Gần đây trên mạng xã hội, các bà nội trợ chia sẻ cách chế biến nước gạo rang dành cho cả gia đình uống nhằm phòng bệnh tật, tăng đề kháng. Thức uống không chỉ giải khát mà còn bồi bổ sức khỏe. Bác sĩ tư vấn giúp, tôi là người béo phì, theo dõi tiền đái tháo đường có nên dùng nước này không? Tôi xin cảm ơn! (Chu Thúy Hà - 39 tuổi, Hà Nội).
Bác sĩ Hoàng Sầm - Chủ tịch Viện Y học Bản địa Việt Nam tư vấn:
Nước gạo rang hoặc nấu lên được người dân sử dụng từ nhiều năm trước. Khi các thực phẩm còn khan hiếm, người dân nấu cơm chắt lấy nước đầu dành cho trẻ nhỏ, người già uống. Thậm chí, người ta còn coi nước gạo rang là nước yến của người nghèo. Loại thức uống này lành tính, bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể.
Trước đây, Bộ Y tế từng cho phép sử dụng nước gạo rang trong hỗ trợ các bệnh tiêu chảy, bù điện giải, tác dụng ngăn mất nước. Nước gạo rang còn dùng trong các trường hợp say nóng nắng, có tác dụng làm sạch ruột, loại bỏ độc tố và chất béo trong các cơ quan nội tạng.
Gạo là tinh bột nhưng khi rang lên chỉ chứa đường đơn tốt cho sức khỏe, không làm tăng cân và đường huyết nên bạn không cần lo lắng. Ngoài ra, sử dụng nước gạo rang hằng ngày còn giúp bảo vệ niêm mạc ruột, tăng hấp thu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, giảm tình trạng táo bón.
Cách chế biến nước gạo rang rất đơn giản. Bạn cho gạo vào chảo nóng rang đến khi có màu vàng, để nguội tự nhiên và cất vào lọ thủy tinh dùng dần. Khi rang, bạn có thể cho thêm chút muối để tăng tác dụng. Hằng ngày, bạn lấy gạo đã rang pha như các loại trà từ 3- 4 muỗng.
Lưu ý khi chế biến nước gạo rang, bạn cần chọn loại gạo tốt, ngon, mới; lúa được canh tác sạch sẽ, an toàn, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Nước gạo rang là môi trường mà nấm, men và vi khuẩn có thể xâm nhập. Bạn nên pha uống trong ngày, không để lâu. Với trẻ nhỏ, số lần uống ít hơn, từ 2-3 muỗng/ngày.