Bài 1: Ngôi nhà 30m2 xây bằng đá vụn của gia đình cô gái giành 3 HCV SEA Games 32
Bài 2: Phạm Thị Hồng Lệ: Tiền thưởng huy chương SEA Games tôi để trả nợ cho bố mẹ
Bài 3: Cầu thủ Vũ Thị Hoa: Bố mất sớm, chắt chiu từng đồng lương phụ mẹ nuôi 3 em
Ít ai biết rằng, đằng sau thành tích ấy là một động lực khác biệt - động lực của một bà mẹ cần huy chương để “mang tiền về mua sữa cho con”.
Năm lớp 8 - khi còn là một nữ sinh ngơ ngác ở ngôi trường cấp 2 huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, Hà Thị Linh được các thầy về tuyển chọn tập môn boxing để trở thành VĐV chuyên nghiệp.
Sau khi được kiểm tra các bài tập nhảy xa, độ dài sải tay, các thầy về thuyết phục gia đình cô. Linh nhớ, bố mẹ đắn đo khi nhận được lời đề nghị quá mới mẻ và lạ lẫm.
“Lúc ấy, mình chẳng biết gì, chỉ thấy được đi Hà Nội là háo hức” - Linh nhớ lại.
Sau này, khi mọi người ở quê bàn tán và thắc mắc “tại sao lại để con gái đi học võ”, chính Linh lại ra sức giải thích rằng “dưới Hà Nội nhiều bạn nữ học võ lắm, không chỉ riêng mình con”.
Cứ thế, Linh vừa tập thể thao vừa học văn hoá như các VĐV khác. Cô thừa nhận, việc được tuyển chọn để đào tạo trở thành một VĐV chuyên nghiệp là một điều rất tốt thời điểm đó. “Khi các bạn còn đi học thì mình được Nhà nước nuôi ăn học, lại còn có trợ cấp để chi tiêu. Bố mẹ không phải lo gì cho mình cả”.
Đến năm 2010, cô được lên tuyển trẻ. Năm 2012, Linh tham gia đội tuyển quốc gia.
Năm 20 tuổi, cô tham dự SEA Games 27 và giành chiếc HCV đầu tiên trong sự nghiệp. Năm 22 tuổi, Linh giành chiếc HCĐ châu Á.
Năm 2016 là một cột mốc ảnh hưởng đáng kể đến sự nghiệp của Linh khi cô quyết định lập gia đình.
Kể về người bạn đời, cô nói, cả hai quen nhau khoảng hơn 1 năm thì cưới. “Lúc đầu, chồng mình còn tưởng mình đang học ĐH Thể dục Thể thao ở Hà Nội. Mãi sau, anh mới biết mình là VĐV chuyên nghiệp”.
Sau khi kết hôn, Linh vừa tập luyện vừa nghỉ sinh 2 con. Hiện tại, 2 bé gái đã được 5 tuổi và gần 3 tuổi. Sau thời gian nghỉ sinh và gián đoạn vì Covid-19, đến tháng 10/2022, cô mới bắt đầu tập luyện trở lại cho SEA Games 32.
Không chỉ vì màu cờ sắc áo, mà còn là chuyện cơm áo
Trong thời gian này, bên cạnh ý chí nỗ lực của bản thân, gia đình đã động viên cô rất nhiều.
“Thời điểm này, con nhỏ ở nhà đi học nhưng hay ốm. Chồng mình làm lái xe tải thuê cho mỏ quặng, công việc vất vả và nguy hiểm, đã mấy lần xe mất phanh. Thấy vậy, 2 vợ chồng bàn nhau để anh nghỉ việc một thời gian, anh chăm sóc các con cho mình yên tâm tập luyện”.
Suốt những năm tập luyện và thi đấu ở Hà Nội, cứ mỗi tháng 2 lần, Linh đều đặn bắt xe khách về Lào Cai thăm chồng con vào dịp cuối tuần.
Linh tâm sự, trong suốt thời gian chuẩn bị cho SEA Games 32, mẹ là người động viên cô nhiều nhất. Bà đã khuyến khích con gái một cách rất thực tế: “Cố gắng giành huy chương để có tiền về lo cho các con”.
Quả thực, với Linh, việc giành huy chương không chỉ là chuyện màu cờ sắc áo, mà còn vì chuyện cơm áo. “Với mình, 2 mục tiêu này chia đều 50-50”.
