Lãng mạn
Hơn 30 năm trước, nghệ sĩ Công Hậu và chuyên gia lồng tiếng Bích Ngọc là đôi bạn học cùng trường sân khấu. Thời điểm ấy, ông sớm bị hấp dẫn bởi ánh nhìn của cô bạn học xinh xắn. Trong khi đó, Bích Ngọc thích Công Hậu bởi ông có vóc dáng thư sinh và tính tình thật thà, chất phác.
Dẫu vậy, cả hai vẫn chỉ xem nhau như bạn, chưa nảy sinh tình yêu đôi lứa. Mãi đến khi tốt nghiệp, cùng trải qua khoảng thời gian thực tập đầy gian khó tại tỉnh Long An, cả hai mới yêu nhau.
Những ngày đầu đến Long An, ông bà thường cùng bạn ra bến đò, ngồi trên ghe nhìn về quê nhà với ánh mắt buồn xa xăm. Cả hai đều có cảm giác cuộc đời chông chênh, không có gì chắc chắn. Bởi lúc ấy, bạn bè chung lớp, chung trường của ông bà đều đã thành danh, có việc làm ổn định. Trong khi đó, hai người vẫn đang thực tập, sống trong cảnh bữa đói, bữa no.
Nhưng chính hoàn cảnh khó khăn ấy đã giúp ông bà tạo nên chuyện tình đẹp mà sau 32 năm, khi nhìn lại, cả hai đều nở nụ cười hạnh phúc. Tại tập 165, chương trình Tình trăm năm, nghệ sĩ Bích Ngọc kể: “Tình yêu của chúng tôi đến từ những ly sữa đậu nành.
Hồi đó, anh Hậu đẹp trai lắm. Đi đến đâu, anh cũng được bạn nữ, chị em thương mến. Cuối tháng, chưa được lãnh lương, lãnh gạo, bọn tôi rất đói. Nhưng, sáng nào anh Hậu cũng được các chị cho một ly sữa đậu nành”.
“Mỗi lần như thế, anh không uống ngay mà đem chia cho tôi một nửa. Từ những điều nhỏ nhặt ấy, tôi dần cảm nhận được tình yêu của anh dành cho mình. Một ngày nọ, trời mưa rất lớn, anh ấy nhìn tôi rồi nói: “Hậu yêu Ngọc””, bà Ngọc kể thêm.
Lời tỏ tình khiến bà Ngọc ngạc nhiên, xúc động. Dẫu vậy bà chưa vội đồng ý. Bà nhận thấy tương lai của cả hai còn mông lung. Bà cũng sợ mẹ không đồng ý vì mẹ bà nổi tiếng khắt khe.
Sau ít tháng thực tập, vì không hợp khí hậu, phải sinh sống trong điều kiện thiếu thốn, bà Ngọc sinh bệnh phải xin trở lại TP.HCM trước. Vắng người yêu, ông Hậu mất đi điểm tựa tinh thần.
Nhớ nhung khôn nguôi, ông viết thư hẹn bà ra bưu điện để được trò chuyện qua điện thoại. Lần ấy, sau khi trò chuyện đôi câu với bà Ngọc, ông bất ngờ hét lớn vào điện thoại câu: “Anh yêu em”.
Câu nói khiến bà Ngọc xốn xang. Trước tình yêu mãnh liệt của ông Hậu, bà chủ động xin mẹ được trở lại Long An bất chấp lúc này bà đang có tương lai rộng mở nơi quê nhà.
Thế nhưng sau 1 tháng trở lại Long An, bệnh về da của bà tái phát. Bà buộc phải trở lại TP.HCM. Trước khi tiễn chân người yêu, ông Hậu mượn xe đạp, chở bà đi chơi. Đó cũng là lần cả hai có nụ hôn đầu đời.
Bà Ngọc kể: “Lần đó, anh mượn xe đạp chở tôi đi dạo trong mưa lạnh. Tôi ngồi phía sau, vòng tay ra trước ôm anh ấy và cảm thấy rất ấm. Rồi hai đứa dừng lại và có nụ hôn đầu tiên”.
