Đang theo học chương trình trao đổi tại Phần Lan, Nguyễn Thị Lan Nhi (sinh viên năm 4, Trường ĐH Ngoại thương) tham gia quản lý một startup lĩnh vực E-Commerce POD (Print On Demand) - in ấn theo nhu cầu cho thị trường Mỹ. Lan Nhi có mức thu nhập “khủng” không ít sinh viên mới ra trường ước ao.
Mất phương hướng vì xung quanh nhiều người giỏi giang
Từng theo học tại Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ và Trường ĐH Ngoại thương, Lan Nhi cho biết, những môi trường cô trải qua luôn có nhiều người giỏi giang, năng động.
“Có những bạn là quán quân, á quân nhiều cuộc thi lớn trong nước và quốc tế; có bạn tham gia thị trường chứng khoán, bất động sản hay startup, kiếm hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng/tháng… Câu chuyện của những người xung quanh khiến em cảm thấy áp lực và mất phương hướng”, Lan Nhi chia sẻ.
Nhi cho biết, bản thân là người bình thường, “mỗi thứ biết một chút, nhưng thực tế không giỏi cái gì”.
“Em từng học đàn, python (ngôn ngữ lập trình máy tính bậc cao), tâm lý học, thiết kế, thậm chí lấn sân sang làm sales trong vòng vài tháng vì thấy một người bạn đang rất thuận lợi trong lĩnh vực này”.
Trong suốt 2 năm đầu đại học, Nhi thừa nhận, chỉ luôn chạy theo cái bóng của bạn bè, cuối cùng đều không đi đến đâu.
Mất phương hướng, không biết sẽ làm gì sau khi ra trường, Lan Nhi luôn tự trách bản thân kém cỏi.
Năm thứ 3 đại học, mong muốn thoát khỏi sự dằn vặt của bản thân khiến Lan Nhi quyết tâm “làm quen” lại với chính mình.
“Em dành nhiều thời gian suy nghĩ đâu là cuộc sống mình mong muốn. Khi trò chuyện với những người đi trước, xin họ những lời khuyên, em tự vạch ra mục tiêu mình cần hướng tới. Thay vì trượt dài trong stress, em vực dậy tinh thần và bắt đầu công cuộc cải tạo bản thân”.
Đầu tiên Nhi tìm kiếm các khóa học. Nữ sinh lựa chọn học thêm tiếng Nhật, theo đuổi một số lớp để hoàn thiện kỹ năng giao tiếp, marketing… Cô bắt đầu tập luyện thể dục như một cách giải tỏa năng lượng. Hơn 3 tháng quyết tâm thay đổi, Lan Nhi thấy tâm lý dần trở nên ổn định hơn.
Khởi nghiệp khi còn trên giảng đường
Trong một lần tình cờ nói chuyện với bạn cùng học tại Trường ĐH Ngoại thương, nghe bạn chia sẻ về dự án kinh doanh thiết kế quần áo và cần tìm người đồng hành, Lan Nhi đề xuất tham gia.
“Chuyện khởi nghiệp là điều em chưa từng nghĩ tới trước đó. Mục tiêu của em đơn giản là học hành chăm chỉ, đạt điểm GPA cao, ra trường tìm kiếm được một công ty liên quan đến xuất nhập khẩu hoặc mảng tài chính kinh doanh”.
Nhưng cuộc trò chuyện tình cờ với người bạn học khiến Nhi quyết tâm thử sức.
Hiện tại, lĩnh vực Nhi đang tham gia là POD - in ấn theo yêu cầu cho thị trường Mỹ và bán các sản phẩm này (ví dụ như áo thun, túi tote, cốc…) trên sàn thương mại điện tử của Mỹ.
“Thực tế, sức mua của thị trường Mỹ và châu Âu khá lớn. Khách hàng thường sẵn sàng bỏ ra chi phí mua sắm quần áo, đồ dùng theo từng mùa, từng ngày lễ hay sự kiện nào đó. Vì vậy, đồ POD in ấn, thiết kế theo chủ đề luôn có lượng bán khá cao”, Nhi nói.
Khi mới bắt đầu, nhóm của Nhi tràn đầy kỳ vọng “sẽ thu về kha khá và kiếm tiền thụ động ngay cả khi đang ngủ”. Tuy nhiên, thực tế “không giống như mơ” ngay từ những tháng đầu tiên.
“Bán hàng trên các sàn thương mại điện tử của Mỹ rất nhiều rủi ro, trong đó rủi ro lớn nhất liên quan đến tài khoản bán hàng. Có những khi tài khoản đột nhiên bị khóa khi tiền chưa về kịp là nguyên nhân gây nên thua lỗ. Ngoài ra, khi hàng không bán được sẽ lỗ tiền sản xuất, vận chuyển…”.
6 tháng bán hàng không thu về lợi nhuận, thậm chí thua lỗ đến hơn 500 triệu đồng, cả nhóm từng nghĩ tới việc dừng lại.
Tuy nhiên, trong suy nghĩ của Nhi khi ấy, nếu dừng lại, sẽ phải làm việc liên tục trong vòng 2 năm và không chi tiêu gì khác mới đủ tiền trả nợ và bù lỗ. Vì thế, Nhi quyết tâm làm tới cùng, tiếp tục đi vay tiền duy trì công việc kinh doanh.
May mắn quãng thời gian đó là cuối năm, tại Mỹ có rất nhiều dịp lễ. Nhóm của Nhi lên phương án, xây dựng kế hoạch bài bản và “chạy hết công suất” trong suốt mùa Halloween, Giáng sinh… 3 tháng cuối năm giúp cả nhóm “gỡ nợ” và hòa vốn.
“Em nghĩ rằng, dù kinh doanh bất kỳ lĩnh vực gì, ở bất kỳ đâu, việc quản trị rủi ro là yếu tố quan trọng. Cần phải xác định được giới hạn chịu đựng tránh rơi vào bẫy và không có khả năng chi trả các khoản lỗ”. Ngoài ra, kiên trì là bài học Nhi nhận ra được sau 2 năm startup.
“Em từng “nhảy” khá nhiều việc, nhưng không công việc nào đạt kết quả tốt do thiếu tính kiên trì. Sau đó, em quyết tâm làm đến cùng dù giai đoạn 1 năm trước, cả nhóm gặp vô vàn khó khăn: không có nhiều kinh nghiệm, cộng sự rời khỏi nhóm, lỗ đến 9 chữ số trong vòng 6 tháng…
Em cho rằng, có lên bao nhiêu kế hoạch chăng nữa, mình vẫn gặp vô số các biến số bất ngờ. Vì thế, cứ đi sẽ có đường, cơ hội đến dù tốt hay xấu cứ nắm lấy, dù thất bại mình cũng thu được vô vàn bài học quý giá”.
Hiện tại, nhóm kinh doanh của Nhi gồm 12 người. Thị trường kinh doanh POD, theo Nhi, đang khó khăn hơn, đặc biệt với các nhóm kinh doanh POD nhỏ lẻ. Vì thế, nhóm vẫn đang tiếp tục lên kế hoạch mở rộng thị trường, nghiên cứu nhu cầu để đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh.
Theo Nhi, với sinh viên, đạt mức lương nghìn USD khi chưa ra trường không khó. Tuy vậy, nữ sinh cho rằng, để đạt mức lương ấy chắc chắn cần phải hy sinh nhiều thời gian, công sức và tâm huyết để vừa học, vừa nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn.