“Có nhiều lúc chân tay tôi tê cứng, buốt đến tận óc, có khi khớp gối mỏi nhừ, bước không nổi, đành lết, bò lên đỉnh núi. Nhưng mỗi trải nghiệm đó đều là kỉ niệm đáng quý của cuộc đời tôi”, bà Bích Vân hạnh phúc chia sẻ với báo VietNamNet sau hành trình chinh phục 5 đỉnh núi nổi tiếng miền Bắc.

Đầu tháng 12/2021, bà Nguyễn Thị Bích Vân (58 tuổi, Gia Lai) đã bay ra Hà Nội và bắt đầu chuyến hành trình chinh phục bình minh tại 5 đỉnh núi nổi tiếng miền Bắc: Fansipan, Ngũ Chỉ Sơn, Nhìu Cồ San, Bạch Mộc Lương Tử (Kỳ Quan San) và Lảo Thẩn. 

Bà Vân lựa chọn thời điểm cuối năm để leo núi vì muốn trải nghiệm mùa đông miền Bắc, nhất là hy vọng “săn tuyết” thành công, đồng thời tỉnh Lào Cai là vùng xanh nên bà yên tâm khám phá hơn.

{keywords}

Bà Vân trên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn (Ảnh: Đặng Văn Hải)

Để không mất thời gian và công sức đi đường xa, bà Vân gửi chiếc xe máy PCX đến Sa Pa trước bằng xe tải. “Trước đây tôi sẽ lái xe máy từ quê nhà ra Sa Pa nhưng với tình hình dịch phức tạp, tôi chọn bay may báy để không di chuyển qua vùng đỏ. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn bảo toàn sức lực cho những chuyến leo núi”, bà Vân cho biết.

Trước khi đi, bà chuẩn bị nhiều bộ kit test nhanh nCoV, nước rửa tay sát khuẩn và khẩu trang để đảm bảo an toàn. Bà cũng thường xuyên vận động, tập thể dục để duy trì sức bền, sự dẻo dai.

Ngày 2/2, bà Vân có mặt tại Sa Pa (Lào Cai) thì đúng một ngày sau, khu du lịch cáp treo Fansipan mở cửa trở lại. Bà Vân và một người bạn đồng hành đăng ký trước với ban quản lý để được ngủ đêm trên đỉnh núi, vừa kịp đón hoàng hôn và bình minh.

“15h chiều, chúng tôi nhận được sự đồng ý của ban quản lý. Tôi ngay lập tức sắp xếp đồ đạc: túi ngủ, áo ấm, rồi di chuyển tới khu du lịch cáp treo Fansipan. Tôi lên chuyến cáp cuối cùng trong ngày, vừa kịp để ngắm khung cảnh hoàng hôn kì vĩ trên “Nóc nhà Đông Dương””, bà Vân chia sẻ.

 {keywords}

Bà Vân trên đỉnh Fansipan

Đêm đó, bà Vân cùng bạn đồng hành nghỉ lại tại một quán cà phê gần khu cáp treo. Nhiệt độ ban đêm hạ xuống âm 4 độ C nên dù đã mang theo túi ngủ, áo ấm nhưng tay chân bà vẫn lạnh buốt. Đêm đó, bà ngủ chập chờn, một phần do cơ thể bị lạnh, một phần do quá háo hức đón bình minh.

Sáng sớm, khi trời còn tối mù mịt, bà Vân đã chuẩn bị hành trang để leo đến đỉnh Fansipan. Tại đây, người phụ nữ U60 phất lá cờ đỏ sao vàng đúng khoảnh khắc mặt trời ló rạng.

“Bình minh trên đỉnh Fansipan đẹp vô cùng. Tôi ngẩn ngơ trước vẻ đẹp nơi đây. Nhưng thời tiết cũng rất lạnh nên tôi không thể đứng yên, phải nhảy lên nhảy xuống, chạy xung quanh liên tục để làm ấm cơ thể”, bà Vân cho biết. Ngay sau khi đón bình minh, bà lại nhanh chóng di chuyển xuống núi, dành thời gian để ghé thăm những vườn mai anh đào tại Sa Pa.

 {keywords}

Bà Vân từng chinh phục các tỉnh Tây Bắc vào tháng 9/2020. Thời điểm đó, thời tiết tại khu vực này khá ổn định, không có diễn biến thất thường như chuyến đi vừa qua: nhiệt độ thấp, nhiều sương mù, có khi mưa đá…

Trước khi leo núi, bà Vân thường xem dự báo thời tiết để chọn những ngày nắng ấm áp, trời quang. Nhưng đôi khi, “người tính không bằng trời tính”...