Chồng cô trước đó kiếm được 7-8 triệu đồng/tháng. Còn Linh, với mức thu nhập 10 triệu/tháng cả tiền ăn, cô thường thu xếp gửi về cho chồng 5 triệu để nuôi con.
“Vấn đề kinh tế của gia đình hiện khá khó khăn, vì gần như 2 vợ chồng không có tiền tích luỹ”.
Sau khi trở về từ SEA Games, Linh được nghỉ vài ngày về thăm gia đình, sau đó lại khăn gói xuống Hà Nội tập luyện cùng đội tuyển. Chồng và 2 con gái ở nhà chăm nhau ít nhất đến hết kỳ nghỉ hè của các con.
“Ở quê, học mầm non trường công là có nghỉ hè. Nếu muốn cho các con học hè thì phải đi gửi trường tư ở xa, mà gia đình mình cũng không có điều kiện. Hai vợ chồng quyết định để anh nghỉ làm cả hè này trông con cho vợ yên tâm tập luyện.
Bọn mình tính ít nữa anh sẽ đi tìm việc khác, vì lái xe tải khá nguy hiểm, lại phải vắng nhà đêm hôm”.
Xa mẹ, cuộc sống của 3 bố con vất vả hơn những gia đình khác. Cô nói, gia đình chưa từng có ý định đưa cả 3 bố con lên Hà Nội đoàn tụ với mẹ. Cuộc sống ở Thủ đô đắt đỏ, lại khó kiếm việc cho anh. Cô sợ 2 vợ chồng sẽ không thể lo nổi cho các con học hành với mức thu nhập như thế.
40 tuổi sẽ về quê mở lớp dạy võ
Khi được hỏi về kế hoạch tương lai xa khi hết tuổi thi đấu, Linh nói, 40 tuổi cô sẽ về quê mở lớp dạy võ cho trẻ em.
“Nếu mình có nguyện vọng ở lại làm huấn luyện viên thì cũng được tạo điều kiện, nhưng mình phải đi học đại học để đủ bằng cấp. Ngày trẻ, các thầy cũng động viên mình đi học nhưng vì ngại không có tiền ăn học, mình đã từ chối”.
Sau khi giành được chiếc HCV SEA Games 32 ở hạng cân 63kg, Linh đã nhận được 2 phần thưởng nóng của các mạnh thường quân trị giá 70 triệu đồng. Còn phần thưởng của đoàn Thể thao Việt Nam, cô đợi hoàn thành các thủ tục giấy tờ mới được nhận. Linh cho biết, số tiền này cô sẽ gửi về cho chồng nuôi con, còn dư sẽ tiết kiệm để lo ăn học cho các con sau này.
Chia sẻ với PV, huấn luyện viên Nguyễn Như Cường - người thầy của Linh ở đội tuyển boxing quốc gia - cho biết, Linh có ý chí phấn đấu trong tập luyện. “Em luôn là tấm gương cho các thành viên khác trong đội tuyển boxing nữ Việt Nam”. Bản thân ông Cường cũng luôn mong muốn các VĐV boxing có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các VĐV nữ sẽ được Nhà nước quan tâm và tăng chế độ hỗ trợ.
Ông cũng tiết lộ, trước thềm SEA Games, 2 thầy trò đã cùng nhau đặt ra một mục tiêu và cũng là khẩu hiệu để Linh có động lực tập luyện và thi đấu. Đó là: “Mang tiền về mua sữa cho con”!
Khép lại SEA Games 32, Đoàn Thể thao Việt Nam đạt thành tích 136 huy chương Vàng, 105 huy chương Bạc và 114 huy chương Đồng, xếp thứ nhất toàn đoàn. Hậu SEA Games, các vận động viên trở lại guồng quay tập luyện và mưu sinh, hỗ trợ kinh tế cho gia đình. Trong số đó, một số vận động viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Điều này khiến người trong cuộc phải gồng gánh, vừa cống hiến cho nền thể thao nước nhà vừa phụ giúp kinh tế cho gia đình. VietNamNet đăng tải tuyến bài Cuộc sống của các vận động viên SEA Games 32 hậu mang huy chương về nước để người hâm mộ hiểu hơn về họ. |
Ảnh: NVCC
Bài 5: Cao Thị Duyên mang HCV về quê, báo tin bất ngờ trong căn nhà xây bằng đá vụn