Ngày 7/4/2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) tiếp tục làm rõ hành vi phạm tội, ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam thời hạn 3 tháng đối với Hương Trần Kiều Dung và Nguyễn Quỳnh Anh với vai trò đồng phạm giúp sức Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, thực hiện hành vi phạm tội "Thao túng thị trường chứng khoán".
Bà Hương Trần Kiều Dung là Phó chủ tịch Thường trực HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán BOS (mã chứng khoán: ART) còn bà Nguyễn Quỳnh Anh là Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán BOS.
Bà Hương Trần Kiều Dung sinh ngày 19/8/1978, là "nữ tướng" nổi bật nhất tại FLC - tập đoàn do ông Trịnh Văn Quyết sáng lập. Bà Dung từng giữ chức Tổng giám đốc FLC từ năm 2015 đến năm 2017. Đầu năm 2017, bà Dung được bầu làm Phó chủ tịch HĐQT FLC, kiêm nhiệm Tổng giám đốc từ tháng 7/2018. Đến tháng 4/2021, bà Dung là Phó chủ tịch thường trực của tập đoàn này.
Theo báo cáo quản trị công ty năm 2021 của Tập đoàn FLC, ngoài chức vụ Phó chủ tịch Thường trực tại FLC, bà Hương Trần Kiều Dung còn là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT tại nhiều doanh nghiệp khác thuộc hệ sinh thái FLC.
Cụ thể, bà Dung là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán BOS; Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHOMES; Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros; Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FLC Travel; Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nông sản FAM; Thành viên HĐTV Công ty TNHH Một thành viên Quản lý khách sạn và khu nghỉ dưỡng FLC; Chủ tịch Công ty TNHH FLC Đồ Sơn Golf & Resort; Chủ tịch Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Quản lý Khu công nghiệp FLC; Chủ tịch Công ty TNHH Cemaco Việt Nam.
Vì lý do đảm nhiệm nhiều "ghế" lãnh đạo doanh nghiệp, ngày 6/4, bà Hương Trần Kiều Dung đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt hành chính 70 triệu đồng.
Theo báo cáo quản trị của FLC, tại ngày 31/12/2021, bà Hương Trần Kiều Dung chỉ sở hữu 27.775 cổ phiếu FLC, 200.483 cổ phiếu ART - chiếm tỷ lệ cổ phần không đáng kể tại các doanh nghiệp này.
Còn bà Nguyễn Quỳnh Anh được HĐQT Công ty Chứng khoán BOS bổ nhiệm vào chức vụ Tổng giám đốc từ ngày 1/8/2018. Bà Quỳnh Anh không sở hữu cổ phần tại Chứng khoán BOS, đồng thời người thân của bà cũng không hề nắm cổ phần tại đây.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FLC phiên 8/4 giảm sàn về 9.720 đồng/cổ phiếu, mất mốc mệnh giá (10.000 đồng), trong khi đó ART cũng giảm 2,44% còn 8.000 đồng/cổ phiếu. Tính so với thời điểm đầu năm, ART đã giảm giá tới 51% còn FLC cũng giảm tới 46%.
Bà Hương Trần Kiều Dung là Tiến sĩ Luật Quy hoạch - Xây dựng, Đại học Tổng hợp Montesquieu Bordeaux IV, Pháp và có gần 20 năm kinh nghiệm tư vấn về quản trị doanh nghiệp, tư vấn xây dựng, triển khai dự án, đầu tư, mua bán và sáp nhập tại Việt Nam. Bà từng là luật sư chính tại Công ty luật TNHH SMIC - nơi ông Trịnh Văn Quyết là Tổng giám đốc từ năm 2001.
Chia sẻ trên báo chí, bà Dung từng nhấn mạnh về việc giải quyết vấn đề trên nguyên tắc Suy đoán vô tội. "Cho dù đó là nhân viên hay là ai, khi nghe được những thông tin bất lợi về họ, đừng bao giờ nghĩ rằng họ có ý xấu hay đang có vấn đề gì, nếu chưa tìm được bằng chứng", bà Dung cho biết.
Đồng thời, bà Dung cũng khẳng định ít khi bị ảnh hưởng bởi thông tin dư luận: "Bao giờ bạn chứng minh được người ta có tội thì họ mới có tội, không được áp đặt là người đó có tội trước rồi mới đi chứng minh các tội lỗi đó. Về tình cảm, mình có thể yêu quý người này hơn người kia, nhưng trong công việc, nhất định phải đảm bảo sự công bằng".
Trước đó, ngày 29/3, ông Trịnh Văn Quyết đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, tạm giam để điều tra tội "thao túng thị trường chứng khoán" theo Điều 211 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan điều tra xác định, từ ngày 1/12/2021 đến ngày 10/1, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết điều hành nhân viên Công ty Chứng khoán BOS và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức. Các tài khoản này thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán với tần suất lớn. Mục đích nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.
Các tài khoản đã tham gia 28/28 phiên giao dịch, đặt mua chiếm 12% tổng khối lượng đặt mua và khớp mua 2,84% tổng khối lượng khớp mua toàn thị trường; đặt bán chiếm 7% tổng khối lượng đặt bán và khớp bán chiếm 12% tổng khối lượng khớp bán toàn thị trường.
Tại các phiên tăng giá, nhóm 21 tài khoản chứng khoán đặt mua với tổng khối lượng 77% tổng khối lượng đặt mua của nhóm. Tại các phiên giảm giá, nhóm đặt bán với tổng khối lượng 94% tổng khối lượng đặt bán của nhóm. Mục đích đẩy giá chứng khoán FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu ngày 1/12/2021 lên giá trần cao nhất 24.050 đồng/cổ phiếu (trung bình là 22.586 đồng/cổ phiếu, tăng 64%).
Sau đó ông Trịnh Văn Quyết giao cho người thân trong gia đình đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC với giá 22.586 đồng/cổ phiếu nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán, với số tiền 1.689 tỷ đồng, thu lợi bất chính số tiền khoảng 530 tỷ đồng.
(Theo Dân Trí)