Hoàn thành xong chương trình lớp 9 của Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), Nguyễn Thảo Nhi (1998) là một trong 10 học sinh Việt Nam nhận được học bổng A*STAR do Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu của chính phủ Singapore cấp cho học sinh thuộc khối ASEAN và Đông Á. Suất học bổng này có giá trị 100% học phí trong vòng 4 năm cùng các khoản chi phí khác.

Việc lựa chọn cho con tiếp tục theo học tại Việt Nam hay đi du học từ cuối những năm cấp 2 khiến bố mẹ Thảo Nhi không khỏi trăn trở. Nhưng cô bé 15 tuổi khi ấy lại không cảm thấy quá băn khoăn.

“Bố mẹ lo lắng chuyện em sẽ phải tự xoay sở mọi thứ ở một đất nước xa lạ, nhưng em vẫn muốn đi vì nghĩ, việc du học từ sớm sẽ là một lợi thế khiến con đường sau khi tốt nghiệp của em rộng mở hơn. Hơn nữa, khi bước vào môi trường quốc tế cũng buộc em phải thích nghi, trưởng thành và rèn cho mình sự tự lập từ sớm”.

{keywords}

Nguyễn Thảo Nhi đang là sinh viên năm cuối tại Trường ĐH Công Nghệ Nanyang

Một mình sang Singapore với hành trang là vốn tiếng Anh khá ổn và điểm SAT 2270/2400 (SAT cũ), tuy nhiên, Nhi vẫn bị sốc khi nghe những người xung quanh nói mà mình không hiểu gì.

“Ngôn ngữ của Singapore là sự pha trộn của cả tiếng Anh, tiếng Trung, Mã Lai và một chút Ấn Độ. Thời gian đầu để hiểu người đối diện nói gì, với em thực sự khó khăn. Hạn chế về mặt ngôn ngữ khiến em khó hòa nhập và tìm hiểu về văn hóa nơi mình đang sống. Cộng thêm việc phải xa nhà khiến em có phần lạc lõng và tủi thân”.

Nhưng quãng thời gian để “hòa nhập” không được phép kéo dài quá lâu. Là diện đi học bằng học bổng, những học sinh như Nhi buộc phải có thành tích trên một ngưỡng nhất định nếu vẫn muốn duy trì suất học bổng này. Do đó, nữ sinh tự giới hạn cho mình trong vòng 1 tháng buộc phải giao tiếp thông thạo bằng ‘Singlish’.

“Có một sự thật rằng rất nhiều người dù đã đi du học 3 – 4 năm nhưng vẫn không thể thành nói thạo ngôn ngữ nơi mình sinh sống. Em nghĩ là do họ thường xuyên giao tiếp với đồng hương nhiều hơn giao lưu với bạn bè quốc tế. Cho nên, để học bất cứ ngoại ngữ nào cũng đều cần đến môi trường sử dụng ngôn ngữ ấy. Trong suốt 1 tháng đó, em đã tự tạo cho mình động lực và môi trường để thực hành nhiều hơn”.

{keywords}

Nhi cùng các bạn trong Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore

Sang Singapore từ tháng 10/2013 trong khi trường phổ thông tại đây bắt đầu vào học từ tháng 1, Nhi phải học lại một năm lớp 9 để chuẩn bị cho kì thi O-Level.

Việc học tập tại Singapore, theo Nhi, cũng có rất nhiều điều thú vị. Ngoài thời gian trên trường, học sinh bắt buộc phải tham gia vào ít nhất một hoạt động ngoại khóa. Học sinh buộc phải năng động hơn, không chỉ biết học mà còn được tự do phát triển các sở thích, kỹ năng khác nhau.

Vốn là người yêu thích các loại nhạc cụ và biết chơi cả piano, organ, sáo, guitar, ukulele hay harmonica, … Nhi mạnh dạn đăng ký vào ban nhạc của trường. Câu lạc bộ này cũng giúp nữ sinh có được quãng thời gian học phổ thông với nhiều trải nghiệm thú vị.

Năm lớp 10, nhờ vào thành tích học tập xuất sắc, Nhi nhận được học bổng Lãnh đạo tài năng. Nữ sinh đã đứng ra tổ chức một hội trại 3 ngày 2 đêm với mục đích rèn luyện kỹ năng mềm và khả năng lãnh đạo cho khoảng hơn 100 học sinh trong trường.

{keywords}

Quãng thời gian cấp 3, Nhi đăng ký tham gia vào ban nhạc của trường

Sau 2 năm lớp 9 – 10, với kết quả học tập đứng đầu toàn trường, Thảo Nhi trở thành du học sinh đầu tiên được khắc tên lên “bảng vàng” của trường dự bị đại học.

“Trong 2 năm phổ thông và 2 năm dự bị đại học, trong khi các bạn vui chơi, em thường ‘vùi đầu vào học’ để cố gắng duy trì học bổng. Trong trường em có các bạn Trung Quốc học rất giỏi và chăm. Vì thế, mỗi lần cảm thấy stress hay áp lực, em lại đứng dậy, đi ngang qua phòng của các bạn để được tiếp thêm động lực”.

