Trong mùa tuyển sinh đại học Mỹ năm nay, Nguyễn Quỳnh Anh, học sinh trường Quốc tế Concordia Hà Nội, liên tiếp nhận tin trúng tuyển vào các trường danh tiếng như Đại học Stanford (top 2 thế giới), Trường Kinh doanh Wharton, Đại học Pennsylvania (top 1 ngành Kinh doanh nước Mỹ), Đại học California, Los Angeles (top 18 thế giới)…
Ở những ngôi trường này, nữ sinh quê Nghệ An đều đặt mục tiêu hướng đến các ngành liên quan đến kinh tế, tài chính. Quỳnh Anh cho biết, trước khi tìm ra đam mê của mình, em cũng phải “thử rất nhiều vai trò, tham gia rất nhiều lĩnh vực” để biết đâu là điều phù hợp.
Sinh ra ở thành phố Vinh (Nghệ An), từ năm lớp 3, Quỳnh Anh theo bố mẹ ra Hà Nội sinh sống. Thời điểm ấy, em được cho theo học tại một ngôi trường liên cấp quốc tế. Với Quỳnh Anh, đây là thách thức rất lớn bởi các bạn xung quanh em đều học tập và nói chuyện với nhau hoàn toàn bằng tiếng Anh. Rào cản về ngôn ngữ khiến cô bé vốn có học lực khá tốt, trong kỳ đầu tiên bị tụt lại phía sau.
“Không hiểu những gì các bạn và thầy cô nói, em thấy mình rất lạc lõng và khó khăn để hòa nhập”, Quỳnh Anh nhớ lại.
Được bố mẹ ở bên đồng hành, giai đoạn ấy, vừa học trên trường, Quỳnh Anh vừa đăng ký nhiều lớp học thêm từ 6 giờ sáng tới 9 giờ tối. Em gần như không có khoảng nghỉ để tập trung đuổi kịp các bạn trong lớp. Liên tục trong một học kỳ, thành tích của nữ sinh bắt đầu cải thiện. Nhờ vậy, Quỳnh Anh dần lấy lại được sự tự tin.
Đến năm lớp 9, Quỳnh Anh bắt đầu đầu tham gia đa dạng các hoạt động ngoại khóa với mục tiêu khám phá thế mạnh của bản thân.
“Em tham gia rất nhiều hoạt động khác nhau để tìm ra thế mạnh của bản thân. Từ khả năng ghi nhớ, tư duy phán đoán, khả năng giao tiếp và lập trường riêng giúp cho em nhận ra bản thân có đam mê với lĩnh vực kinh tế”, Quỳnh Anh nói.
Năm lớp 11, gác lại một số sở thích bên lề, Quỳnh Anh tập trung thời gian cho các hoạt động liên quan đến ngành học mình mong muốn theo đuổi. “Phù thủy Kinh tế” là dự án đầu tiên nữ sinh tham gia với vai trò chủ tịch dự án. Quỳnh Anh cùng hơn 30 thành viên đã tổ chức các hoạt động nhằm chia sẻ kiến thức về kinh doanh, kinh tế đến gần 3.000 học sinh trung học tại Hà Nội.
Trong đó, nhóm tổ chức 3 buổi hội thảo trực tuyến với sự tham gia của một số đại diện ngân hàng, doanh nghiệp xã hội để nói về những vấn đề liên quan đến tài chính, kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, một số buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và cơ hội việc làm trong ngành tài chính do nhóm tổ chức còn có sự tham gia của các diễn giả quốc tế cũng đang làm trong lĩnh vực này.
Quỳnh Anh cho biết động lực khiến cả nhóm thực hiện hàng loạt các hoạt động ấy là do trong chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam, học sinh chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với các môn học liên quan đến kinh doanh, kinh tế, tài chính. Vì vậy, mong muốn của nữ sinh thông qua dự án có thể kết nối, chia sẻ kiến thức tới những học sinh khác có chung niềm đam mê.
Ngoài hoạt động này, Quỳnh Anh còn là người đồng sáng lập và dẫn dắt dự án “Women in Business” (Phụ nữ trong kinh doanh). Trong vòng 2 năm, dự án đã tiếp cận khoảng 3.000 phụ nữ, hỗ trợ họ về mặt công nghệ trong kinh doanh như cách sử dụng Excel, áp dụng AI rút ngắn thời gian xử lý công việc…
Năm lớp 11 cũng là khoảng thời gian Quỳnh Anh bắt đầu tập trung cho các kỳ thi chuẩn hóa và viết luận. Trong 2 năm, nữ sinh đạt điểm tuyệt đối ở nhiều môn AP (chương trình xếp lớp nâng cao với kiến thức tương đương năm đầu bậc đại học) như Kinh tế vi mô, Kinh tế vĩ mô, Xác suất thống kê, Giải tích, Lịch sử thế giới… Ngoài ra, điểm trung bình cộng của Quỳnh Anh cũng đạt A+ trong suốt quãng thời gian phổ thông.
Hành trình thay đổi bản thân và không ngừng nỗ lực cũng được Quỳnh Anh đưa vào bài luận. Từ những khó khăn đầu tiên khi chuyển từ Vinh (Nghệ An) ra Hà Nội học tập, em đã biến “cú sốc” ấy trở thành động lực để phát triển và vươn lên mạnh mẽ. Dần dần, em lấy lại được sự tự tin và bắt đầu hành trình để tìm ra những điều bản thân mong muốn.
Theo Quỳnh Anh, bài luận được em viết từ những điều chân thực nhất và cũng là các cung bậc cảm xúc em đã đi qua, do đó tất cả đều nói lên đúng nhất về con người mình. “Cuối cùng, em đã viết về mong muốn được theo đuổi lĩnh vực kinh doanh và có thể thực hiện các hoạt động liên quan tới thúc đẩy bình đẳng trong kinh doanh”.
Từng bỏ hơn 30 bản nháp trước khi có một bài luận hoàn chỉnh, Quỳnh Anh cho rằng bài học lớn nhất em nhận được khi viết luận là hãy bắt tay vào việc viết sớm nhất có thể, đồng thời nên dành thời gian tìm hiểu về ngôi trường mình mong muốn để biết họ mong muốn tìm kiếm một ứng viên ra sao. Điều này không chỉ giúp ứng viên thể hiện được tinh thần ấy trong bài luận mà còn góp phần chuẩn bị tốt hơn cho các buổi phỏng vấn phía sau.
Nhận được hàng loạt lời mời từ các đại học Mỹ nhưng Quỳnh Anh dự định sẽ lên đường nhập học tại Đại học Stanford vào tháng 8 tới. Ngành học nữ sinh mong muốn theo đuổi là Tài chính. Quỳnh Anh kỳ vọng trong tương lai sẽ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực phân tích dữ liệu tài chính cho các doanh nghiệp xã hội.