Tối thứ 7, cô con gái 19 tuổi của tôi thủ thỉ với bố: “Bố cho con mấy đồng mua bộ quần áo mới nhé”. Cô chị đang lướt điện thoại gần đó liền chen vào: “Con nữa”. Chồng tôi chuyển khoản cho mỗi đứa một triệu. Chiều chủ nhật, trước khi quay lại phòng trọ để đầu tuần đến trường, cô lớn lí nhí: “Bố ơi, con cần đóng tiền thuê nhà 2 triệu tháng tới”. Cô em cũng tranh thủ xin luôn khoản này, nhưng là đóng hẳn cho 3 tháng.
Chồng tôi vò đầu bứt tai than thở, tiền kiếm thì không ra nhưng tiền tiêu như núi lở. Tôi phải đế thêm một câu cho bố tụi nhỏ lặng người hẳn: “Anh đã lo xong gần 70 triệu tiền đóng học phí cho 2 đứa đầu năm chưa?”.
Tôi có 3 con, đứa lớn nhất đang học năm cuối một trường đại học dân lập, con gái thứ học năm 2 Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), còn cậu út sắp hết cấp 2. Nhiều người nhìn vào thường khen nhà tôi 3 đứa con ngoan ngoãn, học giỏi, bố mẹ được mở mày mở mặt. Nhưng thực sự, từ khi nuôi con học đại học, vợ chồng tôi tối tăm mặt mũi, nhiều lúc lo xoay tiền tới đau đầu, ù tai.
Nuôi con học đại học thời nay tốn quá. Tính sơ sơ, mỗi đứa một năm hết chừng hơn 100 triệu, trong khi hai vợ chồng ở quê làm ăn lẹt đẹt, chẳng để ra được mấy đồng tích lũy.
Riêng tiền học phí mỗi năm mỗi con tôi cần đóng khoảng hơn 30 triệu đồng, tiền thuê nhà trọ mỗi tháng mỗi đứa khoảng 2 triệu (bao gồm cả tiền điện, nước, mạng internet), tiền ăn khoảng 2 triệu nữa. Chưa kể xăng xe, cước điện thoại, quần áo, mỹ phẩm, hay thi thoảng con xin tiền nhuộm tóc, duỗi tóc, mua đồ phụ nữ…
Ngoài ra, khi các con bắt đầu năm học mới, đứa lớn phải sắm thêm một chiếc xe máy 28 triệu đồng, đến đứa thứ 2, lúc đó chắc thấy bố mẹ đã đuối quá rồi, nói con sẽ đi xe bus. Nhưng tới tuần rồi, con lại đòi mua xe máy để tiện đi học thêm IELTS và kiếm việc ngoài giờ.
Lại nói tới học thêm, tôi những tưởng khi con lên đại học là bớt được khoản này, nhưng không. Cô lớn cứ vài tháng lại chục triệu, hết học thêm tiếng Anh tới học lớp kỹ năng thuyết trình, rồi lớp thiết kế gì đó, cô bé thì đòi học khóa IELTS…
Chưa hết, cô lớn năm ngoái tham gia hoạt động đoàn trường và đi làm ngoài giờ tích cóp được 4 triệu, về “vay” mẹ thêm 4 triệu nữa để mua máy tính bảng cho tiện học và làm. Khoản vay không hẹn ngày trả này tôi cũng đâu mong lấy lại.
Để nuôi một đứa con học đại học, bố mẹ quá vất vả. Ngoài việc đóng cả khoản lớn vào đầu năm học, mỗi tháng, chúng tôi phải lo đủ ít nhất 10 triệu cho 2 đứa con, chưa kể cứ mỗi năm cả học phí lẫn tiền thuê nhà đều tăng. Chồng tôi đợt này còn hay than thở hơn khi cô con gái lớn còn một năm nữa sẽ ra trường: “Bố mẹ làm buôn thúng bán mẹt mà con học quản trị kinh doanh, không biết sau này xin vào đâu, làm cái gì được”.
Vợ chồng tôi có một cửa hàng bán đồ kim khí lặt vặt ở quê, mỗi tháng cũng chỉ được hơn chục triệu đồng. Tôi sắm thêm chiếc máy khâu, nhận may gia công khi ít khách. Chồng tôi cũng tranh thủ sửa đồ gia dụng, kiếm thêm đồng ra đồng vào.
Có những dịp, tiền không có sẵn, chúng tôi phải đi vay nóng anh em chòm xóm để đóng góp cho con, rồi cứ khoản này đập khoản kia, chi tiêu trong gia đình cũng phải tằn tiện, vài năm bố mẹ không dám sắm đồ gì mới trong nhà hay cho riêng mình. Có những lúc vừa mệt, vừa bực, chúng tôi cũng mắng con đôi ba câu khi các cháu xin tiền, nhưng không nỡ để chúng thiếu thốn so với bạn bè.
Nhìn cảnh nuôi hai đứa con đầu tốn kém, lại thấy hàng xóm cho con đi xuất khẩu lao động, tôi định hướng cho cậu con trai út theo con đường đó.
Hàng xóm nhà tôi, con học kém không đỗ được cấp 3 trường công nên hết cấp 2 là bố mẹ đi học trường nghề kết hợp bổ túc văn hóa, khi tốt nghiệp học ngoại ngữ thêm 6 tháng và làm thủ tục đi xuất khẩu lao động sang Nhật. Tổng chi phí để họ cho con đi Nhật là hơn 100 triệu đồng.
Đến hiện tại, dù tỷ giá yên Nhật thấp, mỗi tháng, trừ tiền sinh hoạt phí, con họ có thể để ra được 12-15 triệu đồng, thậm chí cao hơn nếu có cơ hội làm thêm. Sau đó, khi về nước, cháu có sẵn một khoản vốn, có thể mở cửa hàng và buôn bán làm ăn hay xin việc ở các công ty may mặc, cơ khí… cũng lương trên dưới chục triệu/tháng.
Khi nghe tôi tính phương án này, cậu út giãy nảy lên, bảo: “Hai chị được học đại học, sao con phải đi làm?”. Thực tình, tôi cũng không muốn xa con, để cháu xoay xở nơi đất khách quê người. Nhưng quả thực, con sức học làng nhàng mà theo đuổi 4-5 năm đại học vừa tốn kém, vừa tương lai cũng chưa chắc đã sáng ngời như chúng ta kỳ vọng. Liệu có con đường nào khác để bố mẹ đỡ chật vật mà con cũng không quá vất vả bước vào đời?
Độc giả Vũ Thị Tuyết (Phúc Thọ, Hà Nội)