Nuôi cua biển trong hộp nhựa ở Ninh Bình

Hiện mô hình nuôi cua biển trong nhà tại Việt Nam còn khá mới lạ, người dân chưa dám mạnh tay đầu tư vì hiểu biết hạn chế về kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm, cơ sở vật chất. Nhưng tại Ninh Bình, đã xuất hiện những mô hình nuôi cua biển trong nhà, trong hộp nhựa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cách đây hơn 1 năm, anh Phạm Văn Duy (trú xã Ninh Nhất, TP. Ninh Bình) bén duyên và đưa kỹ thuật nuôi cua biển trong nhà áp dụng lần đầu tiên tại tỉnh Ninh Bình. Trên báo Lao Động, anh Duy đánh giá, hệ thống công nghệ cao nuôi cua biển trong nhà có ưu điểm nổi bật là lượng nước đầu vào không cần nhiều nhờ nguyên lý tuần hoàn, sục khí tạo oxy. Khi đưa nước vào hộp nuôi cua, thức ăn thừa và chất cặn bẩn thải ra và đi qua hệ thống lọc thô, ra bể vi sinh và hệ thống khử khuẩn bằng tia UV. Nguồn nước được tái sử dụng tới 99,5% giúp hải sản nuôi tỷ lệ sống cao, năng suất tăng, không gây ô nhiễm môi trường.

Mô hình nuôi của biển trong hợp nhựa của anh Phạm Văn Duy (Ảnh: Lao Động)

Nuôi lươn đồng kiểu lạ trên cạn ở Kiên Giang

Lươn là thủy sản có giá trị kinh tế cao. Báo Dân Việt cho hay, trên địa bàn huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang), lươn đồng được người dân nuôi đem lại thu nhập cao. Nhưng giống lươn đồng nuôi hiện nay chủ yếu từ nguồn con giống có ngoài tự nhiên hoặc mua từ địa phương khác, chất lượng chưa cao, chưa kiểm soát được mầm bệnh nên nuôi tỷ lệ sống còn thấp.

Thực hiện chương trình phát triển thủy đặc sản nước ngọt của trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang năm 2022, trạm Khuyến nông huyện Giồng Riềng đã phối hợp cùng chính quyền 2 xã Hòa An và Long Thạnh triển khai thực hiện mô hình lươn sinh sản trên cạn. Mô hình này cũng góp phần nâng cao chất lượng giống lươn bản địa, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.

Tôm hùm vàng cực hiếm xuất hiện ở Việt Nam

Một hệ thống cửa hàng hải sản nhập khẩu tại TP.HCM vừa nhập về lô hàng có tôm hùm vàng cam Canada. Đây là loại tôm lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.

Đại diện cửa hàng này cho biết, đây là một trong những loại tôm hùm hiếm nhất thế giới, với tỷ lệ tìm thấy trong tự nhiên là 1 trong 30 triệu con. Con tôm hùm vàng này nặng gần 2kg. Dù khách hỏi mua nhiều, có người trả 150 triệu đồng nhưng đơn vị quyết định tặng lại chú tôm may mắn này cho Viện Hải Dương Học Nha Trang để nghiên cứu.

Con tôm hùm vàng cam cực hiếm, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. (Ảnh: Lao Động)

Điểm đặc biệt là tôm hùm có màu vàng cam, không khác gì được nấu chín. Trước đó, vào đầu tháng 3, một con tôm hùm Canada màu xanh ngọc bích lạ mắt cũng lần đầu xuất hiện tại Việt Nam trong một lô hàng nhập khẩu.

Liều trồng giống lựu "khủng" đỏ như son, lãi tiền tỷ

Sau hai lần khởi nghiệp thất bại, anh Dương Hữu Nghị (ngụ tại xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) bén duyên với cây lựu đỏ Peru. Báo Dân Trí cho hay, nhận thấy giống lựu này có thể phát triển ở vùng đất nắng và giàu phù sa như miền Tây, anh Nghị đã dùng 400 triệu đồng cải tạo, chuyển đổi từ đất lúa sang trồng lựu. Chỉ hơn một năm canh tác, anh Nghị đã thu hồi vốn và lãi từ 1 tỷ đồng/năm.

