Đầu năm 2024, Hội Cựu chiến binh xã Văn Lem (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) đã thành lập Tổ hợp tác “Hội viên Cựu chiến binh Dân tộc thiểu số nuôi hươu lấy nhung” với 3 thành viên là hộ cựu chiến binh người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và cận nghèo ở thôn Tê Pên. Mô hình được triển khai với kinh phí 80 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua 3 con hươu giống (1 con đực, 2 con cái).

Mô hình độc đáo này xuất phát từ tấm gương kinh doanh điển hình của anh Quách Văn Hà ở thôn Tê Rông. Sau một thời gian tìm hiểu quy trình nuôi hươu sao, năm 2021, anh Hà đã quyết định vay 100 triệu vốn chính sách để bắt tay vào kinh doanh. Từ 3 con hươu ban đầu, nay anh Hà đã có 7 con (3 đực, 4 cái sinh sản). Với giá bán 2 triệu đồng/100g nhung tươi, trong khi thu hoạch 1,5 - 2 kg nhung mỗi năm, anh Hà đã cải thiện đáng kể đời sống gia đình. 

W-tin65.jpg
Các mô hình sinh kế phù hợp với đặc điểm địa phương, hiệu quả giúp cải thiện đời sống của các hộ nghèo, cận nghèo.

Hươu sao khá dễ nuôi, có thể tận dụng nguồn thức ăn từ cây cỏ, hoa trái trong vườn nhà, có sức đề kháng cao, ít bị bệnh. Một con hươu đực nuôi từ 9-10 tháng tuổi sẽ bắt đầu ra nhung, sau khoảng 18 tháng tuổi bắt đầu khai thác; hươu cái sau 2 năm tuổi bắt đầu sinh sản. Hươu đực trưởng thành cho 0,7 - 1kg nhung mỗi năm và tuổi thọ trung bình của một con hươu là 20 năm.

Nuôi hươu sao được đánh giá là mô hình giảm nghèo bền vững mang lại hiệu quả cao ở Văn Lem, giúp thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực cho bà con vươn lên thoát nghèo bền vững.