 {keywords}

Bà Vân lái xe vào thăm các bản làng tại Sa Pa

{keywords}

(Ảnh: Đặng Văn Hải)

Ngày 7/12, bà Vân chinh phục đỉnh Ngũ Chỉ Sơn. Núi Ngũ Chỉ Sơn cao 2858m, được xem là đệ nhất hùng sơn của Tây Bắc, nằm ở xã Tả Giàng Phình, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Chuyến đi 2 ngày 1 đêm chinh phục địa điểm này diễn ra khá suôn sẻ bởi thời tiết đẹp, thuận lợi.

Theo bà Vân, nhìn từ xa, 5 ngọn núi nằm sát nhau như năm ngón tay xòe thẳng lên trời trông sừng sững, hùng vĩ và bí ẩn. Để chinh phục đỉnh núi cao nhất, bà Vân và người dẫn đường - gùi đồ (porters) phải vượt qua các con dốc gắt, gần như dựng đứng.

Tuy không đi được nhanh nhưng bà Vân có sức bền rất tốt và sự kiên trì. Bà bền bỉ vượt qua các con dốc để tới lán nghỉ. Khu lán này nằm ở độ cao 2600m, cheo leo bên rìa đá, đặc biệt là không có nước. “Tuy nhiên, các porters sẽ hỗ trợ mang đồ, nước cho tôi”, bà Vân cho biết.

{keywords}

Bà Vân tại đỉnh Ngũ Chỉ Sơn

4h sáng hôm sau, bà Vân lại tiếp tục vượt qua một con dốc gần như dựng đứng và một khe núi gió lộng hun hút để lên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn, đỉnh núi cao thứ 15 Việt Nam nhưng đứng vào nhóm đầu về độ khó leo.

Đỉnh cao nhất trong 5 đỉnh của Ngũ Chỉ Sơn mới được người dân địa phương mở đường lên vào cuối năm 2017 bằng cách lắp một số cầu thang gỗ và dây để giúp du khách có thể lên được đây một cách an toàn.

Trên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn không có cây cao nên bà Vân có thể phóng tầm nhìn ra xung quanh rất xa, ngắm trọn biển mây. Từ đây có thể nhìn thấy rõ đỉnh Fansipan, Nhìu Cồ San, Bạch Mộc và Lảo Thẩn.  

{keywords}

“Khi tôi leo lên thì trời còn rất tối, tôi không nhìn rõ các bậc thang, chỉ soi đèn từng bậc và đi. Cho đến khi xuống, trời sáng lên, nhìn rõ các bậc thang, chân tay tôi rụng rời vì sợ. Thang gỗ do người dân tự làm nên cũ, nhiều bậc đã mục, nằm chênh vênh. Khi xuống tôi mon men đi từng bậc”, bà Vân nhớ lại.

 {keywords}

Một phần chiếc thang leo lên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn - đây là đoạn thang thấp và ít nguy hiểm nhất nên bà Vân mới dám dừng chụp ảnh

Trở về từ Ngũ Chỉ Sơn, bà Vân dành 1 tuần nghỉ ngơi dưỡng sức, theo dõi thời tiết. Ngày 16/12, người phụ nữ Gia Lai tiếp tục chinh phục Bạch Mộc Lương Tử - đỉnh núi mà theo là là nơi chiêm ngưỡng hoàng hôn và bình minh đẹp nhất.

Nằm ở độ cao 3.046m, Bạch Mộc Lương Tử là đỉnh núi cao nhất bà Vân leo trong chuyến đi này. Bà đến đây khi vừa trải qua mưa lớn nên đường đi lầy lội, trơn trượt. “Ngày tôi đi gặp rất nhiều đoàn du khách trẻ. Đường trơn trượt nên rất nhiều bạn té ngã. Tôi chuẩn bị ủng nên đi an toàn hơn so với giày”, bà Vân chia sẻ.

{keywords}

Con đường chinh phục đỉnh núi lầy lội sau mưa

Cung đường leo núi dài khoảng 12 km bắt đầu từ xã Sàng Ma Sáo đến lán nghỉ. Vượt qua suối trơn trượt vì rêu, rừng nguyên sinh, bà đến với dốc Núi Muối, đây cũng là nơi người dân dựng lán nghỉ qua đêm. Trên đường đi, bà Vân cố tình đi chậm một chút để có thể đón hoàng hôn tại sống lưng khủng long.

