Với uy tín và sự nhiệt tình của mình, bà Phí Thị Hồng Quế, Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng, đã vận động được nhiều người dân sử dụng các ứng dụng số, mang lại nhiều tiện ích. |
Tổ dân phố số 6, phường Tân Thành (TP. Thái Nguyên) có trên 220 hộ với khoảng gần 700 nhân khẩu. Chia sẻ với chúng tôi, bà Phí Thị Hồng Quế, Tổ trưởng Tổ dân phố số 6, cho biết: Với thành phần dân cư đa dạng, tổ dân phố chúng tôi là một trong những địa bàn được đánh giá là khó trong công tác chuyển đổi số, vì phần lớn người dân chưa tiếp cận nhiều những tiện ích mà công nghệ số mang lại.
Bên cạnh đó, các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) cũng còn hạn chế về kiến thức, ít kinh nghiệm truyền tải kỹ năng số cho người dân.
Mặc dù vậy, với quyết tâm cao và sự động viên, hỗ trợ của cấp trên, bà Quế cùng các thành viên Tổ CNSCĐ đặt mục tiêu thay đổi căn bản về chuyển đổi số cho người dân trong tổ dân phố. 2 năm trở lại đây, trong các hoạt động ở tổ dân phố, bà Quế đã thay thế những chương trình làm việc thông thường bằng việc bổ sung thêm nhiều thời gian dành cho các nội dung chia sẻ, hướng dẫn về chuyển đổi số.
Bà cũng chủ trì thành lập nhóm Zalo kết nối hàng trăm người dân trong xóm để trao đổi thông tin, chia sẻ những tài liệu, video chính thống hướng dẫn sử dụng các nền tảng, ứng dụng công nghệ số như: C-ThaiNguyen, Thái Nguyên ID, VNeID, cách thức nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến…
Phát huy vai trò “đầu tàu” gương mẫu, bà cùng với các thành viên trong Tổ CNSCĐ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng công nghệ số; thực hiện chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 của chính phủ tại các hội nghị của tổ.
Đồng thời động viên, khuyến khích người dân đăng ký sử dụng hoặc nâng cấp hạ tầng mạng Internet, thay thế tivi truyền thống bằng Internet tivi.
Bà cùng các thành viên cũng tích cực tuyên truyền cho người dân nhận biết và phòng ngừa lừa đảo trực tuyến, tiếp cận với các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt…
Bản thân bà cũng là thành viên tích cực cùng với các đơn vị chức năng của TP. Thái Nguyên triển khai mô hình chợ 4.0 tại chợ Vó Ngựa (phường Tân Thành).
Ông Hoàng Xuân Khanh, 53 tuổi, một người dân ở tổ dân phố số 6: Là nông dân trồng hoa, tôi hầu như không có kiến thức gì về chuyển đổi số cho đến khi được bà Quế vận động, hướng dẫn. Giờ thì tôi có thể sử dụng thành thạo các ứng dụng phổ biến, thanh toán không dùng tiền mặt, tìm kiếm thông tin trên Internet và bước đầu biết sử dụng các dịch vụ công trực tuyến… Tôi cũng nể phục bà Quế, tuy tuổi cao những vẫn vươn lên học tập, nhiệt huyết với công việc chung của tổ, đặc biệt là nhiệt tình hướng dẫn nhân dân cùng tham gia chuyển đổi số.
Với những nỗ lực của Tổ CNSCĐ và sự nhiệt huyết, gương mẫu của bà Phí Thị Hồng Quế, tổ dân phố số 6, đã có rất nhiều thay đổi trong chuyển đổi số.
Đến nay, 100% số hộ trong xóm đã được tiếp cận với dịch vụ Internet băng thông rộng; trên 90% người trong độ tuổi lao động sử dụng thành thạo các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt; gần 100% số hộ có thành viên tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; trên 95% người dân người kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 ứng dụng VNeID, đồng thời tích hợp một số giấy tờ phổ biến như: Bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe...
Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai công tác chuyển đổi số ở cơ sở, bà Phí Thị Hồng Quế cho biết: Bản thân tôi luôn cố gắng vươn lên học hỏi, nắm chắc các kỹ năng, thao tác để tiếp cận với công nghệ số.
Trong quá trình vận động bà con tham gia chuyển đổi số, tôi luôn “lấy người dân làm trung tâm” để họ thấy được giá trị và lợi ích của chuyển đổi số, từ đó chủ động tham gia.
Bản thân tôi cũng luôn động viên các thành viên trong tổ công nghệ số tích cực tuyên truyền để người dân hiểu và có kiến thức về chuyển đổi số, giúp bà con tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, xuất phát từ nhu cầu tự nhiên và tạo ra giá trị thiết thực.
Theo Thu Hà (Báo Thái Nguyên)