tài chính và trở về giảng dạy tại Viện Ngân hàng – Tài chính, ĐH Kinh tế quốc dân. Nhưng vì vẫn mong muốn được nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa, mình tiếp tục lên kế hoạch học tiến sĩ”, Trang Anh nói.
Đi để trở về
Hai vợ chồng Trang Anh cùng tốt nghiệp Tiến sĩ tại New Zealand và sắp trở lại Việt Nam để làm việc. Ảnh: NVCC |
Năm 2018, Trang Anh bắt đầu hoàn thiện và gửi hồ sơ tới 3 trường xin học bổng tiến sĩ.
“Thời điểm đó mình vẫn đi làm và con còn nhỏ (dưới một tuổi) nên không có nhiều thời gian chuẩn bị nhiều hồ sơ. Thay vì nộp nhiều, mình tập trung đầu tư cho từng hồ sơ để nhận được kết quả tốt nhất”.
Trang Anh đã chuẩn bị bản sơ yếu lý lịch cá nhân, thư giới thiệu bản thân, bản đề xuất nghiên cứu, toàn bộ bằng tốt nghiệp, bảng điểm và các minh chứng về thành tích đạt được. Theo Trang Anh, phần quan trọng nhất chính là bản đề xuất nghiên cứu. Thông qua bản đề xuất nghiên cứu, trường sẽ đánh giá được định hướng nghiên cứu, năng lực nghiên cứu và phân tích vấn đề của ứng viên.
Bên cạnh đó, để tạo ấn tượng, sơ yếu lý lịch với các thành tích đạt được trước đó cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng.
“Tỷ lệ chọi để nhận được học bổng toàn phần là cực kỳ cao, vì vậy ứng viên cần chứng minh được những tố chất và khả năng xuất sắc của bản thân. Một ứng viên có sơ yếu lý lịch tốt sẽ thể hiện là ứng viên có sự nỗ lực không ngừng, một yêu cầu không thể thiếu đối với bất kỳ nghiên cứu sinh tiến sĩ nào”.
Kết quả, Trang Anh được cả ba trường nhận, trong đó có hai trường cấp học bổng toàn phần.
Đào Lê Trang Anh trong Lễ tốt nghiệp ở Đại học Lincoln. Ảnh: NVCC |
Vì 2 vợ chồng đều có ý định học tiến sĩ, lại có con nhỏ, nên chị quyết định chọn ĐH Lincoln với học bổng toàn phần học phí và chi phí sinh hoạt khoảng 2 tỷ đồng. Trường nằm trong top xếp hạng cao về chất lượng giáo dục, không gian trong lành, bình yên, gần gũi với tự nhiên.
Đề tài nghiên cứu của Trang Anh là “Hiệu quả sinh lợi và hiệu quả thị trường của các doanh nghiệp chế biến chế tạo (CBCT) trong khu vực ASEAN”.
“Mình thu thập dữ liệu của 6 quốc gia trong khối ASEAN bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Kết quả thu được cho thấy các doanh nghiệp CBCT của Indonesia và Singapore dẫn đầu về hiệu quả sinh lợi và hiệu quả thị trường trong khu vực, theo sau đó là các quốc gia khác. Nghiên cứu của mình cũng đưa ra những giải thích về sự khác biệt đó và đã đăng tải được 2 bài báo quốc tế ”.
Nhìn lại hành trình nghiên cứu của mình, Trang Anh cho rằng trải qua không ít khó khăn như việc tìm dữ liệu nghiên cứu, vừa làm việc vừa chăm con nhỏ. Thậm chí phải đổi đề tài sau khi đã bảo vệ đề cương nghiên cứu.
“Nhờ sự động viên của giáo sư hướng dẫn, mình đã lấy lại bình tĩnh và tìm được đề tài nghiên cứu mới, kết thúc chương trình tiến sĩ đúng hạn. Chính kiến thức chuyên sâu và sự say mê khoa học của thầy đã truyền cảm hứng, thúc đẩy mình luôn phải phấn đấu hơn nữa để đạt được những mục tiêu cao hơn trong công việc và cuộc sống”, Trang Anh chia sẻ.
Kết thúc chương trình, Trang Anh được khen thưởng cho luận án tiến sĩ xuất sắc của khoa và vinh dự được trường lựa chọn là người đại diện rước hòn đá xanh Pounamu (hòn đá xanh lâu đời mang biểu tượng giáo dục của trường) trong buổi lễ tốt nghiệp vào tháng 5/2021.
Trang Anh cho biết, chị và gia đình dự định sẽ trở về Việt Nam vào cuối năm nay để tiếp tục công việc giảng dạy, nghiên cứu.
Định hướng nghiên cứu sắp tới của chị sẽ tập trung vào so sánh và phân tích kết quả hoạt động và hành vi của các doanh nghiệp trong khối ASEAN trước, trong và sau đại dịch Covid-19.
Ngọc Linh
Từ thí sinh trượt đại học đến giáo sư Vật lý ở Mỹ
TS. Nguyễn Đông Hải chia sẻ với VietNamNet về con đường từ thí sinh thi trượt đại học đến Giáo sư Vật lý ở ĐH Tennessee Wesleyan, nước Mỹ, cũng như những suy nghĩ và trăn trở về đào tạo sinh viên sư phạm và nâng tầm giáo viên.
TS Kinh tế dạy ở Anh: Làm việc ở nước ngoài cũng là đóng góp cho đất nước
“Tôi không ngần ngại chọn ở lại Anh, không phải vì tại đây cho tôi một công việc với mức lương hấp dẫn, mà vì tôi nghĩ, mình vẫn cần thời gian tích lũy kinh nghiệm, tiền bạc trước khi quay trở về nước làm điều gì đó lớn hơn”.