Đám cưới trôi qua được gần 2 tuần, tôi đang bắt đầu cuộc sống mới. Tôi tưởng rằng sẽ thích nghi nhanh chóng, nhưng mọi thứ hoàn toàn ngược lại.
Gia đình chồng tôi sống phô trương, hình thức. Hoàn cảnh không khá giả nhưng cách chi tiêu hàng ngày khiến cho ai cũng nghĩ là người giàu có. Đồ ăn, thức uống mua nhiều, không có kế hoạch, đến nỗi nhiều đồ để quá lâu đành phải bỏ, rất lãng phí.
Tôi có góp ý, chồng bảo gia đình anh quen sống từ xưa như vậy. Bố mẹ luôn quan niệm, cuộc sống chẳng biết ngày mai ra sao nên tận hưởng được ngày nào hay ngày đó.
Đám cưới của chúng tôi tổ chức hoành tráng nhất xóm. Bố mẹ mời khách đông hơn các gia đình xung quanh, cỗ bàn lên đến 150 mâm. Các món ăn được đầu tư hơn hẳn mặt bằng chung.
Chồng tôi từng khuyên bố mẹ nên tổ chức vừa phải, cố gắng thể hiện quá sẽ thành gánh nặng kinh tế về sau. Tuy nhiên, bố mẹ chồng không nghe. Ông bà vẫn muốn đám cưới to nhất làng, ai nhìn vào cũng phải trầm trồ.
Quả thực, bên gia đình tôi dự hôn lễ ở nhà trai đều tấm tắc khen chuẩn bị chu đáo, tiệc cưới sang trọng.
Tôi không thuộc tuýp người ưa hình thức như vậy, làm gì cũng nên lượng sức mình. Đám cưới cả đời mới tổ chức một lần nhưng không phải là cơ hội phô trương.
Sau đám cưới, vợ chồng tôi được hơn 200 triệu đồng tiền mừng. Tôi ấp ủ sẽ dùng số tiền này làm vốn bán hàng online, cải thiện thu nhập.
Cách đây vài ngày, khi đã gần 12h đêm, mẹ chồng gõ cửa. Tôi không thích bàn chuyện đêm hôm nhưng mẹ chồng có vẻ sốt sắng.
Sau khi hỏi han, khuyên bảo vợ chồng tôi về chuyện hôn nhân, mẹ than thở tổ chức đám cưới cho các con nhưng bố mẹ bị lỗ. Khách đến không đông như dự tính, cỗ bàn bị thừa, tiền mừng không đủ bù đắp chi phí bỏ ra.
Sau khi ngồi tính toán, số tiền bị lỗ gần 100 triệu đồng. Tôi không bất ngờ với cái kết này vì tính thích phô trương của nhà chồng.
Tôi thẳng thắn góp ý với bà về cách tổ chức như vậy là hơi "quá tay". Hàng ngày, gia đình cũng nên tiết kiệm để phòng những lúc phát sinh hoặc đau ốm.
Mẹ chồng bảo, gia đình chẳng còn ai cưới mà rút kinh nghiệm. Tuy vậy, bà muốn vợ chồng tôi bỏ một phần tiền mừng để bù lại chi phí bị lỗ.
Bà bảo, bây giờ là người một nhà, có khó khăn nên chia sẻ. Bố mẹ đã già, không kiếm đâu được 100 triệu đồng để bù khoản lỗ sau đám cưới.
Chồng nghe mẹ nói có vẻ mủi lòng nhưng tôi xin thời gian suy nghĩ. Thực tế, tôi muốn kéo dài thời gian chứ không muốn đưa tiền cho mẹ chồng.
Mẹ đẻ khuyên không nên đưa tiền mừng để bù lỗ, vì nhà chồng không biết tính toán. Đành rằng, bố mẹ chồng tổ chức hôn lễ cho các con, nhưng chồng tôi đã góp một khoản vào chi phí. Nếu lỗ sẽ phải trả dần, vì sao lại đề nghị vợ chồng tôi "gánh" chung?
Tôi nói quan điểm của mình với chồng, anh tỏ ra không hài lòng. Anh không muốn bố mẹ lo nghĩ vì khoản tiền 100 triệu đồng rồi đổ bệnh.
Còn tôi cương quyết không đưa, dù đang sống chung. Ai gây ra hậu quả, người đó phải tự chịu, không thể kéo người khác phải chịu cùng.
Theo Dân Trí