Theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 7 năm nay, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của nước ta ước đạt 226 triệu USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 68,6 triệu USD, tăng 1,8%; thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật là 61,2 triệu USD, tăng 1,4%.
Ở nhóm ngành hàng này, Việt Nam tiếp tục là nước nhập siêu. Trong 7 tháng năm 2022, giá trị nhập khẩu lên tới 1,9 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa ước đạt 825,3 triệu USD, tăng 11%.
Riêng với mặt hàng thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật giá trị nhập khẩu lên tới 774,3 triệu USD, giảm 11,6%.
Dù lượng thịt nhập khẩu về giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng trên thị trường, các loại thịt, phụ phẩm nhập khẩu được rao bán với giá khá rẻ so với hàng nội địa.
Đơn cử, sườn cánh buồm Nga giá chỉ hơn 70.000 đồng/kg với khách sỉ, mua lẻ giá chưa đến 100.000 đồng/kg, còn mua nguyên tảng 2,5-2,8 kg/tảng giá chỉ 85.000 đồng/kg; thịt ba chỉ nhập khẩu giá dao động từ 80.000-100.000 đồng/kg tuỳ số lượng khách mua.
Lưỡi lợn đã loại bỏ cuống có giá 87.000 đồng/kg, móng trước giá 35.000 đồng/kg, tai lợn giá chỉ 75.000-85.000 đồng/kg…
Tương tự, một số sản phẩm thịt bò nhập khẩu giá cũng vô cùng rẻ, như: bắp bò Đan Mạch và Úc từ 125.000-140.000 đồng/kg, lõi thăn bò Úc chỉ 110.000-115.000 đồng/kg, dẻ sườn bò giá dưới 100.000 đồng/kg…
Thị trường trong nước tháng 7 vừa qua, thịt lợn hơi bật tăng mạnh. Theo đó, ở khu vực miền Bắc, thị trường lợn hơi điều chỉnh tăng từ 11.000-12.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 69.000-73.000 đồng/kg. Khu vực miền Trung, Tây Nguyên tăng 14.000-15.000 đồng/kg, giá từ 66.000-73.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, ghi nhận giá thu mua biến động tăng 11.000–13.000 đồng/kg tại nhiều tỉnh thành, biến động khoảng 65.000-72.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tăng đẩy giá bán thịt lợn ngoài chợ vọt lên mức 130.000-160.000 đồng/kg tuỳ loại bất chấp giá xăng dầu đã giảm về mức thấp.
Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, giá lợn hơi tăng là do thời gian qua giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, bệnh dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại ở một số địa phương nên nguồn cung giảm. Bên cạnh đó, các nhà hàng, quán ăn, các khu du lịch hoạt động trở lại nên tiêu thụ thịt lợn cao hơn.
Tuy nhiên, những ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8, giá lợn hơi đã hạ nhiệt.