Duyên nợ với Singapore

Cuối năm cấp 3, với thành tích học tập xuất sắc, bố mẹ Nhi kỳ vọng con gái có thể hoàn thành “giấc mơ Mỹ” ở bậc đại học.

Từng đạt điểm SAT khá cao vào năm lớp 9, nữ sinh có phần chủ quan vì nghĩ rằng “bài thi này không quá khó”. Nhưng, kết quả trả về lại khiến Nhi hụt hẫng.

“Với số điểm ấy, rất khó để em có thể xin học bổng vào những ngôi trường mình mong muốn. Đó cũng là quãng thời gian khá gấp rút cho việc chuẩn bị hồ sơ. Em đã khóc rất nhiều, nhưng sau một vài ngày trăn trở, em đã quyết định sẽ tự ôn thi lại một cách nghiêm túc”. Lần này, Nhi đạt điểm SAT  1570/1600.

{keywords}

Nhi hiện là Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore nhiệm kỳ 2020 – 2022

Một số trường đại học ở Mỹ sẵn sàng cấp học bổng cho Nhi, nhưng phần chi phí còn lại phải chi trả hơi quá sức với tài chính của gia đình. Đó cũng là thời điểm Nhi biết mình đạt điểm tuyệt đối A-level và được những ngôi trường hàng đầu Singapore cấp học bổng toàn phần.

“Singapore với em như duyên nợ, vì thế em đã quyết định theo học tại Trường ĐH Công Nghệ Nanyang – nơi sẽ chu cấp cho em 100% học phí mà ba mẹ không phải đóng góp thêm bất cứ khoản gì”.

Trường ĐH Công Nghệ Nanyang là ngôi trường xếp thứ 12 trên bảng xếp hạng đại học thế giới QS năm 2022. Tại đây, Nhi theo học song song hai ngành là Kỹ sư Hóa sinh và Kinh tế. Điều này khá hiếm đối với sinh viên quốc tế, bởi chỉ những học sinh đạt điểm cao A-level mới được theo học song bằng (tỉ lệ chấp nhận khoảng 3%).

Việc học song ngành có phần “nặng” hơn cả về kiến thức lẫn thời gian, nhưng nữ sinh Việt vẫn đạt được thành tích học tập xuất sắc khi lọt top 5% toàn khóa với GPA 4.84/5.0 cho cả hai ngành.

Ngoài ra, Nhi còn được biết tới là một du học sinh tích cực tham gia các hoạt động lãnh đạo sinh viên. Cô gái sinh năm 1998 là Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Trường ĐH Công Nghệ Nanyang nhiệm kỳ 2019 – 2020. Đầu năm ngoái, Nhi tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore.

Nhiều thành viên của hội nhận xét “chị chủ tịch” là người “không bao giờ để cho bản thân ngơi nghỉ”. Còn Nhi cho rằng, “bản thân luôn hoạch định rõ ràng, tỉ mỉ từng việc cần làm trong đầu”.

“Nếu biết sắp sửa diễn ra một hoạt động nào quan trọng, em sẽ tranh thủ từ 1 - 2 tuần trước đó dồn lịch kín hơn để hoàn thành các công việc khác”. Nữ sinh cũng luôn cố gắng dành khoảng 8 – 10 tiếng/ ngày cho việc học.

Để việc học trở nên dễ dàng hơn, ngay từ đầu năm, Nhi đã tự xây dựng cho mình các đề cương chi tiết của từng môn.

“Sau mỗi bài học, em thường tổng hợp lại những nội dung, thông tin cần ghi nhớ của ngày hôm đó vào một tệp dữ liệu trên máy tính. Điều này sẽ khiến mình dễ bổ sung và tìm kiếm hơn so với việc ghi lại vào sách vở. Nhờ vậy đến khi thi, chỉ cần mở lại các tệp dữ liệu này, việc ôn tập sẽ diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn”.

Hơn 8 năm học tập tại Singapore, nhiều người nhận xét Nhi giao tiếp và cử chỉ “không khác gì người bản địa”. 

“Sau khi tốt nghiệp, em sẽ có 3 năm ở lại Singapore làm việc theo hợp đồng của học bổng. Nếu có cơ hội, em vẫn muốn tiếp tục ở lại đây, nghiên cứu sâu hơn về ngành Kỹ sư Hóa sinh và có thể đem lại những đóng góp giá trị cho cộng đồng khoa học Việt Nam”, Thảo Nhi chia sẻ.

Thúy Nga

PGS người Việt ở ĐH số 1 nước Úc: 'May mắn, tôi được học trường chuyên'

PGS người Việt ở ĐH số 1 nước Úc: 'May mắn, tôi được học trường chuyên'

Là chuyên gia nổi tiếng thế giới về di dân Việt Nam, các nghiên cứu đã được trích dẫn 1.189 lần, nhưng chị Hoàng Lan Anh thừa nhận, lứa du học sinh đầu tiên ra nước ngoài như chị gặp không ít biến cố và có những góc khuất riêng ...