Ngay từ khi bắt tay phát triển mô hình trồng cây lựu đỏ Peru, anh Nghị đã chọn lựa phát triển theo hướng hữu cơ, tạo ra nông sản sạch. Dù trồng ở Việt Nam nhưng lựu Peru phát triển rất tốt, trái to, trọng lượng từ 500 đến 800g mỗi quả. Lựu Peru khi chín có màu đỏ như son, hạt đỏ thẫm, mọng nước ăn rất ngọt và thơm.

Vải thiều không hạt lần đầu xuất hiện ở Việt Nam

Sau hơn 2 năm trồng thử nghiệm, năm nay, Bắc Giang đã có một số cây vải thiều không hạt cho quả to, màu sắc đẹp, cùi dày và có vị ngọt, giòn đặc trưng. Mẫu mã và trọng lượng quả vải thiều không hạt tương đương với vải thiều chính vụ ở Lục Ngạn.

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang, cho biết, vải thiều không hạt có nguồn gốc từ Trung Quốc, mục đích đưa về trồng tại Lục Ngạn nhằm khảo nghiệm xem giống vải này có thích hợp với thổ nhưỡng nơi đây hay không. Nếu thành công, vải thiều không hạt sẽ đặc biệt có lợi cho chế biến, bởi tỷ lệ cùi dày lại không có hạt, tiết kiệm được công đoạn tách hạt quả.

Giống vải thiều không hạt trồng thử nghiệm đã cho trái vụ đầu tiên (ảnh: Lê Bá Thành)

Quán cháo giá chỉ 1.000 đồng độc nhất Sài Gòn

Quán cháo của vợ chồng ông Thái Công Minh (66 tuổi) tại Quận 6, TP.HCM được nhiều người biết đến vì "bán rẻ như cho". Theo Báo Dân Trí, 20 năm qua, quán cháo vẫn tấp nập khách ra vào mỗi ngày, dù mưa hay nắng. Năm 2003, mỗi tô cháo của vợ chồng ông bán giá 500 đồng. Đến năm 2012, tờ tiền mệnh giá 500 đồng ít người còn dùng nên ông bà tăng giá bán lên 1.000 đồng.

Người mua 1.000 đồng, ông Minh sẽ múc một vá cháo trắng đầy. Khách thường mua thêm đồ ăn kèm như cá kho, thịt kho quẹt, dưa cải muối, trứng vịt muối hoặc dưa ghém tùy sở thích. Những món này cũng chỉ có giá từ 3.000 đến 10.000 đồng. Vợ chồng ông chưa có ý định tăng giá dù mọi nguyên liệu nấu cháo đều đã tăng mạnh vì muốn giúp người khó khăn có được bữa ăn ngon, hợp túi tiền giữa thời bão giá.

Thú chơi lá kiểng đột biến của dân chơi ở Hà Nội

Năm năm trước, trào lưu chơi kiểng lá xuất hiện tại Việt Nam, phát triển mạnh trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Một số dòng cây kiểng lá phổ biến với tên khoa học khá khó nhớ như Monstera, Anthurium, Philodendron, Alocasia, Caladium,… dần có mặt ở Việt Nam.

Cộng đồng kiểng lá đến nay có khoảng 30.000 người, trong đó Hà Nội có 1.000-2.000 người. Mức giá kiểng lá từ vài trăm nghìn đến vài trăm triệu đồng với những dòng đột biến, hiếm, số lượng ít ỏi hoặc nhân giống khó. Có những bộ sưu tập cây giá trị hàng tỷ đồng hay cả trăm triệu đồng chỉ một chiếc lá. Điều thú vị khi chơi kiểng lá đột biến là không thể tìm được hai chiếc lá giống nhau hoàn toàn, mỗi chiếc lá mới luôn là một sự chờ đợi đầy bất ngờ.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)
 

Đặc sản "lạ" chỉ có ở Huế, khách tự mua nguyên liệu, giá "rẻ bèo"Thay vì được phục vụ đầy đủ tại chỗ, thực khách muốn thưởng thức đặc sản này phải tự tìm mua nguyên liệu tươi ngon rồi thuê các cô bán hàng trong chợ chế biến giúp với tiền công chỉ vài nghìn đồng.