{keywords}

Hồ nước tại núi Muối

{keywords}

Chiều tà trên sống lưng khủng long tại Bạch Mộc Lương Tử

Sáng sớm hôm sau, bà Vân vượt khoảng 6km để chinh phục cột mốc Kỳ Quan San. Đây là cung đường thách thức với cả người trẻ tuổi. Ở đây có địa hình hiểm trở với 2 bên là vách núi và phải đi men theo những phiên đá nhỏ, có đoạn cao và dốc đứng. 

Bà Vân thừa nhận, lúc này các khớp gối của bà đã rất đau nhức. Nhiều đoạn bà không thể đi nổi mà phải bò, lết nhiều đoạn. “Nhiều bạn trẻ khi trở về còn phải nhờ bạn, porters dìu, cõng nhưng tôi cố gắng tự đi chậm rãi. Tôi sợ mình nặng kí quá nên không ai cõng được”, bà Vân hài hước chia sẻ.

{keywords}

Cỏ phủ sương muối khi sáng sớm

 {keywords}

Người phụ nữ 58 tuổi chinh phục thành công cột mốc

{keywords}

Biển mây đẹp mê hồn

{keywords}

Sau khi chinh phục Bạch Mộc Lương Tử, người bạn đồng hành của bà Vân phải chia tay, trở về làm việc. Từ đây, bà Vân tiếp tục leo Lảo Thẩn (21/12) và Nhìu Cồ San (24/12).

Theo chia sẻ của bà Vân, chuyến đi Lảo Thần khá dễ dàng. Tuy nhiên, chuyến chinh phục Nhìu Cồ San thì vất vả vô cùng. Thời điểm cuối tháng 12, trời mưa nhiều. Bà Vân trì hoãn leo đỉnh này đã lâu vì thấy trời mưa nhưng khi nhận ra có 1 ngày duy nhất có nắng, bà ngay lập tức lên đường. 

“Tôi cũng xác định đi vào thời điểm có mưa sẽ vất vả nhưng tôi không muốn trì hoãn thêm nữa. Theo dự báo thời tiết, cả tuần sau đó, trời vẫn sẽ mưa”, bà Vân cho biết. Bà Vân cùng porter leo theo cung thác Ong Chúa để vừa đi vừa ngắm cảnh. Ban đầu, trời mưa nhỏ. Nhưng đến giữa đường thì mưa nặng hạt, rồi mưa đá rơi bắt đầu rơi dày. “Thật may, thời điểm này tôi đang đứng trú tại một gờ đá”, bà Vân cho biết.

Sau nửa tiếng khi cơn mưa tạnh, bà Vân tiếp tục lên đường. Tuy nhiên, con đường ướt, nhiều vũng nước, cây cỏ ướt sũng khiến đôi chân bà Vân bắt đầu lạnh buốt, tê cứng, tay khó cử động và đôi môi sưng tấy. Đường đi càng lúc càng nhỏ hẹp, trơn trượt và có nhiều vách đá. 

“Vừa đi tôi vừa cầu mong không có sự cố gì xảy ra vì nếu trượt ngã, chỉ cần bong gân là tôi cũng sẽ gặp vấn đề lớn”, bà Vân nhớ lại.

{keywords}

Chặng đường chinh phục Nhìu Cồ San là gian nan nhất với bà Vân

Lên tới đỉnh núi, porter nhanh chóng đốt lửa để bà Vân hơ tay chân sưởi ấm, sau đó tiếp sức bằng bữa ăn với trứng luộc, cơm lam ruốc. Sau khi nghỉ ngơi, chụp ảnh, bà Vân lên đường xuống núi để có thể kịp trở về trước khi trời tối.

Trên đường về, bà lại tiếp tục gặp trận mưa đá thứ hai cùng trận mưa nặng hạt kéo dài cả tiếng. Bà Vân mặc hai áo mưa, đeo hai đôi găng tay, quyết tâm xuống núi giữa trời mưa.

Sau khi chinh phục 5 đỉnh núi, bà Vân lái xe máy tới khám phá Lai Châu, Sơn La rồi Điện Biên. Bà trở về nhà sau 1 tháng 7 ngày.


“Tôi biết ông xã và các con cũng lo lắng nhiều lắm nhưng vì tôi đam mê nên gia đình âm thầm động viên, ủng hộ. Sau bao năm bộn bề làm việc, giờ đây tôi muốn dành thời gian khám phá, trải nghiệm, thử thách bản thân. Tôi dự định sẽ trở lại các ngọn núi phía Bắc vào tháng 3 tới, trong mùa hoa đỗ quyên”, bà Vân chia sẻ.

Linh Trang (Ảnh: NVCC)