Bán quần tất thu về 40.000 NDT/tháng (132 triệu đồng)
Tiểu Hà là sinh viên Đại học Chiết Giang, Trung Quốc. Vì điều kiện gia đình khó khăn, Tiểu Hà sớm phải đi làm thêm để phụ giúp kinh tế cho bố mẹ. Đồng áng là công việc chính ban ngày của bố mẹ Tiểu Hà. Buổi tối, mẹ nữ sinh bán đồ ăn đêm, còn bố đi làm thuê việc vặt trong vùng.
Gia cảnh khó khăn là nỗi trăn trở lớn với Tiểu Hà. Do đó, nữ sinh quyết định ở lại thành phố không về quê trong kỳ nghỉ hè vừa qua để kinh doanh.
Bắt đầu kinh doanh, Tiểu Hà thử sức bán đồ chơi, đồ ăn vặt. Tuy nhiên, do nhút nhát và tính cạnh tranh gay gắt nên doanh thu không nhiều, nữ sinh quyết định bán sản phẩm khác.
Khi gặp khó khăn về ý tưởng không biết kinh doanh mặt hàng nào, bạn cùng phòng của Tiểu Hà đưa ra ý kiến bán quần tất. Người này cho rằng quần tất không thể thiếu với con gái, chỉ cần chất lượng tốt và giá hợp lý sẽ có người mua. Nghe theo lời khuyên của bạn, Tiểu Hà quyết định nhập quần tất về bán.
Khó khăn ập đến, khi bán trong chợ Tiểu Hà bị đội quản lý trật tự đô thị kiểm tra. Vì không có giấy phép hoạt động kinh doanh nên toàn bộ số hàng của Tiểu Hà bị thu. Điều này, khiến Tiểu Hà vô cùng sốc, vì để có tiền kinh doanh nữ sinh phải vay mượn bạn bè và người thân.
Sau khi biết được hoàn cảnh của Tiểu Hà, trường ĐH liên lạc với các bộ phận liên quan để giúp đỡ nữ sinh. Với sự hỗ trợ của nhà trường, Tiểu Hà tiếp tục công việc kinh doanh.
Hơn nữa, trường còn cử giảng viên hướng dẫn Tiểu Hà phương thức kinh doanh, chiến dịch tiếp thị để đạt được hiệu quả. Ngoài ra, người này còn giới thiệu nhà sản xuất quần tất giá thấp cho Tiểu Hà.
Nhờ sự giúp đỡ của trường, giảng viên, bạn bè cổ vũ và khách hàng ủng hộ, chỉ trong 1 tháng hè Tiểu Hà thu về 40.000 NDT (132 triệu đồng) tiền bán quần tất. Với số tiền này, Tiểu Hà không chỉ phụ giúp kinh tế cho gia đình đỡ vất vả, mà còn đủ trang trải học phí năm học mới.
Chiến lược kinh doanh của nữ sinh nghèo
Trong thời đại ngày nay, phong trào kinh doanh online nở rộ khiến cho việc bán hàng truyền thống gặp khó khăn. Để đạt được mức lợi nhuận 40.000 NDT/tháng (132 triệu đồng) không dễ dàng.
Mẹo để thu hút khách hàng của Tiểu Hà là tặng quà tri ân. Đây là thủ thuật nhỏ được áp dụng trong việc tiếp thị sản phẩm. Nữ sinh được giảng viên gợi ý đặt tấm biển ở gian hàng với nội dung: "Hãy mua quần tất để được tặng bột giặt".
Bên cạnh chất lượng sản phẩm, giá cả cũng là thứ khách hàng quan tâm. Theo đó, Tiểu Hà bán 10 NDT/sản phẩm (33.000 đồng), 2 sản phẩm trị giá 18 NDT (59.000 đồng), 3 sản phẩm giá chỉ 25 NDT (82.000 đồng). Khi khách hàng mua đơn có giá trị 50 NDT (165.000 đồng), Tiểu Hà áp dụng chiến lược tặng bột giặt.
Vì mua được sản phẩm tận gốc nên Tiểu Hà chỉ mất 12 NDT (39.000 đồng) cho 6 chiếc quần tất. Giá thành bán ra thị trường là 50 NDT cho 6 sản phẩm, tương đương số tiền lãi Tiểu Hà nhận được là 38 NDT (126.000 đồng). Với chiến lược tặng kèm sản phẩm khi đơn hàng có giá trị cao, Tiểu Hà thành công trong việc kinh doanh.
Câu chuyện của Tiểu Hà truyền cảm hứng cho một số bạn trẻ có ý định kinh doanh. Nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho nữ sinh nghèo. Với số tiền này, Tiểu Hà có thể giúp đỡ bố mẹ, giảm bớt gánh cho gia đình.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều người đưa ra lời khuyên với nữ sinh biết đủ để dừng lại, coi đây là công việc thời vụ. Bởi thực tế, nhiều sinh viên vì mải mê kinh doanh, kiếm tiền nên đã từ bỏ việc học hành.
Theo NetEase