Những năm gần đây, huyện An Long ở tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng, nhờ một phần không nhỏ vào những ngọn núi có hình dạng giống như kim tự tháp.

hjfgjfghj.jpg
Ảnh: THX

Ngoài hình dạng giống kim tự tháp, những ngọn núi này còn có các lớp đá xếp chồng lên nhau gọn gàng đến mức ai cũng nghĩ là do con người tạo ra.

Kể từ khi những bức ảnh và video về "kim tự tháp An Long" lan truyền trên mạng vào khoảng năm 2018, nhiều giả thuyết về nguồn gốc của chúng đã được đưa ra.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những khối núi này là hoàn toàn tự nhiên.

Theo Chu Thu Văn, giáo sư tại Đại học Sư phạm Quý Châu, những khối núi ở An Long là đặc trưng của địa hình karst.

Địa hình karst là một hiện tượng tự nhiên của tạo hóa, hiện tượng phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn. Những ngọn núi hình nón là kết quả của quá trình phong hóa các khối đá.

Anlong pyramids 750x500.jpg
Ảnh: Weibo

Giáo sư Chu giải thích rằng, sự xói mòn theo chiều dọc do nước gây ra đã khiến các khối đá giãn nở ban đầu bị phân chia thành các khối độc lập. Khi quá trình này tiếp tục, các tảng đá ở trên bị xói mòn đáng kể, trong khi những tảng đá ở dưới ít bị ảnh hưởng hơn. Điều này dẫn đến các đỉnh thì nhọn còn chân đế rộng hơn.

Theo ông Chu, những ngọn núi ở Quý Châu được tạo thành từ đá dolomite có niên đại hơn 200 triệu năm tuổi, từ thời khu vực này hầu như chìm trong nước.

Bất chấp những giải thích khoa học, nhiều người vẫn tiếp tục suy đoán về nguồn gốc của "kim tự tháp An Long", cho rằng chúng là mộ cổ của một nền văn minh xưa, nguyên mẫu của kim tự tháp thực sự, hay tác phẩm của người ngoài hành tinh.