Lempicka là một trong những nghệ sĩ định hình phong cách Art Deco. Ngày nay, các nhà sưu tập vẫn tranh giành tác phẩm của nữ họa sĩ người Ba Lan.
Thời trẻ xa hoa
Tamara de Lempicka (tên khai sinh là Maria Gorska) sinh ngày 16/5/1898 tại Warsaw, Ba Lan. Bà lớn lên trong một gia đình giàu có nên được nuông chiều, bố là luật sư người Nga gốc Do Thái, mẹ là nhà xã hội học Ba Lan. Bà tiếp xúc với nghệ thuật từ rất sớm và bắt đầu vẽ tranh khi mới 10 tuổi. Sau một thời gian ngắn học nội trú ở Lausanne (Thụy Sĩ), Lempicka đến sống với bà ngoại ở Italy và nảy sinh sự quan tâm với tác phẩm của các họa sĩ thời Phục hưng.
Năm 16 tuổi, Lempicka yêu và kết hôn với luật sư Ba Lan Tadeusz de Lempicka. Họ có một đám cưới xa xỉ ở St Petersburg. Cặp vợ chồng trẻ sống trong chuỗi ngày tiệc tùng, rượu sâm-panh tuôn chảy cho đến khi tình hình chính trị trở nên hỗn loạn. Người chồng bị bắt giữ và được trả tự do một thời gian sau đó. Cặp vợ chồng trẻ chuyển đến Paris (Pháp). Lempicka học nghệ thuật với Maurice Denis và André Lhote.
Tại đây, Lempicka nhanh chóng trở thành một phần của giới tiên phong ở Paris cùng với Pablo Picasso, Jean Cocteau và André Gide. Bà muốn theo đuổi phong cách sinh động, tinh khôi và thanh lịch: “Mục tiêu của tôi là tạo ra một phong cách mới, màu sắc tươi sáng, rõ ràng và cảm nhận được sự sang trọng của người mẫu”.
Vụt sáng nhờ một bức tranh
Để chuẩn bị cho cuộc triển lãm lớn đầu tiên ở Milan (Italy) vào năm 1925, Lempicka gấp rút vẽ 28 bức tranh trong suốt 6 tháng. Sự chăm chỉ của bà đã được đền đáp. Khi các tác phẩm trưng bày tại một số gallery ở châu Âu, các nhà báo phát hiện ra tài năng của Lempicka.
Nhận đề nghị của tạp chí thời trang Die Dame (Đức), Lempicka tự họa chân dung bản thân qua bức Tamara trong chiếc Bugatti màu xanh lá (1929). Tác phẩm này đã khiến nữ họa sĩ trẻ trở thành ngôi sao mới nổi.
Lempicka miêu tả mình đang lái chiếc xe đua Bugatti màu xanh lá, đội mũ bảo hiểm da, đeo găng tay dài và quấn khăn lụa. Theo Mymodernmet, trên thực tế, họa sĩ không sở hữu một chiếc Bugatti mà là một chiếc Renault nhỏ màu vàng. Nhưng dù sao bức tranh đã toát lên vẻ đẹp thần thái, tính độc lập quyết liệt và cuộc sống giàu có của bà đầu những năm 1900.
Không chỉ vậy, tác phẩm đã cứu Lempicka khỏi bị giam giữ. Giữa những năm 1930, bà sang Đức nhưng không hề hay biết cần phải có giấy phép. May mắn, một cảnh sát đã nhận ra Lempicka vì vợ anh ta yêu thích bìa tạp chí in tranh của nữ họa sĩ. Bà không bị bắt nhưng phải rời đi với án phạt và lệnh cấm nhập cảnh.
Bê bối đời tư
Trong thời gian ở Paris những năm 1920, Lempicka dính nhiều tai tiếng từ những bữa tiệc phóng túng và các mối quan hệ phức tạp.
Lối sống bê bối của Lempicka khiến người chồng không chịu nổi và quyết định ly dị vào năm 1928. Bà hiếm khi gặp đứa con duy nhất của mình, Kizette - được để lại cho bà ngoại chăm sóc. Mặc dù vậy, cô con gái vẫn là nguồn cảm hứng cho nghệ thuật của Lempicka và trở thành người mẫu trong nhiều bức tranh.
Lụi tàn và tái sinh
Lempicka kết hôn với người chồng thứ hai, Nam tước Kuffner, vào năm 1933. Năm 1939, ngay trước Thế chiến thứ hai, cặp đôi định cư tại Mỹ, đầu tiên ở Los Angeles, sau đó là Beverly Hills. Lempicka tiếp tục thành công và kiếm được tiền bằng cách vẽ chân dung nhiều ngôi sao Hollywood.
Thành công nghệ thuật của Lempicka gần như đến ngay lập tức nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Sau chiến tranh, thị hiếu thay đổi và nhu cầu về các bức chân dung Art Deco của bà giảm dần.
Cảm thấy bối rối, Lempicka bắt tay vào sáng tác tranh trừu tượng. Tuy nhiên, tác phẩm mới của bà không được đón nhận nồng nhiệt và bà ngừng triển lãm trước công chúng vào năm 1962. Bà cư trú ở Houston cùng con gái và sống những năm cuối đời ở Cuernavaca, Mexico. Bà mất năm 1980.
Một số tác phẩm của Lempicka
Các tác phẩm của Lempicka được quan tâm trở lại vào những năm 1970 sau cuộc triển lãm Tamara de Lempicka từ 1925-1935 tại Paris. Giờ đây, tác phẩm của bà được săn đón với những nhà sưu tập cuồng nhiệt như diễn viên Jack Nicholson, diễn viên - ca sĩ Barbara Streisand và ca sĩ Madonna.