Nguyễn Thanh Mai (Hà Nội) đạt 8.5 IELTS ngay trong lần thi đầu tiên. Phần Listening em đạt điểm tuyệt đối 9.0. Kỹ năng Reading em đạt 8.5, Speaking 8.0 và Writing 7.5.
Theo kinh nghiệm của Mai, những kiến thức nền cần được đào sâu, bởi kể cả khi Tiếng Anh tốt nhưng không có vốn từ vựng về lịch sử, địa lý, triết học, văn học, chính trị, xã hội... thì không thể có được một bài viết hay cũng như trả lời được câu hỏi của ban giám khảo.
Bên cạnh đó, thí sinh cần nắm được các tiêu chí chấm điểm trong một bài thi IELTS, để biết giám khảo coi trọng điều gì.
Theo Mai, những điều cần lưu ý khi chuẩn bị cho một bài thi IELTS gồm:
Reading: Phần này gồm những bài đọc rất dài kèm theo thông tin mang tính học thuật. Nếu không nhớ được những thông tin chính về bài đọc, nên ghi lại lúc làm bài. Có thể xem một vài đề thi mẫu để làm quen với những dạng câu hỏi thường gặp và luyện tập với những bài đọc, vì thường những câu hỏi hay gặp sẽ có trong bài thi. Ngoài ra, vì thông tin trong các bài đọc sẽ có nhiều chủ đề, bạn nên chuẩn bị kiến thức nền về một số chủ đề thường gặp như: lịch sử, văn hóa, môi trường…
Writing Task 1: Cần tóm tắt lại thông tin trong biểu đồ làm sao để người chấm có thể hiểu được nó qua bài viết của bạn. Sẽ có rất nhiều loại biểu đồ mà bạn có thể sẽ phải viết về trong bài thi, như biểu đồ cột, biểu đồ hình quạt, đồ thị đường thẳng... Hãy thử viết một vài lần với những loại biểu đồ để có thể sẵn sàng nhất cho phần này.
Writing Task 2: Cần chuẩn bị kiến thức nền tốt cho phần thi này bởi giám khảo sẽ yêu cầu bạn phải đưa ra quan điểm về một chủ đề nào đó, như về việc giảm tuổi kết hôn, sử dụng năng lượng tái tạo… Trong bài viết, nên có khoảng 1 đến 3 ý tưởng chính, thể hiện quan điểm riêng. Không nhất thiết phải có nhiều ý tưởng, nhưng phải giải thích được rõ ràng để người chấm có thể hiểu được logic của bạn.
Speaking: Giám khảo sẽ hỏi thí sinh về những chủ đề khác nhau nên cần có kiến thức về nhiều chủ đề để sẵn sàng cho bài thi. Trong phần 2, hãy sử dụng tối đa thời gian chuẩn bị để ghi chép những ý chính mà mình sẽ nói trong 2 phút.
Listening: Nên ghi lại những thông tin chính được các nhân vật nói trong đoạn nghe. Sẽ có những loại câu hỏi thường gặp trong bài thi, vì vậy nên làm thử bài để quen với những dạng câu hỏi này.
Cô bạn 13 tuổi cũng lưu ý một số điều cần tránh như:
Writing: Không nên viết luôn sau khi làm bài. Điều này sẽ khiến những ý tưởng của bạn không dễ hiểu vì chưa dành thời gian sắp xếp theo một trình tự. Nếu không dành thời gian sắp xếp ý tưởng sẽ dễ gặp nhiều lỗi trong việc viết bài và rất khó để sửa sai khi làm bài thi trên giấy.
Speaking: Khi làm phần 2, hãy báo với giám khảo về việc mình đã xong hay chưa. Bạn có thể bị mất điểm nếu giám khảo không biết rằng bạn đã nói xong.
Thanh Mai cho hay, một trong những bí quyết, cách học tiếng Anh hiệu quả là đọc nhiều sách, truyện, xem nhiều phim tiếng Anh. Bạn sẽ biết người bản ngữ nói như thế nào để cải thiện phát âm, thêm vốn từ vựng và cách người bản ngữ sử dụng những từ đó trong những tình huống khác nhau.
Việc đọc sách cũng giúp cho lối hành văn được tốt hơn, từ đó không ngại khi làm văn, thuận lợi khi viết các bài luận.
Nữ sinh cũng cho rằng cần tranh thủ nói chuyện bằng tiếng Anh với người khác, bởi điều này giúp bạn làm quen với việc nói tiếng Anh mà không ngại ngùng.