Nguồn cung thiếu hụt lớn

Theo nguồn tin từ Bloomberg, Chính phủ Ấn Độ đang thảo luận về kế hoạch cấm xuất khẩu tất cả loại gạo không phải basmati (loại gạo hạt dài được trồng chủ yếu ở Ấn Độ). Kế hoạch này nhằm ứng phó với tình trạng giá gạo đang tăng cao ở trong nước, đồng thời giới chức trách muốn tránh nguy cơ lạm phát trỗi dậy trước các cuộc bầu cử quan trọng tại nước này.

Đáng nói, thời gian gần đây, lượng mưa không đồng đều ở các khu vực trồng lúa của Ấn Độ đẩy giá mặt hàng này tăng 20% chỉ trong 10 ngày. 

Lệnh cấm trên nếu được thực hiện sẽ ảnh hưởng đến khoảng 80% lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ. 

Giá gạo trên toàn cầu tăng mạnh do nguồn cung sụt giảm 

Động thái này có thể giúp giảm giá gạo trong nước của Ấn Độ, song nguy cơ đẩy giá gạo toàn cầu lên cao hơn. Bởi, Ấn Độ đang là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm 40% sản lượng gạo xuất khẩu toàn cầu.

Tháng 9/2022, Ấn Độ cũng quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm (broken-rice), mã HS 1006 4000. Cùng với đó, áp thuế xuất khẩu 20% đối với một số loại thóc gạo, như: thóc (HS 100610), gạo lứt và các loại gạo khác trừ gạo đồ, gạo Basmati. Ngay lập tức, giá gạo trên toàn cầu bị tác động mạnh. Giá gạo Việt Nam khi đó tăng từng ngày.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, hiện tượng El Nino phát triển ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương lần đầu tiên sau 7 năm, đe dọa gây hạn hán cho nhiều vùng trồng lúa gạo ở châu Á. Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ nếu được thực hiện sẽ làm căng thẳng thêm nguồn cung trên toàn cầu.

Thực tế, nhiều quốc gia đang tăng mua gạo không chỉ để ăn mà còn dự trữ do lo sợ El Nino sẽ gây thiếu hụt nguồn cung lúa gạo. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, tồn kho gạo trên thế giới ước giảm 8,9 triệu tấn, xuống còn 173,5 triệu tấn niên vụ 2022-2023; dự kiến năm 2023-2024 còn 170,2 triệu tấn. Tức, toàn cầu sẽ thiếu hơn 10 triệu tấn gạo và dự báo còn thiếu hụt nhiều hơn trong những năm tới.

Gạo là lương thực chính của khoảng một nửa dân số thế giới, trong đó châu Á tiêu thụ khoảng 90% nguồn cung toàn cầu. Giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm ở châu Á vọt tăng lên mức cao nhất 2 năm qua.

Trong ngày 13/7, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ở mức 513 USD/tấn, gạo cùng loại của Thái Lan là 517 USD/tấn, gạo Ấn Độ 493 USD/tấn. 

Giá gạo Việt xuất khẩu lập đỉnh 10 năm

Giám đốc một doanh nghiệp có hơn 30 năm tham gia xuất khẩu gạo ở nước ta thừa nhận, giá gạo tăng vọt do nguồn cung bị ảnh hưởng. Các quốc gia lo sợ hạn hán nên mua gạo tích trữ.

"Năm ngoái, Ấn Độ cũng cấm xuất khẩu gạo để nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước; kéo giá gạo trên thế giới tăng mạnh, trong đó có giá gạo xuất khẩu của Việt Nam", vị này nói. 

Vị giám đốc cho hay, ngoài thị trường truyền thống Philippines mỗi năm mua từ 2,5-3,1 triệu tấn gạo Việt Nam, gần đây các doanh nghiệp cũng nhận được nhiều hợp đồng từ Trung Quốc, Indonesia. Một số quốc gia ở Nam Phi đang quay trở lại mua gạo Việt nên giá mặt hàng này vọt tăng.

Cuối năm 2023 đến đầu 2024, gạo Việt có thể lập kỷ lục mới về giá xuất khẩu. Tuy nhiên, việc tăng giá như thế nào còn phụ thuộc vào các quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan. Thế nên, các doanh nghiệp cần cân nhắc trước khi ký hợp đồng để có giá bán tốt nhất. 

Hơn nữa, phải đảm bảo lượng gạo nhất định trong kho trước khi ký hợp đồng. Nếu không, sẽ rơi vào tình trạng ký hợp đồng xuất khẩu với giá thấp nhưng phải thu mua lúa giá quá cao, vị này khuyến cáo.

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm nay nước ta xuất khẩu 4,24 triệu tấn gạo, thu về 2,26 tỷ USD, tăng 21,3% về lượng và tăng 32,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. 

Năm 2023, Việt Nam có thể xuất khẩu ít nhất 7,2 triệu tấn gạo 

Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức giá xuất khẩu cao nhất 10 năm qua của hạt gạo Việt.

Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang hầu hết thị trường đều tăng trưởng từ 2-3 con số. Ngoài ra, một số thị trường mới như Indonesia, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ, Senegal... ghi nhận mức tăng đột biến từ 1.147-15.972% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước thông tin Ấn Độ xem xét cấm xuất khẩu gạo, trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), nhận định, nếu lệnh cấm này được thực hiện, giá gạo trên toàn cầu sẽ tăng đột biến, gạo Việt xuất khẩu cũng tăng theo. 

Năm 2008, có thời điểm giá gạo vọt tăng lên gần 1.000 USD/tấn do lượng dự trữ giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm và nhu cầu trên toàn cầu tăng cao, ông cho hay.

Trong xu hướng chung, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chắc chắn sẽ tăng nếu nguồn cung trên thế giới bị sụt giảm.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, đơn hàng xuất khẩu rất nhiều. Họ đang trong tình trạng "vét sạch" kho để trả đơn hàng. Trong khi, thị trường xuất khẩu gạo hai quý cuối năm 2023 được dự báo tiếp tục khởi sắc, giá gạo sẽ tăng và neo ở mức cao.  

Theo kế hoạch sản xuất, cả năm 2023, tổng diện tích gieo trồng lúa của nước ta ước đạt 7,1 triệu ha, sản lượng dự kiến đạt 43,11 triệu tấn, tăng 0,4 triệu tấn so với năm 2022. Ngoài phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng nội địa, năm nay nước ta có thể xuất khẩu ít nhất 7,2 triệu tấn gạo.

 

Hoàng Hiệp và nhóm PV, BTV