Hy sinh
Kết thúc thời gian thực tập, trở lại TP.HCM, việc đầu tiên ông Hậu làm là nhờ bố mẹ đến nhà, hỏi cưới bà Ngọc. Thế nhưng, ông không được mẹ người yêu đồng ý. Bà cho rằng cả hai chưa có tương lai ổn định.
Người mẹ đặt ra thử thách 3 năm cho đôi tình nhân trẻ. Sau 3 năm, nếu cả hai vẫn còn yêu nhau và tạo lập được sự nghiệp bà mới đồng ý cho kết hôn.
Yêu nhau sâu đậm, cả hai vượt qua thử thách 3 năm một cách dễ dàng. Dẫu vậy, mẹ bà Ngọc chỉ đồng ý cho hai người làm đám hỏi. Một năm sau, khi thấy cái tên Công Hậu trở nên nổi tiếng, tên tuổi được nhiều người biết đến, bà đồng ý cho hai người làm đám cưới.
Cưới nhau trong nghèo khó, đôi vợ chồng trẻ không có phòng riêng để làm phòng tân hôn. Cả hai cũng không có đêm động phòng, tuần trăng mật bởi đám cưới xong, ông Hậu lại đi diễn.
Thời điểm ấy, cái tên Công Hậu đang nổi và được nhiều đoàn phim săn đón. Ông bận bịu với công việc đến nỗi không có thời gian bên vợ. Thậm chí, đến khi bà Ngọc sinh nở, ông cũng chỉ kịp đưa bà vào bệnh viện rồi lại đi diễn.
Không có chồng bên cạnh, bà Ngọc một mình vượt cạn, chăm con. Bà cũng chấp nhận chuyện chồng không công khai việc đã kết hôn. Bà tình nguyện lùi lại phía sau, từ bỏ hào quang sân khấu lo cho gia đình để chồng tỏa sáng.
Những lúc yếu lòng vì cảm thấy không được chồng quan tâm, chăm sóc, bà cũng rơi nước mắt. Thế nhưng bà hạn chế tối đa những lời than thở và chỉ khóc một mình.
Bà luôn lau khô những giọt nước mắt và cất tất cả nỗi đau vào tim khi đứng trước mặt chồng. Bà cũng luôn cố gắng đón chồng về trong ngôi nhà tươm tất, đầy ắp tiếng cười.
Bà tâm sự: “Cũng có lúc tôi cảm thấy tủi thân. Nhưng rồi tôi chấp nhận hết vì hiểu công việc của chồng. Tôi chỉ nhắc anh ấy: “Khi bước ra khỏi phim trường, anh phải nhớ mình là người đã có vợ con”.
Thời gian ấy, anh đi diễn suốt, còn tôi ở nhà vừa chăm con vừa tất tả đi lồng tiếng phim. Dù khó khăn nhưng tôi không than phiền và luôn nghĩ một điều rằng miễn là khi trở về nhà, anh ấy vẫn yêu thương mình là được”.
Đổi lại, ông Hậu cảm nhận được những hy sinh thầm lặng của vợ. Thế nên, mỗi khi cuộc sống vợ chồng căng thẳng, ông lại chọn cách lánh mặt. Ông thường ngồi lặng một mình, suy nghĩ về những điều mình làm chưa đúng với vợ.
Bằng cách này, suốt 32 năm qua, cuộc hôn nhân của ông bà chưa từng xảy ra xung đột, cãi vã. Cuối chương trình, ông Hậu gửi cho bà Ngọc lá thư tay đầy cảm xúc.
Thư có đoạn: “Anh luôn muốn cùng em đi trên một con đường cho dù chông gai, khó khăn thế nào đi nữa. Anh luôn muốn đến già, đi không nổi thì anh vẫn là người nắm tay em, vẫn là người đi bên cạnh em…”.
Lời thư tha thiết khiến bà Ngọc xúc động. Bà chia sẻ: “Tôi cũng mong được như những gì anh ấy nói”.