Nguyễn Khánh Chi (2005, học sinh Trường TH School) vừa nhận được thư báo trúng tuyển trong đợt tuyển sinh sớm của ĐH Yale với mức hỗ trợ tài chính khoảng 54.000 USD/năm trong suốt 4 năm. Theo bảng xếp hạng THE 2023, đây là ngôi trường xếp thứ 7 của Mỹ và đứng thứ 9 thế giới.
“Đây là kết quả ngoài mong đợi bởi hồ sơ của em không quá mạnh về mặt điểm số”, Chi nói.
Chỉ nộp duy nhất một bộ hồ sơ vào Yale, Khánh Chi cho biết, em đã phải tìm hiểu rất kỹ các tiêu chí mà ngôi trường này tìm kiếm ở ứng viên.
“Ngoài thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa, trường luôn mong muốn tìm kiếm những người có bản sắc riêng và khả năng đóng góp cho cộng đồng”.
Vì thế, trong bộ hồ sơ của mình, Chi cố gắng thể hiện rõ nhất cá tính và dấu ấn cá nhân, thay vì trưng ra bảng thành tích dày đặc các con số.
Là một cô bé luôn tò mò và thích tìm hiểu mọi thứ, Chi đã thử sức với hùng biện tiếng Anh, làm MC cho trường. Đến năm lớp 11, em bắt đầu tham gia tranh biện (debate).
Giữa năm lớp 11, em bắt đầu tham gia các cuộc thi tranh biện trong nước và quốc tế. Gần như cuối tuần nào em cũng thi và hầu hết các trận đều kéo dài suốt 12 tiếng, từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối. Thậm chí, các vòng đấu cuối thường diễn ra từ 9 giờ tối đến 1-2 giờ đêm.
"Cảm giác được chinh phục khiến em rất hứng thú. Nhờ tranh biện, em đã đẩy bản thân ra khỏi vùng an toàn”, Chi nói.
Hướng về cộng đồng
“Hoạt động tranh biện đã làm thay đổi em khá nhiều. Từ một người không mấy quan tâm đến các vấn đề xã hội, em bắt đầu thích đọc và tìm hiểu về chính trị, lịch sử.
Cũng nhờ tranh biện, Khánh Chi liên tục gặt hái thành công ở nhiều giải đấu trong nước và quốc tế như: Quán quân và top 3 người nói xuất sắc nhất của giải Hanoi Debate Tournament, Á quân World School Debate Open 2022, top 5 người nói xuất sắc nhất của giải Harvard Debate Tournament…
Giống như khi mô tả về bản thân: “Em thường làm tất cả những gì mình thích”, các hoạt động ngoại khóa mà Chi tham gia đều hướng về cộng đồng - điều em đặc biệt quan tâm.
Espelune là một trong những dự án thiện nguyện mà Chi tâm huyết với mong muốn mang ánh sáng của nghệ thuật đến gần hơn tới các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Chi cũng là thành viên của Áo dài Collective, nơi em cùng các bạn của mình viết về câu chuyện giản dị của những người phụ nữ phi thường hay cả khi bị định kiến xã hội áp đặt, ngăn cản.
“Đa phần khi nhìn nhận các vấn đề xã hội, mọi người chỉ thấy những con số nhưng lại không thể cảm nhận được nỗi đau của người trong cuộc. Do đó, em mong muốn thay đổi những định kiến này thông qua các câu chuyện và bằng sự cảm thông”.
Quan tâm đến các vấn đề xã hội, nội dung này cũng được Chi đưa vào bài luận cá nhân. Em viết về chính những tổn thương trong quá khứ khiến bản thân thu mình lại và luôn cảm thấy không an toàn. Chi cũng kể về hành trình tự chữa lành sau tất cả những tổn thương ấy.
“Cách tự chữa lành của em là luôn tiến về phía trước, luôn làm mới bản thân và cho mình cơ hội để trải nghiệm như tham gia viết báo, thử sức với vai trò Chủ tịch hội học sinh trường… Cũng từ đó em bắt đầu chuyến du hành tự khám phá bản thân và dần nhận ra con người mình”.
Chi cho rằng, bài luận của mình có thể không hoàn hảo nhưng đã thể hiện rõ tính cách cá nhân em và câu chuyện được kể một cách chân thật nhất.
Với tất cả những điều đó, Chi nói, Yale nhận mình không phải vì bộ hồ sơ hoàn hảo, mà vì nhìn thấy tiềm năng phát triển và “đọc” được em là người thế nào.
“Đạt 8.5 IELTS, nhưng điểm SAT của em chỉ đạt 1.500 - vừa đủ để vào trường. Bảng điểm của em cũng có những điểm B, C, nhưng em luôn cố hoàn thiện bản thân để trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình.
Trước đây, em luôn nghĩ sau này sẽ làm một công việc văn phòng hay sẽ kinh doanh giống bố mẹ. Nhưng khi thử sức với tranh biện, em bắt đầu hiểu hơn về thế giới xung quanh, thích tìm hiểu về các vấn đề chính trị, phong trào xã hội. Nhờ vậy, em tìm ra được con đường đi cho mình và quyết định lựa chọn theo học chuyên ngành Chính trị - Lịch sử ở Yale.
Ước mơ của em là được làm việc tại Liên Hợp Quốc - nơi em có thể trực tiếp lên tiếng để bảo vệ quyền của những người yếu thế trong xã hội”.